Công nghiệp nội dung số tăng trưởng trên 50% hàng năm

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 03/12/2010 03:31:00 +07:00

(VTC News) - Tiến sĩ Đỗ Trung Tá tự hào: “Công nghiệp nội dung số mặc dù mới bước đầu hình thành nhưng có tốc độ tăng trưởng rất cao, trên 50% hàng năm".

(VTC News) -  GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng về Công nghệ thông tin, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin tự hào khẳng định: “Công nghiệp nội dung số mặc dù mới bước đầu hình thành nhưng có tốc độ tăng trưởng rất cao, trên 50% hàng năm, đem lại nguồn doanh thu đáng khích lệ, 690 triệu USD trong năm 2009”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp tại hội nghị.

Xóa bỏ độc quyền mở cửa cạnh tranh

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 – CT/TW của bộ Chính trị trong các cơ quan chính phủ và triển khai đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT – TT đang diễn ra hôm nay (3/12), TS Đỗ Trung Tá cho rằng: “Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của 21 bộ và cơ quan ngang bộ, 55 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và 16 tập đoàn, tổng công ty 90, 91 đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể".

 Bộ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp: "Công nghiệp CNTT và TT đã thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tỷ lệ đóng góp gần 15% GDP của đất nước. Ngành công nghiệp phần mềm đã có những bước tiến vượt bậc, là một trong 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm xuất khẩu, Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới, hạ tầng viễn thông Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế, ứng dụng CNTT được triển khai rộng khắp, từ hoạt động quản lý  đến sản xuất kinh doanh, từ các cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.”

Về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực CNTT-TT, TS Đỗ Trung Tá nói: “Việc quản lý nhà nước về CNTT-TT đã sớm được thống nhất về một đầu mối theo tinh thần của Chỉ thị 58, qua đó đã hình thành hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước mạnh để thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT-TT. Với chính sách xóa bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh, đặc biệt là trong thị trường viễn thông và Internet.

Kết quả nổi bật là sự trưởng thành lớn mạnh của Viettel, sự tiếp tục phát triển của VNPT và sự ra đời của Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được đổi mới, công khai, minh bạch với sự tham gia rộng rãi của mọi thành phần xã hội, người dân và doanh nghiệp”.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT đã tương đối hoàn thiện. Các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng và phát triển CNTT.

Các văn bản này đã tạo thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ góp phần quan trọng thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trong thời gian qua.

Nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình về ứng dụng và phát triển CNTT-TT cả cấp quốc gia và tại các bộ, ngành, địa phương được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện. Điển hình giai đoạn 2001-2005 có: Chương trình hành động triển khai Chỉ thị 58 giai đoạn 2001-2005, Kế hoạch tổng thể ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2005, Đề án Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 và Chương trình phát triển nguồn nhân lực về CNTT đến năm 2010.

TS Đỗ Trung Tá cho rằng: “Năm 2010, là năm bản lề để xây dựng định hướng phát triển ngành CNTT-TT cho giai đoạn 2011-2020. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”. Đây là một văn bản quan trọng thể hiện ý chí và quyết tâm của Chính phủ về việc thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn ứng dụng và phát triển ngành CNTT-TT đến năm 2020 nhằm tiếp nối những thành công đạt được trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 58”.

GS. TSKH Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT.

Việc ứng dụng CNTT trong xã hội, người dân và doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực nhờ tác dụng lan toả của Chỉ thị 58. Mọi tầng lớp xã hội ở mọi miền đất nước đều được tạo điều kiện để có thể sử dụng thông tin điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình.

Vậy nên năm 2009, tỷ lệ số hộ gia đình có máy tính đạt 13,6% tăng hơn 5 lần so với năm 2002, với tỷ lệ số hộ gia đình có kết nối Internet đạt 12,2%. Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp được cải thiện đáng kể, đa số các doanh nghiệp đã có kết nối Internet để phục vụ hoạt động (khoảng 90%), với 67,7% doanh nghiệp đã có mạng LAN và việc ứng dụng phần mềm trong quản lý điều hành bắt đầu được chú trọng, đáng chú ý có khoảng 67,8% doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán, tài chính.

