CSGT bắn người vi phạm: Tiến sỹ xã hội học nói gì?

Thời sựThứ Bảy, 20/07/2013 07:23:00 +07:00

(VTC News) – Tiến sỹ xã hội học lý giải nguyên nhân khiến cảnh sát giao thông bị kì thị và phân tích tâm lý tham gia giao thông của người Việt.

(VTC News) – Tiến sỹ xã hội học lý giải nguyên nhân khiến cảnh sát giao thông bị kì thị và phân tích tâm lý tham gia giao thông của người Việt.

Nhân chuyện cảnh sát giao thông bắn người vi phạm ở Thanh Hóa, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học) về ý thức tham gia giao thông của người Việt cũng như hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông trong mắt người dân.

- Ông có bình luận gì về vụ cảnh sát giao thông bắn người đi đường vào chiều 17/7 vừa qua ở Thanh Hóa?

Vụ việc này có hai chiều thông tin. Thông tin mà các nạn nhân cung cấp ban đầu trái ngược hoàn toàn với những gì nhà chức trách cung cấp về sau. Tuy nhiên, ngay cả khi sự việc xảy ra đúng như thông tin các nạn nhân cung cấp, tôi thấy rất vô lý. Không lẽ nào cảnh sát có đeo biển tên hẳn hoi đang yên đang lành lại bắn người khác, trừ khi đồng chí ấy bắn nhầm.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình
PGS-TS Trịnh Hòa Bình 
Tất nhiên, cái sai có thuộc về cả phía cảnh sát, nhưng những thông tin mà các nhà chức trách cung cấp nghe còn tin được, chứ lời của các nạn nhân, tôi thấy không đáng tin hoàn toàn. Tôi cho rằng việc họ vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ là có và việc họ chọc quậy cảnh sát giao thông cũng có.

Thế nhưng, không ai chứng kiến để biết liệu đồng chí cảnh sát giao thông đó có bắn phát chỉ thiên trước hay không. Việc sử dụng vũ khí cho dù là đạn cao su đi chăng nữa trong trường hợp đó là vi phạm.

Khách quan mà nói, người ta sẽ cắt nghĩa là đồng chí cảnh sát này có hành động như thế vì bức xúc, vì bị trêu tức mà đuổi mãi không kịp. Việc bắn công dân như thế là sai, cho thấy người công an đang giản đơn hóa sự việc, xem nhẹ an toàn tính mạng của người dân, vượt quá thẩm quyền.

- Hai nạn nhân trong vụ việc trên chia sẻ, họ không biết mình vi phạm và chỉ trêu cho vui thôi. Lời giải thích này có chấp nhận được không, thưa ông?

Nếu họ nói vậy chứng tỏ họ rất ấu trĩ, đáng trách về nhận thức pháp luật. Họ còn đáng chê trách nữa ở chỗ đã cung cấp thông tin sai lệch so với lúc đầu, khiến cộng đồng, nhân dân dậy sóng.

 

Chúng ta tốn rất nhiều tiền bạc, côngsức…mà không nâng được thái độ chấp hành luật pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng thì không chấp nhận được.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình
 
Lời khai ban đầu của họ dễ châm ngòi, kích nổ bịch lỗi của lực lượng cảnh sát lâu nay người ta vẫn cộng dồn, chờ ngày bục ra. Việc cung cấp thông tin như vậy là ấu trĩ, có thể xem là đầy ác ý và không thể thông cảm được.


- Theo ông, do người dân không biết mình vi phạm hoặc không hiểu luật hay do cảnh sát giao thông hành xử “bất ngờ, khó hiểu” nên mới xảy ra sự việc trên?

Tôi cho rằng cả công an và người dân đều có “phốt” nên mới thế. Cả hai bên đều đã hiểu không đúng tinh thần luật.

- Hai nạn nhân đều là người trung tuổi. Một người còn là cán bộ của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Nhìn rộng ra, ông có bình luận gì về thái độ của những người tham gia giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là những người có trình độ?

So với trước, thái độ khi tham gia giao thông của người Việt Nam chúng ta không nhích lên bao nhiêu mặc dù xã hội đang không ngừng phát triển về mọi mặt. Bức tranh đó thật đáng quan ngại, đáng buồn và đáng lên án.

