COP26: Mục tiêu 'net-zero' của Ấn Độ có ý nghĩa ra sao với thế giới?

Thời sự quốc tếThứ Tư, 03/11/2021 07:18:48 +07:00

Mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2070 của Ấn Độ được cho là tham vọng lớn hơn so với Trung Quốc hoặc EU.

Thông báo bất ngờ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết thực hiện mục tiêu phát thải “net-zero” [tức là lượng CO2 (hoặc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính) thải vào bầu khí quyển không nhiều hơn lượng CO2 được loại bỏ qua các biện pháp như trồng cây, công nghệ xanh – ND] vào năm 2070, đi kèm với một số cam kết đầy tham vọng.

Ấn Độ là một trong ba quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Trước tuyên bố của ông Modi, nước này đã tránh xa các cam kết “net-zero” và thay vào đó yêu cầu các nước phát triển cần phải hành động nhiều hơn.

COP26: Mục tiêu 'net-zero' của Ấn Độ có ý nghĩa ra sao với thế giới? - 1

Mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2070 của Ấn Độ được cho là tham vọng lớn hơn so với Trung Quốc hoặc EU. (Ảnh minh họa: PTI)

Trước hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc, Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng việc đặt ra các mục tiêu không quan trọng bằng con đường để đi đến việc giảm phát thải. Mặc dù vậy, áp lực đã tăng lên với Ấn Độ kể từ khi Trung Quốc công bố mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2060 hồi năm ngoái.

Tuyên bố của Thủ tướng Modi tại COP26 có các mục tiêu đầy tham vọng như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và hạn chế phát thải – điều mà các chuyên gia tin rằng có thể mang lại sự thay đổi lớn cho Ấn Độ trong những năm tới.

Ông Modi cho biết, Ấn Độ sẽ nâng công suất năng lượng không hóa thạch lên 500GW vào năm 2030. Cùng thời gian đó, 50% năng lượng của Ấn Độ sẽ đến từ các nguồn tái tạo. Mặc dù Ấn Độ đã đạt được những bước tiến trong lĩnh vực này vài năm trở lại đây, nhưng đạt được mục tiêu nêu trên sẽ là bước nhảy vọt so với năng lực năng lượng tái tạo hiện tại của Ấn Độ.

Thủ tướng Modi thông báo rằng Ấn Độ sẽ giảm tổng lượng khí thải carbon dự kiến xuống 1 tỷ tấn từ nay đến năm 2030. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Ấn Độ sẽ giảm cường độ carbon trong nền kinh tế của mình – một thước đo liên quan đến lượng hàng hóa được sản xuất trên mỗi đơn vị năng lượng – giảm 45% thay vì mục tiêu hiện tại là 35%.

COP26: Mục tiêu 'net-zero' của Ấn Độ có ý nghĩa ra sao với thế giới? - 2

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP)

Ông Navroz Dubash, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách cho rằng, mặc dù cam kết thực hiện mục tiêu phát thải “net-zero” có liên quan đến yếu tố ngoại giao, nhưng những bước đi liên quan sẽ thúc đẩy sự thay đổi thực sự trong những năm tới.

Mục tiêu đầy tham vọng

“Điều đáng quan tâm hơn nhiều ở đây chính là những thông báo liên quan đến đường sắt, sử dụng năng lượng phi hóa thạch và tiêu chuẩn về năng lượng tái tạo. Đây là những gì mang lại khung định hướng cho Ấn Độ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát triển một nền kinh tế carbon thấp trong những thập kỷ tới”, ông Dubash nói.

Bất chấp việc phát triển năng lượng xanh với tốc độ nhanh của Ấn Độ thì quốc gia này vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào than đá. Ấn Độ là nhà sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới. Trong khi các cam kết của Ấn Độ tập trung vào việc tăng cường năng lượng tái tạo, không có bất kỳ cam kết nào về việc sớm loại bỏ than đá hay thời điểm ngừng xây dựng các nhà máy mới.

Tiến sĩ Vaibhav Chaturvedi, một thành viên tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước (CEEW) nhận định: “Mặc dù mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 của Ấn Độ có thể đến muộn hơn các nước khác, nhưng thực sự thì mục tiêu này có nhiều tham vọng hơn so với Trung Quốc hoặc Liên minh châu Âu (EU)”.

“Chúng tôi tại CEEW kỳ vọng điều này sẽ cung cấp một lộ trình rõ ràng cho thị trường năng lượng Ấn Độ và toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh tốc độ hướng tới quá trình khử carbon sâu và khống chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất dưới 1,5 độ C”, tiến sĩ Chaturvedi chia sẻ.

Theo tiến sĩ Chaturvedi, tuyên bố của ông Modi về mục tiêu “net-zero” giống như “trải thảm đỏ cho các nhà phát minh nước ngoài và trong nước muốn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, sản xuất và triển khai công nghệ xanh ở Ấn Độ”.

“Tuy vậy, những nỗ lực của Ấn Độ sẽ cần có nguồn hỗ trợ tài chính sẵn có từ các nước phát triển. Nếu không có vốn nước ngoài đi kèm với các điều khoản ưu đãi thì việc chuyển đổi này sẽ rất khó khăn”, ông Chaturvedi lưu ý.

Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Modi nêu tại COP26: “Ngày nay, khi Ấn Độ quyết tâm tiến lên với một cam kết mới và năng năng lượng mới thì tài chính cho lĩnh vực khí hậu và chuyển giao công nghệ chi phí thấp càng trở nên quan trọng hơn”.

Mặc dù vậy, không giống như năm 2015, các cam kết của Ấn Độ trong năm nay không đi kèm điều kiện tài chính. Ấn Độ đã cố gắng đạt được những mục tiêu ban đầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà không cần bất kỳ nguồn tài trợ đáng kể nào.

Hùng Cường(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn