Cụ Rùa và những lần nổi không ngẫu nhiên

Thời sựThứ Sáu, 10/10/2014 03:53:00 +07:00

Không biết bao nhiêu thế hệ từng trông thấy Rùa Hồ Gươm như một nhân chứng lịch sử thời Lê xuất hiện trên làn nước xanh ấy.

Xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội. Hồ Gươm xanh… vẫn xanh màu Lục Thủy (tên cổ của Hồ Gươm), không biết bao nhiêu thế hệ từng trông thấy Rùa Hồ Gươm như một nhân chứng lịch sử thời Lê xuất hiện trên làn nước xanh ấy.

Đã gần 600 năm trôi qua, với biết bao thăng trầm của thời gian, màu xanh Hồ Gươm vẫn thế. Vào thế kỷ 15, sau khi quét sạch quân xâm lược phương Bắc mang lại nền độc lập tự do quốc gia Đại Việt, theo giai thoại trên làn nước xanh hồ Lục Thủy, Rùa Thần xuất hiện nhận lại thanh Bảo Kiếm từ vua Lê, từ đó hồ mang tên hồ Hoàn Kiếm (hồ trả gươm) hay nôm na là Hồ Gươm, kể từ đó trong Hồ Gươm có cụ Rùa khổng lồ sinh sống.

Không biết bao nhiêu thế hệ từng trông thấy Rùa Hồ Gươm như một nhân chứng lịch sử thời Lê xuất hiện trên làn nước xanh ấy. Không ít lần Rùa Hồ Gươm xuất hiện gắn liền với những sự kiện của đất nước cũng như của Hà Nội mà nhiều người đã từng chứng kiến.

Cuối năm 1991, Hà Nội đưa ra dự án đưa máy cuốc đào 100.000 m3 bùn từ đáy Hồ Gươm đổ ra sông Hồng, rồi bơm nước sông Hồng vào hồ. Tôi đã viết tờ trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phản đối.

Ngày 3/3/1992, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra công văn số 753/KG yêu cầu dừng nạo vét lòng hồ Hoàn Kiếm. Ngày 10/3/1992, cụ Rùa nổi. Thay vì nạo vét bằng cơ giới TP Hà Nội phải chấp thuận dọn dẹp theo phương pháp thủ công với khối lượng 7.300 m3 bùn rác ven bờ hoàn tất vào ngày 15/11/1993.
 
Tháng 11/1993, hội thảo Quốc tế về Tuần lễ Bảo tồn và Tôn tạo Hà Nội lần thứ nhất tổ chức từ ngày 14 - 20, thì trưa ngày 19/11, cụ Rùa lên nằm bên chân Tháp Rùa, đầu ngẫng cao như đang nhìn về phía tượng vua Lê. Tháng 11/1994, hội thảo Quốc tế về Tuần lễ Bảo tồn và Tôn tạo Hà Nội lần thứ hai được tổ chức từ ngày 6 - 13, cụ Rùa xuất hiện hai lần vào các ngày 10 và 11/11.

Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định số 65 QĐ/BT công nhận "Di tích Lịch sử Công trình tưởng niệm vua Lê Thái Tổ” (ngày 6/1/1995). Đến ngày 20/1/1996, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội tổ chức dọn dẹp phá dỡ dãy nhà cấp 4 bên chân tượng vua Lê, cụ Rùa lại nổi!

Sáng ngày 27/9/2000 Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội tổ chức khánh thành Khu Di tích tưởng niệm vua Lê bên Hồ Gươm, cụ Rùa nằm gối đầu vào gốc si bên chân đền Ngọc Sơn từ 8h20 - 10h20 trước sự chứng kiến của nhiều quan chức Hà Nội. Đài truyền hình Hà Nội đã ghi được hình và đưa vào chương trình thời sự ngay tối hôm đó.

Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ Đảng khóa IX họp từ 18/2 - 2/3/2002.

Ngày 2/3/2002, cụ Rùa nổi từ 8h00 - 9h30 và 13h20 -14h00.(Reuters: Sat. 2 Mar 2002;14:24:03 đưa tin và bình luận). Ngày 3/3 báo Nhân Dân (số 17027) và Sài Gòn Giải phóng (số 8858) đưa tin.   

Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng Thủ Đô 10/10/1954 - 10/10/2002. Cụ Rùa xuất hiện vào ngày 9/10 (Nhân Dân số 17.246 ngày 10/10/2002 và Hà Nội Mới số 12.095 ngày 10/10/2002) và VNExpress đưa tin lúc 8h50 ngày 10/10/2002.

Ông Phạm Quang Long GĐ Sở VH & TT Hà Nội báo cụ Rùa nổi lúc 08h30 ngày 02/9, đúng Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc Khánh 2/9/1945 – 2/9/2005.

Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 21 đến 24/3/2006, cụ Rùa nổi hai lần vàongày 20/3/2006 và 24/3/2006.

Đại hội Đảng CS Việt Nam lần thứ X từ 18 – 25/4/2006, cụ Rùa nổi đúng ngày khai mạc và bế mạc Đại hội, lúc 10h00 ngày 18/4/2006 và ngày 25/4/2006 lúc 7h40 phía bến xe Đinh Tiên Hoàng.

Kỷ niệm 52 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 – 10/10/2006, cụ Rùa nổi 6h00 đến 6h30 ở khu vực bến xe Đinh Tiên Hoàng.

Ngày 8/11/2006, Tiền Phong đưa tin: “Đúng dịp Hà Nội đang tổ chức nhiều hoạt động đón mừng Hội nghị APEC và mừng Việt Nam gia nhập WTO, hôm nay (8/11) lúc gần 11 giờ trưa, Rùa Hồ Gươm đã bò lên nằm trên chân Tháp Rùa”.

Sáng 5/1/2009, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã khai mạc tại Hà Nội, trưa hôm sau ngày 6/1cụ Rùa nổi khu vực Đinh Tiên Hoàng lúc 10h50.

Đặc biệt năm 2010 cụ Rùa xuất hiện nhiều lần nhất lên tới 124 lần trong đó các tháng 10: 18 lần, tháng 11: 15 lần, tháng 12: 23 lần.
Dịp Quốc khánh 2/9/2010, theo thông tin từ đội An ninh Trật tự hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), đúng ngày Quốc khánh 2/9, cụ Rùa nổi gần dốc Bảo Khánh (theo Tiền Phong).

Sáng ngày 1/10/2010, Khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long, cụ Rùa nổi. Rất nhiều báo đã đưa về thông tin này. Suốt thời gian diễn ra Đại lễ cụ Rùa lên liên tục tất cả các ngày từ 1 đến 10/10. Hầu như các báo: Tuổi trẻ, VNNet,VNEpress, VNMedia, Đất Việt, Hoa học trò, PhunuNet, PL TP HCM, An ninh Thủ đô, báo Điện tử ĐCS, Kinh tế Đô thị, Bee.net và Dân trí đều đưa tin.   

Năm 2011, cụ Rùa xuất hiện với nhiều vết thương trên mai, UBND TP Hà Nội đã quyết định đưa cụ lên cứu chữa. Sau 100 ngày điều trị, cụ được đưa trở lại Hồ Gươm.

Ngày 13/10/2013, cụ Rùa nổi đúng ngày đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Quảng Bình.

Từ đó đến nay cụ đã khỏe mạnh và thi thoảng nổi lên trước sự chứng kiến của người dân Hà Nội và khách thập phương.

Theo TPO
Bình luận
vtcnews.vn