Cú rơi của Eximbank

Kinh tếThứ Hai, 01/12/2014 01:51:00 +07:00

Quy mô tài chính sụt giảm, Eximbank chính thức rớt khỏi câu lạc bộ 150.000 tỷ đồng.

Quy mô tài chính sụt giảm, Eximbank chính thức rớt khỏi câu lạc bộ 150.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu của ngân hàng Eximbank đang được giao dịch tại mức giá 11.200 đồng/ cổ phiếu, theo giá đóng cửa trên sàn giao dịch chứng khoán vào cuối tuần qua. Mức giá này hiện thấp hơn giá cổ phiếu của các ngân hàng được xếp trong nhóm có quy mô tài sản tương đồng như  Sacombank, Ngân hàng Quân đội và ACB.

Mặc dù đa số giá cổ phiếu của các mã trên thị trường chứng khoán Việt Nam biến động trong biên độ tương đối rộng, nhưng nhìn chung, giá cổ phiếu vẫn là một trong những chỉ báo cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào công ty.

Ngân hàng Eximbank  
So với nhóm các ngân hàng cùng quy mô như Ngân hàng Quân đội, Sacombank, Eximbank, ACB và Techcombank, tình hình kinh doanh của Eximbank trong quý này lại tiếp tục "đội sổ".


Lợi nhuận trước thế trong quý này giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lũy kế 9 tháng đầu năm, con số lợi nhuận cũng giảm đến 18%. Khả năng cán đích của kế hoạch lợi nhuận cả năm cũng khó khả thi, khi Eximbank mới chỉ đạt được hơn 50% kế hoạch đặt ra sau 9 tháng.

Các con số tài chính cho thấy hoạt động kinh doanh của Eximbank đang có nhiều trục trặc. Hoạt động tín dụng tiếp tục xu hướng giảm (dư nợ cho vay giảm đến 3,9% so với hồi đầu năm) đi kèm theo chất lượng nợ ngày càng đáng lo hơn. Tỉ lệ nợ xấu tăng vọt lên mức 3,36% vào thời điểm cuối quý III (cuối năm 2013 chỉ ở mức 1,98%) cao hơn các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương.

Nếu nhìn lại, cú rơi của Eximbank không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, 2 ngân hàng khác là ACB và Techcombank cũng lần lượt gặp phải những vấn đề tương tự như Eximbank. Chẳng hạn, giống như ACB, Eximbank cũng "dính đòn" khá nặng từ vàng, hoạt động vốn mang lại cho 2 ngân hàng này lợi nhuận trước đó. Còn với Techcombank, điểm chung là tỉ lệ nợ xấu tăng vọt cùng dư nợ cho vay giảm đáng kể.

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là quy mô tài sản của Eximbank lại giảm mạnh hơn nhiều ngân hàng khác, cho dù bối cảnh kinh doanh giống nhau. Sau 9 tháng đầu năm, quy mô tài sản của Eximbank đã sụt giảm gần 29.000 tỷ đồng, tương ứng với mức sụt giảm của khoản mục Tiền gửi và Cho vay các tổ chức tín dụng khác, theo bảng cân đối tài sản.

Với việc giảm tổng tài sản này, trong năm nay, Eximbank đã chính thức rớt khỏi câu lạc bộ các ngân hàng có quy mô tài sản trên 150.000 tỷ đồng, cũng như rớt khỏi nhóm 5 ngân hàng tư nhân có quy mô tổng tài sản lớn nhất thị trường.
Trước đây, thị trường luôn có một nhóm 5 ngân hàng có quy mô tài sản trung bình, bao gồm: Ngân hàng Quân đội, Sacombank, Eximbank, ACB và Techcombank, xếp ngay sau nhóm 4 ngân hàng thương mại thuộc chi phối nhà nước. Nhóm này được xem là khá tương đồng về quy mô, vị thế, thương hiệu cùng duy trì mức tăng trưởng nhanh và ổn định.

Tuy nhiên, trong năm 2014, vị trí của Eximbank đã được thay thế bằng ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ngay sau là VPBank. Cả SHB và  VPBank đã nhanh chóng tăng trưởng quy mô tài sản trong 9 tháng đầu năm, nhờ vào việc mở rộng danh mục cho vay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, dư nợ cho vay của SHB tăng trưởng đến 25,6%, còn ở VPBank tăng trưởng 35,1%.

Nói về tăng trưởng quy mô, Sacombank được xem là trường hợp đặc biệt, khi ngân hàng này vẫn tăng trưởng đều đặn (tăng trương quy mô 16% trong 9 tháng đầu năm). Quy mô tài sản của Sacombank đã gần tương đường với Ngân hàng Quân đội. Theo lý thuyết về chu kỳ tăng trường ở doanh nghiệp, sau mỗi gia đoạn tăng trưởng nóng là chu kỳ đi xuống.

Ví dụ, giai đoạn tăng trưởng mạnh của ACB là vào những năm 2006-2007, thì đến năm 2012 ngân hàng này bắt đầu đi xuống. Sau đó lần lượt là Techcombank và đến Eximbank cũng bắt đầu có dấu hiệu tụt dốc từ năm 2013, và rất có thể tiếp theo sẽ là Ngân hàng Quân đội, vốn đang chịu áp lực do nợ xấu tăng mạnh. Còn Sacombank, SHB lần VPBank dường như đang tận dụng rất tốt thời cơ này để chiếm lĩnh thị trường.

Trở lại với Eximbank, một trục trặc quan trọng từ năm 2013 là sự khủng hoảng về nhân sự cấp cao. Tháng 5/2014, ông Nguyễn Hữu Phú từ Sacombank đã về lại để nhận chức quyền Tổng giám đốc và chính thức trở thành Tổng giám đốc vào giữa năm 2011.

Với việc điều hành Eximbank, ngân hàng vừa rơi khỏi danh sách top 5 truyền thống, thì nhiệm vụ của ông Phú là khá rõ ràng và cũng nặng nề không kém, đó là ghi tên Eximbank trở lại vào danh sách này.

Theo Nhịp cầu đầu tư
Bình luận
vtcnews.vn