Container đè bẹp xe hơi, 3 người chết: Tài xế buồn ngủ đối diện mức án nào?

Pháp đìnhThứ Năm, 06/08/2020 06:45:00 +07:00
(VTC News) -

Theo luật sư, với hành vi lái xe trong lúc buồn ngủ gây ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 3 người chết, tài xế container có thể bị xử lý với mức án cao nhất 15 năm tù.

Tối 4/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Long Biên (Hà Nội) ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự Lê Thế Tuyển (SN 1988, trú ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) - tài xế container trong vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết xảy ra trên quốc lộ 5.

Tại cơ quan công an, Tuyển khai nhận, do buồn ngủ nên không làm chủ được tay lái dẫn đến container lao vào ô tô con đang dừng chờ đèn đỏ làm 3 người chết tại chỗ, 1 người bị thương.

Qua kiểm tra nhanh, cơ quan chức năng không phát hiện nồng độ cồn hay ma túy đối với tài xế Tuyển. 

Container đè bẹp xe hơi, 3 người chết: Tài xế buồn ngủ đối diện mức án nào? - 1

Container chồm lên nóc xe con đang chờ đèn đỏ, 3 người ngồi trong xe chết tại chỗ.

Trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, đây là vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng khi tước đi mạng sống của nhiều người, đe dọa đến sự an toàn của nhiều người khác khi tham gia giao thông.

Theo luật sư, quốc lộ 5 là làn đường hỗn hợp gồm nhiều phương tiện như ô tô con, container, xe máy... Khi lái xe trên đường này, chỉ cần tài xế sơ sẩy thiếu quan sát hay buồn ngủ thì hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. 

Trong vụ việc trên, tài xế Tuyển buồn ngủ gây tai nạn khiến 3 người chết, 1 người bị thương nên người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất.

"Nếu xác định tài xế buồn ngủ thì chắc chắn là có lỗi của tài xế, anh ta sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260, Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất đến 15 năm tù", luật sư Cường nhận định.

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, tài xế còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra đối với gia đình nạn nhân bao gồm tiền cứu chữa, chi phí mai táng cho nạn nhân, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và tiền cấp dưỡng theo quy định pháp luật.

Trường hợp chiếc xe của pháp nhân thì pháp nhân có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân, sau đó yêu cầu người lái xe bồi hoàn trở lại.

Container đè bẹp xe hơi, 3 người chết: Tài xế buồn ngủ đối diện mức án nào? - 2

ls Dang Van Cuong.png

Bất cứ ai nếu buồn ngủ khi lái xe trên đường thì đều có thể trở thành tội phạm.

LS Đặng Văn Cường

Trước nhiều ý kiến cho rằng với hành vi lái xe vô ý thức khiến 3 người trẻ tuổi chết oan ức, tài xế container cần phải bị xử lý ở tội danh giết người, luật sư Cường phân tích, chỉ khi tài xế có thù oán hay có quan hệ với nạn nhân, có động cơ cố ý gây tai nạn thì mới bị xử lý về tội giết người. 

"Vụ tai nạn khiến 4 người thương vong trên sẽ là bài học cảnh tỉnh đối với các tài xế lái xe. Bất cứ ai nếu buồn ngủ khi lái xe trên đường đều có thể trở thành tội phạm", luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, những lái xe container thường lái vào buổi đêm, khi trạng thái cơ thể sinh học của con người rơi vào trạng thái ngủ.

Để khắc phục tình trạng này, lái xe sẽ có thói quen ngủ ngày, đêm lái xe, nhưng vẫn có những trường hợp không ngủ được ngày, đêm vẫn thức để lái xe.

Đối với tình huống buồn ngủ, những tài xế có kinh nghiệm thường tấp vào lề đường để ngủ, chợp mắt chút cho qua cơn buồn ngủ. Còn với tài xế thiếu kinh nghiệm lại làm bằng cách như vươn vai, véo má… để tiếp tục hành trình nhưng thực chất không hết được cơn buồn ngủ. Lái xe trong tình trạng buồn ngủ rất dễ gây tai nạn, thậm chí rất thảm khốc.

"Để giảm thiểu tai nạn giao thông, ở nước ngoài, người ta quy định về số giờ tài xế lái xe, còn tại Việt Nam chưa có quy định này nên còn nhiều tài xế chạy xe cố sức cả chặng đường dài dẫn đến mệt mỏi, nguy cơ gây ra tai nạn đau lòng như trên", luật sư Cường thông tin.

Theo ông, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp tách riêng làn dừng đỗ xe chờ đèn đỏ trên những tuyến đường có hỗn hợp các loại phương tiện để tránh thương vong. Ví dụ, xe container, xe tải nên dừng đỗ ở làn ngoài cùng bên trái, kế tiếp đó là xe con, xe khách...

"Các cơ quan chức năng cần lắp các loại biển báo, gờ giảm tốc độ... tại những nơi dừng đỗ đèn tín hiệu giao thông có đông phương tiện hỗn hợp để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra", luật sư Cường nói.

Khoảng 3h15 ngày 4/8, tài xế Tuyển lái xe container BKS 15C-114.66 kéo theo rơ mooc BKS 15R-046.41 chạy đi trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) hướng từ Trâu Quỳ tới Cầu Chui.

Khi đến khu vực cột đèn 4/14, container đâm vào đuôi xe ô tô con 30E-925.52 đang dừng chờ đèn đỏ.

Vụ tai nạn khiến 3 người trên xe ô tô con gồm Nguyễn Hoàng Dương (SN1999), Nguyễn Ánh Pháp (SN 1996) và Nguyễn Văn Hoàng (SN 1991, đều ở Long Biên, Hà Nội) chết tại chỗ.

Nạn nhân Đào Thị Nga (SN 1996, tổ 15 phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) bị văng ra ngoài trọng thương.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn