Cụ ông được bồi thường 6,7 tỷ đồng nhưng chỉ nhận về hơn 2 tỷ đồng: Lấy lại tiền cách nào?

Thời sựThứ Tư, 07/08/2019 21:18:00 +07:00

Luật sư Vũ Lợi - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoà Lợi cho hay, nếu ông Thêm đòi lại số tiền thỏa thuận với ông Hòa thì ông Hòa phải trả lại.

Ngày 7/8, luật sư Vũ Lợi - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoà Lợi tổ chức họp báo cung cấp thông tin về vụ việc của cụ ông Trần Văn Thêm (83 tuổi, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) - người được bồi thường 6,7 tỷ đồng nhưng chỉ nhận về hơn 2 tỷ đồng.

boi-thuong-oan-sai

 Buổi họp báo vắng mặt cụ ông Trần Văn Thêm.

Theo ông Lợi, cụ Thêm có đề nghị ông và công ty thực hiện tư vấn, bảo vệ quyền lợi miễn phí kêu oan cho mình do bị TAND tỉnh Vĩnh Phú (trước đây) và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử oan sai với mức án tử hình vào năm 1973-1974.

Trong quá trình trợ giúp pháp lý, cụ Thêm ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Giám đốc công ty Luật Hòa Lợi, Đoàn luật sư TP Hà Nội) đại diện thực hiện các thủ tục pháp lý và mọi thỏa thuận đều không diễn ra ở văn phòng luật sư Hòa Lợi. Việc ủy quyền này phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và là quyền tự định đoạt của cụ Thêm.

boi-thuong-oan-sai-2

 Luật sư Vũ Lợi - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoà Lợi.

Nói về việc ông Thêm “tự nguyện ủy quyền” cho ông Hòa được thay mặt sử dụng 40% giá trị tổng số tiền bồi thường để giúp người có hoàn cảnh khó khăn và giúp người bị oan sai, luật sư Vũ Lợi chia sẻ, nếu như các hợp đồng dân sự mà các bên có tranh chấp không tự giải quyết được thì có quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng vụ án dân sự tại tòa.

“Hợp đồng này hợp pháp thì công nhận, không hợp pháp thì tuyên vô hiệu và quyết định cuối cùng là ở tòa án. Nếu ông Thêm đòi lại số tiền thì ông Hòa phải trả lại” - luật sư Vũ Lợi khẳng định.

Trước đó, ngày 9/7, Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) làm việc với cụ Trần Văn Thêm và con trai của cụ này để làm rõ việc người con cho rằng bố bị chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, cụ Thêm nhận được 6,7 tỷ đồng bồi thường do án oan sai. Tuy nhiên, khi đi lấy tiền về đến nhà, cụ Thêm chỉ còn 4 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 2 tỷ đồng và 100 triệu tiền mặt.

Ngày 13/7, tại buổi làm việc giữa các bên về số tiền bồi thường cho cụ Trần Văn Thêm, ông Nguyễn Văn Hòa và ông Trần Văn Được (cháu cụ Thêm) thừa nhận giữ 60% số tiền bồi thường của cụ Thêm.

Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, Tòa án Cấp cao chuyển tiền bồi thường của cụ Thêm vào tài khoản cá nhân của ông theo ủy quyền.

3 hôm sau, ngày 19/3, ông mời cụ Thêm và cháu cụ Thêm, ông Trần Văn Được (người đưa cụ Thêm đi kêu oan nhiều năm) đến chi nhánh một ngân hàng ở Thạch Thất để rút tiền. Cùng lúc này, cụ Thêm đứng ra lập 6 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 500 triệu đồng.

Cùng ngày, tại trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội), ông Hòa nhận 2,7 tỷ đồng (40% trong 6,7 tỷ đồng) như thỏa thuận trong ủy quyền ngày 10/8/2016. Cụ Thêm cũng cho ông Được 200 triệu đồng tiền mặt. Số tiền còn lại cùng 5 sổ tiết kiệm, cụ Thêm và ông Được đi ô tô mang về nhà.

Ông Hòa cho hay, hiện giờ chỉ còn giữ của cụ Thêm duy nhất cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng (cho cháu nội đích tôn của cụ Trần Văn Thêm). Ông Hòa hứa sẽ trả lại cụ.

Theo ông Trần Văn Được, trên đường về nhà, ông và cụ Thêm vào rút 1 sổ tiết kiệm 500 triệu đồng cùng với một số tiền mặt mang về. Sau đó, cụ Thêm đưa cho ông Được 1 tỷ 150 triệu đồng.

"Như vậy, tổng số tiền mà cụ Thêm cho tôi là 1 tỷ 350 triệu đồng, tương đương với 20% số tiền mà cụ thỏa thuận với tôi viết tay (số tiền thỏa thuận giúp cụ Thêm minh oan)", ông Được cho hay.

Theo lời ông Hòa và ông Được, số tiền 6,7 tỷ đồng bồi thường được chia như sau: Ông Hòa giữ 2,7 tỷ đồng cùng một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng, ông Được giữ 1,35 tỷ đồng, cụ Thêm mang 4 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 500 triệu đồng) và 100 triệu đồng tiền mặt về nhà.

Nguyễn Phương
Bình luận
vtcnews.vn