Chúng ta tốn rất nhiều tiền bạc, công sức… mà không nâng được thái độ chấp hành luật pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng thì không chấp nhận được. Người Việt Nam hay có thói quen không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, thích suy diễn rồi hành động tùy tiện.

- Có ý kiến cho rằng, người Việt thường sợ hoặc không tôn trọng cảnh sát giao thông. Ông có thấy vậy không?

Nạn nhân Lê Văn Ngọc bị trúng đạn ở vai tường trình vụ việc với cơ quan chức năng
Nạn nhân Lê Văn Ngọc bị trúng đạn ở vai tường trình vụ việc với cơ quan chức năng. Ảnh: Trần Đông

Từ trước tới nay, cảnh sát giao thông thường bị kì thị do họ có nhiều hành vi cửa quyền, hống hách, nhìn nhân dân bằng nửa con mắt. Những thói xấu của họ bị cộng dồn làm hình ảnh của họ ngày càng trở nên xấu xí và nhiều khi họ phải trả giá đắt hơn với những hành vi họ gây ra.


Người dân hay nhìn nhận cảnh sát giao thông làm sai, hạnh họe, bắt bẻ họ. Quan trọng là việc xử phạt nhiều khi nhằm thủ lợi cá nhân chứ không phải vì sự phát triển của đất nước.

- Ông có thể phân tích tâm lý người tham gia giao thông ở Việt Nam?

Người tham gia giao thông ở Việt Nam có nhiều loại, có người hiểu biết luật còn hạn chế, có người biết rõ nhưng cố tình vi phạm hoặc chống chế. Nhiều người lúc nào cũng tỏ ra ta nắm rõ hết các luật rồi, nhưng kì thực họ chưa hiểu thấu đáo tinh thần của luật.

Khi xảy ra chuyện, họ thường ra sức cãi cố, chống chế. Nếu không thành thì nhờ người khác ứng cứu. Trong trường hợp không ứng cứu được thì họ tìm đủ mọi cách để vặn vẹo, làm khổ nhà chức trách đã phạt họ.

Nhìn chung, một bộ phận người Việt khi tham gia giao thông còn có tâm lý tự phát, vô chính phủ, thiếu chiều sâu về nhận thức.

- Làm thế nào để hạn chế tình trạng trên và hình thành thói quen tốt cho người Việt khi tham gia giao thông?

Hình ảnh CSGT được cho là Nguyễn Ngọc Hoàng đuổi theo xe máy của 2 anh Ngọc, Kỷ.
Hình ảnh CSGT Nguyễn Ngọc Hoàng đuổi theo xe máy của 2 anh Ngọc, Kỷ. Ảnh: Trần Đông 

Muốn có thói quen tốt thì hành động đó phải được lặp đi lặp lại nhiều lần. Muốn cải thiện thì phải làm sao cho người dân thực hiện các điều luật mà không cảm thấy đó là gánh nặng, họ phải cảm thấy vui vẻ.


- Gần đây, Hà Nội ra sức cải thiện hình ảnh cho cảnh sát giao thông thủ đô, từ việc CSGT thu xếp công việc chở thí sinh đến trường thi, sửa xe cho thí sinh tới việc dọn rác đường phố… liệu như thế đã đủ để lực lượng này tạo hình ảnh đẹp trong mắt người dân?

Những chuyện như lùa cả một binh đoàn nữ ra đứng đường để làm mềm không gian, dắt người già đi qua đường khi nhiệm vụ đang “nhàn rỗi”, phát động nụ cười thân thiện, nhắc nhở không được bụng to… mới chỉ là một cuộc vận động.

Quan trọng là phải đảm bảo sao cho điều đó trở thành bản lĩnh, cách hành xử hàng ngày của người cảnh sát giao thông thì mới có thể lay động trái tim, khối óc của quần chúng nhân dân. Từ đó, lực lượng này mới lấy lại được niềm tin thực sự.

Chính người cảnh sát giao thông phải lo lắng tới vị thế, vai trò, hình ảnh của mình trước, chứ không phải chờ các bài báo phê bình gay gắt hơn nữa mới chịu sửa.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn