Covid-19 đang lây nhanh toàn cầu, có thêm 100.000 ca nhiễm trong 12 ngày qua

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 21/03/2020 16:41:29 +07:00
(VTC News) -

Xuất phát từ châu Á, Covid-19 đang lây lan nhanh sang hầu hết các châu lục khác, khiến số ca nhiễm tăng gấp đôi trong 12 ngày vừa qua.

Dịch bệnh lây lan nhanh ra toàn cầu

Theo thống kê, số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới tăng gấp đôi chỉ sau 12 ngày. Đây là mức tăng đáng lo ngại, cho thấy đà lây lan nhanh của đại dịch Covid-19.

Italy hôm 20/3 ghi nhận thêm 5.986 ca nhiễm mới và 627 người chết, đưa tổng số người thiệt mạng tại nước này lên 4.032 trong tổng số 47.021 ca nhiễm. Số người chết tại Italy tăng lên gấp 10 lần trong 11 ngày qua. Xu hướng đáng lo ngại hơn được báo cáo ở Pháp, Tây Ban Nha. 

Covid-19 đang lây nhanh toàn cầu, có thêm 100.000 ca nhiễm trong 12 ngày qua - 1

Một phụ nữ đeo găng tay, khẩu trang che ô đi dưới một con đường ở Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)

Hiện Tây Ban Nha vượt Iran trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới. Số người chết tại quốc gia này đang tăng nhanh. Hôm 20/3, nước này ghi nhận 235 ca thiệt mạng chỉ trong 24 giờ. Tổng số người chết vì Covid-19 tại quốc gia này hiện là 1.002 người, trong tổng số hơn 20.000 ca nhiễm.

Điều này buộc Vương quốc Anh phải mở rộng các biện pháp để ngăn chặn virus lây lan. Hôm 20/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố đóng cửa các quán cafe, quán rượu, nhà hàng, rạp chiếu phim, hộp đêm, phòng tập và các điểm tụ tập đông người khác vô thời hạn.

Ở Mỹ, tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ khi số người nhiễm bệnh tại nước này tăng lên 18.000 trường hợp. Toàn bộ 50 bang của nước này đều đã ghi nhận có người nhiễm virus corona. 

Hôm 20/3, California trở thành bang đầu tiên ở Mỹ yêu cầu toàn bộ 40 triệu dân ở nhà, hạn chế di chuyển để tránh lây lan. Cùng ngày, chính quyền New York cũng ban hành yêu cầu tương tự, đồng thời kêu gọi thêm nhân lực và thiết bị y tế để điều trị cho các bệnh nhân. 

Ngoài ra, các lệnh phong tỏa được áp đặt tại nhiều khu vực trên toàn cầu, từ Ấn Độ đến Argentina tới vùng Bavaria giàu có của Đức. 

Mặc dù Trung Quốc hiện không ghi nhận thêm ca nhiễm mới "nội địa" liên tiếp 3 ngày qua, song nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về độ chính xác của dữ liệu từ Bắc Kinh. 

Covid-19 đang lây nhanh toàn cầu, có thêm 100.000 ca nhiễm trong 12 ngày qua - 2

Bản đồ Covid-19 toàn cầu: Màu đỏ là nơi bệnh dịch đang lây lan nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng.

Tình trạng khó khăn về y tế

Covid-19 cũng đang tạo ra áp lực chưa từng có với các nhân viên y tế trên toàn thế giới, kéo theo tình trạng thiếu hụt giường bệnh, máy thở và các thiết bị y tế. 

"Chúng tôi chứng kiến quá nhiều người chết", Margaret Harris, thành viên nhóm phản ứng với Covid-19 thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay. 

Vì những hạn chế về y tế, tỷ lệ thiệt mạng vì Covid-19 ở Italy ở mức 8,3%, cao gấp đôi tỷ lệ 4% ở Trung Quốc và mức trung bình 4,18% của thế giới. 

Tại Milan, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch, từ hôm 20/3, chính phủ đã phải yêu cầu những người có triệu chứng nhẹ tìm đến các bác sỹ gia đình, thay vì đến các bệnh viện đang quá tải. 

Các số liệu chính thức cho thấy, đại dịch Covid-19 tính tới hiện tại đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người. Khoảng một nửa trong số này là bệnh nhân ở châu Âu, 3.400 hoặc hơn số đó được ghi nhận ở Trung Quốc. 

Video: Người dân phố Trúc Bạch ăn mừng khi hết thời gian cách ly

Nhiều tồn tại trong cuộc chiến chống Covid-19

Phó chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc Sun Shuopeng, người đứng đầu nhóm chuyên gia Trung Quốc được cử tới Italy để chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid-19 nói rằng, các biện pháp chống dịch ở quốc gia châu Âu này khá lỏng lẻo. Giao thông công cộng vẫn hoạt động và người dân tới khách sạn mà không đeo khẩu trang.  

“Tôi không hiểu mọi người ở đây tư duy thế nào. Chúng ta thực sự phải ngừng lại các hoạt động kinh tế, tương tác xã hội thông thường. Chúng ta phải ở nhà và cố hết sức để cứu người", ông Shuopeng nói. 

Leung Chi-chiu tới từ ban cố vấn về các bệnh truyền nhiễm tại Hiệp hội Y khoa Hong Kong cho rằng, dân số già ở Italy là nguyên nhân khiến tỷ lệ thiệt mạng vì Covid-19 ở nước này ở mức cao, đồng thời tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế công cộng. 

"Châu Âu và Mỹ cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Một số chính phủ đóng cửa biên giới nhưng họ không làm nó một cách tuyệt đối. Họ cần đẩy nó tới mức cao nhất để đảm bảo hiệu quả", ông Leung cho hay. 

Ngoài ra, hôm 20/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích Liên minh châu Âu về quyết định hạn chế đối với việc xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế để đảm bảo nguồn cung cấp riêng của khối cho cuộc chiến chống dịch.

Các chuyên gia WHO khuyên các nước thực hiện càng nhiều xét nghiệm càng tốt. Tuy nhiên, Phần Lan lại phàn nàn rằng các xét nghiệm với những người có triệu chứng nhẹ sẽ làng phí tài nguyên chăm sóc sức khỏe. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Boris Anh Johnson đang lên kế hoạch tăng số trường hợp xét nghiệm lên 25.000 mỗi ngày, thay vì 4.000 như hiện nay. 

Song Hy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn