CSGT cởi áo cầm máu cho người bị nạn: Việc bình thường, sao lại tung hô quá mức như anh hùng vậy?

Thời sựThứ Năm, 11/10/2018 17:45:00 +07:00

Một việc làm được xem là bình thường, thậm chí buộc phải làm của bất cứ ai thấy người bị nạn, nhưng lại được tung hô đến mức tặng giấy khen như anh hùng thì quả thực lòng nhân ái trong xã hội đã đến lúc cạn kiệt.

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao trước việc một CSGT thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa vì đã kịp thời cứu người bị nạn trên đường làm nhiệm vụ.

Sáng 7/10, trong khi cùng đồng đội tuần tra kiểm soát trên tỉnh lộ 555 đoạn qua xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), một đại uý CSGT thấy ông Nguyễn Hữu Bích (68 tuổi, ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia) bị thương do va quệt xe máy, chảy rất nhiều máu vùng đầu.

Anh CSGT cởi áo trong giúp nạn nhân cầm máu. Sau khi sơ cứu, anh cùng đồng đội chở ông Bích đi bệnh viện cấp cứu.

Anh đã được Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá tặng giấy khen, được Tỉnh đoàn tuyên dương khen thưởng vì hành động này. Dĩ nhiên, đây là hành động mang tính nhân văn, đáng trân trọng, cần được khích lệ, biểu dương.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan, công bằng, hành động này có đáng phải tung hô đến mức như người anh hùng thế không? Rõ ràng, đối với một xã hội phát triển bình thường (chứ chưa nói đến xã hội đầy lòng yêu thương, nhân văn), thì việc làm này cũng là việc làm bình thường của những người bình thường khi gặp người bị nạn.

Trong khi đó, đại uý CSGT còn cần phải có trách nhiệm hơn một người bình thường, đó là bảo vệ bình yên cho cuộc sống. Vì thế, các anh luôn phải tỏ rõ hơn trách nhiệm, lòng trắc ẩn, nhân ái, thậm chí là sự hy sinh vì mọi người.

tangbangkhen

Đại uý Lê Đăng Giang nhận giấy khen của lãnh đạo ngành. (Ảnh: T.Thanh) 

Thậm chí, nếu không là công an thì dù là bất kỳ ai giữa xã hội này, khi thấy chuyện bất bình, gặp người bị nạn cũng sẵn lòng lăn xả để giúp đỡ. Đó không những là trách nhiệm được quy định trong luật pháp mà còn là đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Vậy mà hành động bình thường như thế, hôm nay được tung hô quá mức, đến độ lãnh đạo ngành phải tặng bằng khen.

 
Nó chỉ cho thấy rõ một điều: Tình người, lòng nhân ái đang dần cạn kiệt trong một xã hội mà sự thờ ơ, cái ác đang ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ.

Người viết bài này liên tưởng đến những thông tin về CSGT ở nơi này nơi kia được nêu gương vì không nhận hối lộ. Thậm chí, số lượng thống kê CSGT không nhận hối lộ được đưa vào báo cáo thành tích ngày càng phổ biến. Rồi những hình ảnh CSGT dắt người già, em bé qua đường cũng được tuyên truyền như những hành động rất đặc biệt…

CSGT không nhận hối lộ không phải là thành tích, mà là việc không vi phạm pháp luật. Thật kỳ lạ là tại sao hành động không vi phạm pháp luật lại được nêu gương? Không biết từ bao giờ, chấp hành pháp luật - việc làm đương nhiên, bắt buộc đối với mỗi công dân - lại trở thành tấm gương sáng để noi theo.

Thấy gì qua những sự việc kỳ lạ, từ bình thường trở nên bất thường này?

Nó chỉ cho thấy rõ một điều: Tình người, lòng nhân ái đang dần cạn kiệt trong một xã hội mà sự thờ ơ, cái ác đang ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Ở ngoài đường, côn đồ có thể ngang nhiên lao vào hành hung, đâm chém người lương thiện như chốn vô pháp luật nhưng người qua lại đứng nhìn, không ai dám lên tiếng, không ai dám lao vào can ngăn hoặc gọi cảnh sát.

Thấy người gặp tai nạn nằm trên đường, đám đông tò mò đứng lại xem, nhưng không ai đưa người bị nạn lên xe chở đi cấp cứu, hoặc gọi xe cứu thương trợ giúp. Thậm chí người viết bài này nhiều lần chứng kiến cảnh sát đến hiện trường vẫy taxi đưa người gặp nạn đi cấp cứu, nhưng không có chiếc xe nào dừng lại mà tất thảy đều tìm đường lẩn thật nhanh.

Đạo đức xã hội đang xuống cấp quá mức, tình yêu thương con người ngày càng hiếm hoi nhường chỗ cho cái ác trỗi dậy. Thế nên, những việc làm bình thường hãy để cho nó bình thường. Chỉ nên cổ vũ, động viên những việc lẽ ra là việc phải làm, nên làm để tạo nên một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn.

 

Quỳnh An
Bình luận
vtcnews.vn