Việt Nam trong top 10 nước hấp dẫn

Theo xếp hạng của A.T. Kearney năm 2009, Việt Nam được xếp trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về phần mềm. Công nghiệp CNTT đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ phát triển hàng năm cao so với các khu vực khác, có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước ngày càng tăng. Tăng trưởng doanh thu bình quân toàn ngành công nghiệp CNTT trong giai đoạn 2001-2009 đạt 20-25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng bình quân GDP của cả nước. Đến cuối năm 2009, doanh thu công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số đã đạt trên 1,5 tỷ USD, doanh thu công nghiệp phần cứng đạt trên 4,6 tỷ USD, doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 6,9 tỷ USD, đưa tổng doanh thu toàn ngành viễn thông và công nghiệp CNTT đạt trên 13 tỷ USD, gấp 15 lần so với năm 2000, đóng góp khoảng 6,7% tổng GDP của cả nước.

Dự kiến năm 2010 đạt trên 16 tỷ USD. Đã hình thành ngành công nghiệp phần mềm với tốc độ phát triển cao, bình quân 33% năm, với các hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm được ghi nhận trong số 20 nước đứng đầu trên thế giới. Công nghiệp phần cứng, điện tử phát triển nhanh về quy mô, đã thu hút các tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới đầu tư trực tiếp, đồng thời xuất hiện nhiều công ty trong nước lắp ráp máy tính chất lượng, có thương hiệu và đã khẳng định được ở thị trường nội địa.

Công nghiệp nội dung số mặc dù mới bước đầu hình thành nhưng có tốc độ tăng trưởng rất cao, trên 50% hàng năm, đem lại nguồn doanh thu đáng khích lệ là 690 triệu USD trong năm 2009.

Hiện cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp phần mềm, tăng gần 6 lần trong 10 năm qua, với tổng nhân lực trên 64.000 người. Nếu năm 2000 không có doanh nghiệp phần mềm nào có số nhân lực vượt quá 100 người, thì đến nay đã có 4 doanh nghiệp phát triển phần mềm và dịch vụ với số nhân lực vượt quá 1.000 người, trong đó đặc biệt là FPT có số nhân lực phần mềm đạt trên 3 ngàn người.

Doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ phần mềm năm 2009 đạt 850 triệu đô la, gấp 17 lần so với năm 2000. Trước năm 2000 chúng ta chưa có doanh nghiệp phần mềm nào có chứng chỉ quản lý chất lượng quốc tế, thì đến nay đã có 2 doanh nghiệp đạt chứng chỉ quản lý chất lượng phần mềm quốc tế CMMi mức 5 (cấp cao nhất), và hàng chục doanh nghiệp có chứng chỉ mức 4, mức 3.

Việt Nam thường xuyên được các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới như KPMG, A.T.Kearney đánh giá và xếp hạng cao trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm xuất khẩu. Hai thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng trong số 10 thành phố hấp dẫn nhất thếới về gia công phần mềm và dịch vụ. Đã hình thành các sản phẩm phần mềm đóng gói thương hiệu Việt như phần mềm kế toán (MISA), phần mềm diệt vi-rút (BKAV, CMC), phần mềm từ điển (Lạc Việt) v.v... chiếm lĩnh được thị phần trong nước.

Tuy vậy, Chỉ thị 58 đặt ra mục tiêu “công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển hàng năm cao nhất so với các khu vực khác”.  Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, CNTT việt Nam cần nỗ lực hơn nữa và như TS Đỗ Trung Tá nói là “còn xa so với yêu cầu này vì xét về tỷ lệ % đầu tư ngân sách cho CNTT so với GDP, Việt Nam có tỷ lệ khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ của Việt Nam xấp xỉ khoảng 1%, trong khi các nước như Thái Lan hay Indonesia, tỷ lệ này đều trên 4%, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm và đầu tư cho phát triển công nghiệp CNTT”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: Sau 10 năm thực hiện chỉ thị 58, chuyển biến đầu tiên của chúng ta là nhận thức về vai trò ứng dụng CNTT đã khác trước. Tôi cho rằng, ngoài lợi thế về nhân lực nói chung ta còn lợi thế về văn hóa con người Việt Nam ham học và ham đổi mới. Cơ quan quản lý Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật đã ra đời kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần đưa ra những góp ý về việc áp dụng những văn bản này đã thực sự khả thi chưa?

Mục tiêu đến năm 2010 là CNTT Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực với một số mục tiêu cơ bản sau đây:

 - CNTT được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

 - Phát triển mạng thông tin quốc gia phủ trên cả nước, với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, giá rẻ; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt mức trung bình thế giới.

  - Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển hàng năm cao nhất so với các khu vực khác; có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước ngày càng tăng.


Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn