Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex doanh thu nghìn tỷ vẫn lao đao, vì sao?

Kinh tếThứ Năm, 12/04/2018 11:00:00 +07:00

Cổ phiếu PIT của Petrolimex đang không được giao dịch ký quỹ vì thuộc diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30/6/2017 bị âm.

Trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HoSE hiện có tên Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (PIT) - doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) – doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

pit_HJMV

 Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 33% năm 2017 của PIT không thành công. 

PIT là mã chứng khoán đang nằm trong diện bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch từ ngày 14/4/2016 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2014 là -9,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2015 là -7,9 tỷ đồng (từ ngày 19/4/2016 được giao dịch trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát).

Kinh doanh bết bát, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu 2017 của Xuất nhập khẩu Petrolimex tiếp tục âm (24,6 tỷ đồng) nên ngày 18/8, Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX) ra thông báo tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu PIT.

“Việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu PIT sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex”, thông báo của HSX nêu.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới được công bố, hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex tiếp tục lao đao khi lỗ 47,2 tỷ đồng trong năm 2017.

Vẫn theo báo cáo, tại thời điểm ngày 31/12/2017, Xuất nhập khẩu Petrolimex có khoản nợ phải trả lên tới 460,9 tỷ đồng, trong khi vốn sở sữu là 146,5 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh thụt lùi khi doanh thu bán hàng của PIT chỉ đạt 2.112 tỷ đồng, giảm hơn 450 tỷ đồng so với năm trước.

Hàng tồn kho tuy giảm so với đầu năm nhưng kết thúc năm tài chính vẫn ghi nhận tới 233 tỷ đồng, trong khi đó dự phòng hàng tồn kho giảm (từ 1,8 tỷ xuống còn 1,3 tỷ đồng).

Tổng tài sản Xuất nhập khẩu Petrolimex tại thời điểm 31/12/2017 so với giữa và đầu năm cũng giảm đáng kể (trên 10%). Theo lý giải của doanh nghiệp là do giảm số dư hàng tồn kho, PIT chủ trương đẩy mạnh bán hàng tồn kho lâu ngày để thu hồi dòng tiền.

Ngoài hàng tồn kho lớn, Xuất nhập khẩu Petrolimex cũng có một số khoản phải thu (tại ngày 31/12/2017, PIT ghi nhận các khoản phải thu cả ngắn và dài hạn hơn 14 tỷ đồng) đã quá hạn thanh toán trên 3 năm. Xuất nhập khẩu Petrolimex đánh giá tài sản đảm bảo của khách hàng có giá trị thị trường cao hơn các khoản phải thu và có khả năng thu hồi toàn bộ các khoản nợ này nên không trích lập dự phòng.

Tại báo cáo kiểm toán, Deloitte - Công ty kiểm toán báo cáo tài chính cho Xuất nhập khẩu Petrolimex cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ. Theo Deloitte, tại ngày 31/12/2017, PIT chưa thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho mặt hàng nhựa với số tiền khoảng 2,2 tỷ đồng (cùng thời điểm năm 2016 là 5,3 tỷ đồng) và mặt hàng cao su với số tiền khoảng 2,1 tỷ đồng.

“Nếu công ty trích lập theo quy định tại chuẩn mực kế toán Việt Nam số 02 – hàng tồn kho, thì lỗ kế toán trước thuế năm 2017 của công ty sẽ tăng 4,3 tỷ đồng và khoản mục hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2017 sẽ giảm đi một số tiền tương ứng”, kiểm toán viên của Deloitte đánh giá.

Vẫn theo Deloitte, tại ngày 31/12/2017, Xuất nhập khẩu Petrolimex có một số lô hàng sắt thép tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển, tiền nguyên liệu và tiêu bán thành phẩm với giá trị khoảng 86,8 tỷ đồng. PIT chưa xác định được giá trị thuần có thể thực hiện được của các mặt hàng này để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định.

“Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về số dự phòng công ty cần trích lập đối với hàng tồn kho nêu trên. Do đó, chúng tôi không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu hay không”, kiểm toán viên của Deloitte đánh giá.

Video: Vũ "Nhôm" tiếp tục bị khởi tố tội danh mới

Trong bản giải trình gửi HSX, Xuất nhập khẩu Petrolimex cho biết các mặt hàng tồn kho của công ty được bảo quản tốt, giữ được phẩm chất. Phần lớn 86,2 tỷ đồng hàng sắt thép và nguyên liệu chậm luân chuyển tại thời điểm 31/12/2016 đã được bán trong năm 2017.

Tại ngày 31/12/2017, trong hàng tồn kho không xác định được giá trị thuần có thể thực hiện được, có khoảng 37 tỷ đồng hàng chậm luân chuyển, đều là sắt thép. Còn lại là hàng nguyên liệu tiêu được dùng để sản xuất gia vị chất lượng cao trong năm 2018, gồm nhiều loại tiêu tồn dưới một năm với các phẩm chất khác nhau. Hàng tồn kho công ty phần lớn đã ký hợp đồng bán và nhận đặt cọc, sẽ giao hàng trong tương lai. PIT tin rằng sẽ hạn chế được rủi ro giảm giá hàng tồn kho trong 2018.

“Với diễn biến gia xăng dầu thế giới tăng gần đây, PIT tin rằng trong năm 2018 giá hạt nhựa và cao su sẽ cải thiện, tạo điều kiện giải phóng hàng tồn kho và giảm thiểu tối đa dự phòng giảm giá.

Đối với các khoản nợ phải trả thu trên 3 năm, PIT đã và đang thu hồi, bước đầu đã thu được một phần nợ quá hạn này, PIT tin rằng trong tương lai gần sẽ xử lý và thu hồi được số nợ phải thu nói trên”, Xuất nhập khẩu Petrolimex cho biết.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn