Công Phượng vô danh và giấc mơ 'trung tâm châu Á' của bóng đá Việt Nam

Thể thaoThứ Bảy, 03/08/2019 11:50:00 +07:00

Mọi hành trình vĩ đại đều bắt đầu từ bước đi đầu tiên, và để trở thành "trung tâm châu Á", bóng đá Việt Nam cần những người vô danh như Công Phượng.

Đêm qua, Công Phượng ra sân phút 70, chơi 20 phút, nhưng đó là khi Sint-Truidense đã hoàn toàn tan vỡ trước sức mạnh của Club Brugge. Đương kim á quân Bỉ đè bẹp Sint-Truidense với sức mạnh khủng khiếp và sự áp đảo trên từng mét cỏ. Có màn ra mắt chính thức trước đối thủ mạnh nhường ấy không phải trải nghiệm đáng nhớ.

Cũng như những lần xuất ngoại trước, Công Phượng gần như chắc chắn làm bạn với ghế dự bị. 

cong-phuong-1-12324610 6

Trên mạng xã hội, những tiếng chửi rủa, đả kích ngớt dần. Không như thời điểm Công Phượng ở Incheon United, CĐV Việt Nam đã kiềm chế hơn khi cầu thủ con cưng gặp khó khăn. Có 2 lý do giải thích cho vấn đề này. Thứ nhất, dường như khán giả Việt Nam đã ý thức hơn về những phát ngôn quá khích có thể ảnh hưởng tới cầu thủ và CLB.

Thứ hai, chất lượng giải Bỉ như thế, Công Phượng dự bị cũng là hợp lý. Nhanh, mạnh, chính xác và ở tầm khác so với Mito Hollyhock hay Incheon United - những đội Công Phượng không tìm được chỗ đứng trước đó. Giải Bỉ nằm trong nhóm 10 giải tốt nhất châu Âu. Kawin Thamsatchanan - thủ môn giỏi nhất Thái Lan trong 20 năm trở lại đây cũng chỉ "mon men" đến OH Leuven - đội hạng nhất Bỉ.

Cong Phuong (11) 9

Công Phượng đang chơi cho đội bóng mạnh.

Sint-Truidense suýt nằm trong nhóm cạnh tranh vé dự Europa League mùa trước, tức là về thực lực, đội bóng này đã tiệm cận đẳng cấp cao tại Bỉ. Mà các đội bóng Bỉ không phải dạng vừa ở châu Âu. Club Brugge - đội vừa "huỷ diệt" Sint-Truidense còn có thành tích đối đầu ngang bằng với... Chelsea ở cúp châu Âu.

Kinoshita - tiền đạo Nhật Bản chỉ có 2 lần ra sân ở Sint-Truidense mùa trước. Yuma Suzuki - chân sút hay nhất AFC Champions League 2017/2018 chưa có chỗ đứng tại đây. Kinh nghiệm thi đấu quốc tế của Kinoshita hay Suzuki đều hơn Công Phượng, tức là xét về mặt logic, tiền đạo Việt Nam khó có cơ hội.

Hơn 60 phút trước Lommel (đội hạng hai Bỉ), Công Phượng không thể hiện được nhiều, bị fan Bỉ chê là "quá chậm". Đêm qua, một lần nữa cầu thủ người Việt Nam (và phần còn lại của Sint-Truidense) lạc lõng giữa ma trận do Brugge giăng ra.

Ở châu Âu, Phượng sẽ không có sự ưu ái nào. Cầu thủ sinh năm 1995 chưa từng đá cho CLB nào đứng ở nửa trên bảng xếp hạng, đến từ một nền bóng đá chưa có số cầu thủ đá ở châu Âu quá một đốt ngón tay. "Công Phượng là ngôi sao ở Việt Nam, nhưng không phải ai cũng biết anh ấy tại châu Âu", nhân viên truyền thông của Sint-Truidense chia sẻ.

cong-phuong-3-1258505 7

Năm 1978, Cha Bum Kun chia tay đội Sungmu FC (Không quân Hàn Quốc) để chuyển sang SV Darmstadt (Đức). Ngày Cha rời Hàn Quốc, không nhiều người tin một cầu thủ châu Á sẽ thành công ở châu Âu. Thua kém thể chất, sức bền, khác biệt thời tiết,... là những yếu tố cản trở. Các nước châu Á cần một biểu tượng để xoá bỏ định kiến, và để làm được điều đó, họ cần có người mở đường.

