CSGT xử phạt không cần lập biên bản: Có lo tiêu cực 'nảy nở'?

Thời sựThứ Ba, 02/08/2016 07:05:00 +07:00

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc CSGT có quyền xử phạt vi phạm mà không lập biên bản sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như phát sinh các tiêu cực.

Ngày 1/8, Phòng Cảnh sát Giao thông TP.Hà Nội (CSGT Hà Nội) ra quân thực hiện Kế hoạch 88, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ.

Theo Nghị định mới (46), từ 1/8 sẽ tăng mức phạt 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông so với Nghị định 171, 107. Kèm theo đó, cũng từ ngày 1/8, CSGT có quyền xử phạt vi phạm không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp: Xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.

vuot-den-do

 Ghi nhận của PV VTC News vào sáng 1/8, tại ngã tư giao cắt đường Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu, nhiều người tham gia giao thông vẫn cố tình vượt đèn đỏ. Ảnh Đức Thuận

Các trường hợp khác bị vi phạm lỗi phạt trên 500.000 đồng vẫn xử lý theo hình thức lập biên bản như bình thường, đồng thời áp dụng cho cả các trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ. CSGT phải "Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính” tại chỗ khi người vi phạm bị xử phạt không lập biên bản hành chính.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc CSGT có quyền xử phạt vi phạm mà không lập biên bản sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như phát sinh các tiêu cực.

 
Khi xử phạt trực tiếp, CSGT sẽ có biên lai giao lại cho người vi phạm chứ không phải cứ thế nộp tiền mà không có bất cứ giấy tờ gì.

Đại úy Nguyễn Minh Đức

Ông Trịnh Văn Tuấn (cán bộ hưu trí tại Hà Nội) bày tỏ: “Trước nay, người tham gia giao thông vi phạm lỗi sẽ bị lập biên bản nhưng thực tế vẫn nảy sinh tiêu cực. Tất nhiên, việc tiêu cực trong lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ có phần lỗi thuộc về ý thức người dân. Nhưng việc lập biên bản ít ra còn có thể kiểm soát được lực lượng chức năng trong quá trình xử lý, nếu cho họ quyền xử phạt trực tiếp không lập biên bản thì khác nào tạo điều kiện cho tiêu cực càng dễ thực hiện hơn.”

Anh Nguyễn Duy Hùng (nhân viên truyền thông) đồng quan điểm: “Thường thì phản ứng của người dân khi bị CSGT thổi phạt là lo sợ rồi xin xỏ để nhanh chóng được cho đi. Nếu xử phạt mà không lập biên bản thì rất dễ phát sinh tiêu cực, cả từ người dân lẫn CSGT.”

Trả lời PV VTC News, Đại úy Nguyễn Minh Đức – Phó đội trưởng đội CSGT số 1 (CA TP.Hà Nội) cho biết, một số bộ phận người dân vẫn chưa hiểu hết về việc CSGT có quyền xử phạt vi phạm mà không lập biên bản.

“Với những lỗi xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì CSGT xử phạt trực tiếp mà không cần lập biên bản. Tuy nhiên, khi xử phạt trực tiếp, CSGT sẽ có biên lai giao lại cho người vi phạm chứ không phải cứ thế nộp tiền mà không có bất cứ giấy tờ gì” – Đại úy Đức phân tích.

Đánh giá về nguy cơ xảy ra tiêu cực khi cho phép CSGT trực tiếp xử phạt mà không cần lập biên bản, Đại

úy Đức cho rằng: “Một thực tế có thể nhận thấy, nhiều người dân tham gia giao thông, tâm lý chung khi vi phạm luật lệ bị lực lượng CSGT xử lý thì có phản ứng xuống trình bày và xin CSGT bỏ qua vi phạm.

Khi xin bỏ qua vi phạm không được thì lại xin xử phạt với lỗi nhẹ hơn… Chính những điều đó khiến cho lực lượng CSGT rất khó xử lý. Ở một số nơi, xảy ra một số tình huống tiêu cực không đáng có mà dư luận và báo chí từng phản ánh.

Tuy nhiên, để không xảy ra tiêu cực thì đầu tiên người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức chấp hành luật. Đầu tiên từ việc đội mũ bảo hiểm, đi đúng tốc độ, làn đường, chấp hành biểu hiệu chỉ dẫn, đèn đường… Nếu đã vi phạm, được CSGT thông báo lỗi cụ thể thì người dân hãy vui vẻ chấp hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm.”

13871856_1837429519872245_1900454852_n

"Khi vi phạm luật giao thông, người vi phạm hãy nghiêm chỉnh chấp hành quyết định phạt. Đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng xuất biên lai để tránh xảy ra tiêu cực" - Đại úy Đức cho biết. 

Đại úy Đức nói thêm, để tránh tình trạng tiêu cực, trước hết người dân phải tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Khi vi phạm, nộp phạt thì yêu cầu lực lượng chức năng xử lý theo đầy đủ thủ tục pháp lý. Ở mức độ bị CSGT xử lý trực tiếp thì yêu cầu lực lượng chức năng xuất biên lai và giữ biên lai khi đã hoàn thành việc nộp phạt.

Về phía cán bộ chiến sĩ, đại úy Đức cho biết, trong tất cả các cuộc họp đơn vị hay hoạt động hằng ngày, đơn vị thường xuyên quán triệt, động viên chiến sĩ thực hiện đúng quy định, chức trách nhiệm vụ quyền hạn của mình.

Đánh giá về việc CSGT không lập biên bản với những lỗi có mức phạt như nói trên, đại úy Đức cho rằng việc áp dụng xử phạt tại chỗ sẽ giúp cho cả lực lượng thực thi công vụ lẫn người vi phạm tiết kiệm được thời gian, hạn chế đi lại nhiều, không cần phải đợi trong vòng 1 tuần mới đi lấy quyết định xử phạt, sau đó lên kho bạc nhà nước nộp phạt và trở về lấy giấy tờ, phương tiện... Người tham gia giao thông sau khi nộp phạt, nhận biên lai có thể tiếp tục tham gia giao thông.

Video: Tăng mức phạt, người dân vẫn cố tình vượt đèn đỏ

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn