Cụ bà nghẹn ngào mang ảnh chụp cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến viếng

Thời sựThứ Ba, 20/03/2018 16:58:00 +07:00

Trong dòng người đến Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sáng 20/3, một cụ bà 89 tuổi cầm trên tay bức ảnh chụp cùng nguyên Thủ tướng đến đưa tiễn ông.

Sáng 20/3, ngoài các đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nhiều người dân ở TP.HCM cũng có mặt từ sớm để thể hiện lòng thương tiếc đối với vị lãnh đạo đáng kính.

Ngay từ sáng sớm, dù chưa đến giờ bắt đầu tang lễ nhưng nhiều người đã có mặt từ sớm ở cổng Hội trường Thống Nhất.

Trong số đó, nhiều người là lão thành cách mạng, là bạn học hoặc đã từng có cơ hội gặp nguyên Thủ tướng.

Bà Nguyễn Ngọc Mai (89 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) là một trong những người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ sớm nhất.

Dù tuổi đã cao nhưng ngay khi nghe thông tin tang lễ của nguyên Thủ tướng được tổ chức ở Hội trường Thống Nhất để người dân đến viếng, bà Mai vẫn dậy từ sớm, lặn lội để được vào thắp nén nhang đưa tiễn người đã khuất.

29472877_964958607019617_867627580415541248_o

 Bà Mai kể về kỉ niệm khi được gặp và chụp ảnh chung với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Cầm trên tay tấm ảnh chụp cùng nguyên Thủ tướng ở đền thờ An Phú Đông (quận 12, TP.HCM) nhân dịp khánh thành ngôi đền này, bà Mai không giấu được cảm giác buồn rầu, thương tiếc.

"Sáng nay tôi dậy từ sớm, đến đây ngồi chờ đến lượt để vào viếng nguyên Thủ tướng. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, tôi cũng tham gia chiến đấu ngoài mặt trận như nguyên Thủ tướng.

Khi nghe ông bệnh, vì tuổi cao nên tôi không xuống nhà riêng thăm viếng được, nay nghe nói lễ viếng ông được tổ chức ở đây, tôi cố gắng đến để thắp nén nhang cho người đồng đội cùng chiến đấu năm xưa.

Ngày trước khi gặp lại ông ở dịp khánh thành đền thờ An Phú Đông, trông ông vẫn rất giản dị, gần gũi và thân thiện chứ không hề có khoảng cách xa lạ giữa lãnh đạo và người dân. Nghe tin ông mất, tôi cảm thấy rất đau buồn và thương tiếc", bà Mai nghẹn ngào chia sẻ.

Đồng cảm xúc với bà Mai, hai vợ chồng ông Trần Văn Chấp (80 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) vốn học cùng Trường Công nông Trung ương Hà Nội với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đến viếng từ sáng sớm.

"Dù học xong đã lâu nhưng chúng tôi thường tổ chức họp mặt sinh viên miền Nam tại Sài Gòn. Nghe tin bác Khải mất, bạn bè chúng tôi hẹn nhau đến đây để cùng thăm viếng bác ấy", ông Chấp nói.

29389357_1607436739374564_8058017731502407680_o 4

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Sinh túc trực nhiều ngày trong tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. 

Trong tâm trí những người đến viếng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người vì dân, của dân và luôn yêu thương người dân, đặc biệt là dân nghèo.

Chính vì tình cảm, sự tôn quý ấy nên dù chẳng phải ruột thịt, vẫn có không ít người sẵn sàng túc trực bên linh cữu nguyên Thủ tướng cho đến ngày ông về yên nghỉ trong lòng đất mẹ.

Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Sinh (80 tuổi, ngụ Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ: "Ba ngày qua, tôi đều có mặt ở nhà bác Khải. Hôm nay, tôi tiếp tục đến kính viếng bác ấy ở đây. Tôi luôn muốn bên cạnh bác Khải cho đến ngày bác được đưa về quê Củ Chi đất thép an nghỉ".

Được biết, từ khi hay tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, đã có hơn 1.000 đoàn đến viếng. Lễ tang nguyên Thủ tướng được tổ chức từ 8h ngày 20/3 đến hết ngày 21/3. 

Lễ truy điệu cũng được tổ chức lúc 7h30 ngày 22/3 tại Hội trường Thống Nhất. Lúc 11h cùng ngày, lễ an táng sẽ diễn ra tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM).

Video: Người dân TP.HCM tiếc thương nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Nhật Linh - Quang Hải
Bình luận
vtcnews.vn