Cha Bum Kun được lịch sử chọn lựa. Ngày sang Đức, ông cũng là người "vô danh", phần còn lại với bóng đá Hàn Quốc, có lẽ không phải nói thêm.

Bóng đá Nhật Bản thậm chí xuất phát sau Hàn Quốc. Năm 1981, xứ mặt trời mọc gửi gắm giấc mơ bóng đá qua hình tượng "Tsubasa" trong bộ truyện cùng tên. 5 năm sau, ở tuổi 15, Kazuyoshi Miura một mình xách giầy sang Brazil theo nghiệp cầu thủ và thi đấu cho 6 đội bóng từ yếu đến mạnh. Năm 1990, Miura về Nhật Bản, gặt hái 4 chức VĐQG trước khi bỏ lại tất cả để sang châu Âu chơi bóng. Ở Genoa, Miura cũng là người vô danh.

Miura 4

 Miura là "cây trường sinh" của bóng đá Nhật Bản.

Những người tiên phong thường không có kết thúc viên mãn, ngoại trừ Cha Bum Kun là một ngoại lệ hiếm hoi. Ở Việt Nam, bầu Đức tiên phong trong đào tạo trẻ, hệ quả là HAGL 4 năm đua trụ hạng ở V-League. Bầu Đức muốn cầu thủ xuất ngoại, cả 3 "đứa con" của ông sang nước ngoài đang "mài quần" trên ghế dự bị. Công Phượng là cầu thủ thứ hai sang châu Âu chơi bóng, và cũng giống Công Vinh, vị trí của Phượng nhiều khả năng không ở trên sân. 

Biết thất bại mà vẫn đi. Đấy là dũng cảm hay dại dột, có lẽ 20 năm nữa nhìn lại, người ta sẽ có phán xét công bằng hơn, nhưng lịch sử chỉ ra rằng nếu không có người mở đường, vĩnh viễn không có đường. Không có Cha Kum Bum, sẽ không có Park Ji Sung hay Son Heung Min. Không có Kazuyoshi Miura, sẽ không có Shunsuke Nakamura, Shinji Kagawa hay Takefusa Kubo.

Những nền bóng đá đang phát triển rất cần một biểu tượng. Sẽ hơi khập khiễng nếu gọi Công Phượng là "biểu tượng" hay "hình mẫu" nào đó, nhưng từ bước chân của Phượng hôm nay, bóng đá Việt Nam sẽ định hình được chỗ đứng hiện tại. Ra biển lớn dẫu có "chìm nghỉm", cũng sẽ thấy được biển rộng trời cao.

cong-phuong-2-3-1328425 8

HLV Park Hang Seo nói rằng bóng đá Việt Nam "sẽ là trung tâm châu Á". Một tuyên bố có lẽ hơi... AQ, nếu biết rằng Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Iran, Iraq, Uzbekistan, Qatar hay Ả Rập Xê Út vẫn đang phát triển thần tốc. Nếu không nỗ lực, bóng đá Việt Nam sẽ bị bỏ lại rất xa.

Song, sự thay đổi là điều có thể thấy rõ. Lần đầu tiên, khán giả Việt Nam quan tâm đến thứ hạng FIFA, cách tính điểm giao hữu hay xếp loại hạt giống của ĐTQG ở vòng loại World Cup. 7 kỳ vòng loại trước đó, tuyển Việt Nam thắng đúng 10 trận, nhận 76 bàn thua. Trong lịch sử, bóng đá Việt Nam chưa từng đặt niềm tin hay sức lực ở sân chơi này, nhưng hôm nay, toàn thể dân tộc cùng đồng lòng đứng sau ĐTQG.

Video: Công Phượng ra sân lần đầu tiên tại Bỉ

Dẫu thành công hay thất bại ở vòng loại World Cup 2022, việc chúng ta nhìn chiến dịch vòng loại với tâm thế khác, cảm hứng khác đã là một bước tiến lớn. 4 đối thủ ở bảng G có khó khăn, khả năng đi tiếp vẫn là có thể. Nhiều chuyên gia châu Á đánh giá Việt Nam đủ sức gây bất ngờ. Cách đây 4 năm, ai dám đặt niềm tin lớn lao như thế?

Bước ngoặt lịch sử đã đến trong buổi chiều đầy tuyết ở Thường Châu. U23 Việt Nam lên đường dự giải với "3 không": không kỳ vọng, không niềm tin, không vị thế. Mục tiêu của toàn đội là "có điểm". U23 Việt Nam cũng là những người vô danh, trước khi vang danh sông núi với màn trình diễn mãi nằm trong sử sách. Trước khi làm được một điều gì đó, ai cũng từng là "kẻ vô danh".

Thành công ở cấp độ ĐTQG sẽ không được duy trì nếu các cầu thủ sớm tự thoả mãn. Công Vinh chia sẻ với FourFourTwo rằng nhiều cầu thủ trẻ không đủ can đảm thoát khỏi vòng an toàn. "Họ không tự tin chơi bóng xa nhà với những món ăn khác biệt. Nỗi sợ hãi khiến họ trở lại thực tế". Một thực tế rằng đời cầu thủ rất ngắn, có khi kéo dài khoảng 12-15 năm.

U23 5

 

U23 Việt Nam cũng là những người vô danh, trước khi vang danh sông núi với màn trình diễn mãi nằm trong sử sách. 

Vài năm thất bại ở nước ngoài đã là vài phần sự nghiệp. Và rằng sợ thất bại, chẳng ai dám rời khỏi V-League, nơi họ được đảm bảo cơ hội chơi bóng và nhận đồng lương không đến nỗi nào.

Không phải ai cũng làm được như Công Vinh hay Công Phượng. Chấp nhận mạo hiểm để thử thách, đó có lẽ cũng là một loại tài năng. bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều tài năng sẵn sàng tung cánh bay, làm bạn với ghế dự bị để con đường ra biển lớn sẽ được "làm phẳng", không còn chông gai, hoang đường.

"Đối với bản thân tôi, tôi nghĩ mình phải nâng cao trình độ của mình hơn nữa, hoà nhập với đội tốt hơn. Chắc chắn tôi phải học hỏi để tiến bộ. Tôi cũng mới qua Sint-Truidense nên có nhiều bài tập, mình không thể nghe người ta nói một lần mà hiểu ngay được.

Tôi sẽ cố gắng cải thiện dần dần. Có cơ hội ra sân là mục tiêu hàng đầu để mình phấn đấu", Công Phượng chia sẻ. 2 trận trên đất châu Âu là đủ để thấy chúng ta vẫn kém rất xa những nền bóng đá được định nghĩa là phát triển. 

Cong Phuong (9) 6

Công Phượng liệu có thành công với vai trò tiên phong?

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia Steve Darby 2 lần nhắc đến "xuất ngoại" như yếu tố hàng đầu để bóng đá Việt Nam nâng cao vị thế. Mọi bước tiến đều cần sự đánh đổi. "Nếu chúng ta tự tin thoát khỏi quan niệm cố hữu, chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình", HLV Park Hang Seo khẳng định.

Ông thầy người Hàn Quốc từng nói cầu thủ Việt Nam sẽ thành công nếu xác định mục tiêu rõ ràng. Ngược lại, tính độc lập, tự chủ của họ lại không cao. Đó là lý do Công Phượng, Xuân Trường,... đá tốt ở ĐTQG, mà đến khi xuất ngoại lại không thể hiện được năng lực vốn có. Không ai chỉ dạy, tự cầu thủ phải khắc phục bằng những trải nghiệm rút ra từ thất bại. Những chiếc đũa phải cứng cáp để khi đứng đơn lẻ, chúng cũng không thể bị bẻ gẫy.

Những trận đấu tới, Công Phượng sẽ lại tập luyện và nhiều khả năng không được ra sân. Một thực tế khó chịu, song nếu sợ hãi, có lẽ "đứa con" của bầu Đức đã không năm lần bảy lượt sang nước ngoài.

Khó khăn chất chồng, nhưng lúc này, chẳng ai có thể cản Công Phượng tiếp tục bước đi.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn