Công nghệ VAR: Thanh gươm công lý của bóng đá thế giới

World Cup 2018Thứ Ba, 19/06/2018 15:01:00 +07:00

VAR, trong trạng thái vận hành lý tưởng, sẽ là sự kết hợp tuyệt vời của con người và máy móc trong việc tạo ra một cuộc chơi vừa công bằng, vừa không mất đi vẻ đẹp vốn có

Khoảnh khắc trọng tài Andres Cunha dừng trận đấu giữa Pháp và Australia ở phút 55 là một dấu ấn lịch sử của bóng đá thế giới. Ông Cunha chạy ra phía ngoài đường biên và quay trở lại với hai ngón tay giơ ra phía trước, vẽ thành một khung hình chữ nhật.

Đó là lần đầu tiên một vị vua áo đen ở World Cup “bẻ còi” với sự trợ giúp của trợ lý trọng tài video (VAR). Sau hơn hai năm thử nghiệm, World Cup 2018 sẽ là giải đấu quyết định VAR có phải là một cuộc cách mạng thành công hay sẽ “chết yểu” như luật Bàn thắng bạc.

“Mục tiêu của chúng tôi là loại bỏ những sai lầm mười mươi, những sai lầm mà người ta nhớ mãi đến nhiều năm sau. Bóng đá đòi hỏi điều đó”, ông Massimo Busacca, Trưởng Ban trọng tài FIFA nói về hệ thống hỗ trợ trọng tài bằng các trợ lý phân tích băng hình kỹ thuật.

var

Các trợ lý VAR ngồi trong một phòng kín tách biệt với sân đấu.

VAR đã thể hiện điều đó trong lượt trận đầu tiên của vòng bảng. Hệ thống này xác định Diego Costa không phạm lỗi trong pha bóng dẫn tới bàn thắng ở trận Bồ Đào Nha gặp Tây Ban Nha. Pháp, Peru và Thụy Điển được hưởng những quả phạt đền mà họ xứng đáng được nhận. VAR cũng giúp trọng tài xác định xem Kevin De Bruyne có đáng bị đuổi khỏi sân sau cú đạp thẳng vào bụng hậu vệ Panama hay không.

Ý tưởng của FIFA là rất rõ ràng. VAR đóng vai trò cố vấn, xác nhận tính đúng sai trong các quyết định quan trọng của trọng tài chính liên quan đến bàn thắng, phạt đền và thẻ đỏ và giúp người cầm còi sửa sai trong vòng chưa đến một phút. Sự ra đời của VAR chấm dứt những tranh cãi về các quyết định của trọng tài.

Tuy nhiên bất cứ sự đổi mới nào cũng gây ra những phản ứng trái chiều trong thời gian đầu. VAR không phải ngoại lệ, nhất là khi phương pháp này tác động đến những quyết định quan trọng của trọng tài ở một giải đấu tầm cỡ như World Cup.

Một dấu hỏi lớn xuất hiện khi ứng dụng VAR là liệu các trọng tài có phụ thuộc vào băng hình kỹ thuật hay không, và nếu đã có VAR thì trọng tài cần xuất hiện trên sân làm gì. Thực tế, FIFA tuy rất cởi mở với công nghệ, nhưng họ hiểu rằng bóng đá vẫn là cuộc chơi đề cao yếu tố con người.

australia

Trọng tài Cunha thổi phạt đền cho đội tuyển Pháp sau khi có sự trợ giúp của VAR.

Máy móc không thể thay thế trọng tài như các trận đấu trong trò chơi điện tử. Băng hình kỹ thuật của VAR không đưa ra phán quyết như công nghệ xác định bàn thắng mà chỉ là công cụ giúp các trợ lý video nhận định rõ hơn về tình huống. Quan trọng hơn, quyền quyết định cao nhất vẫn nằm trong tay người cầm còi.

Trọng tài chính mới là người chủ động yêu cầu nhận tư vấn hoặc băng hình kỹ thuật từ tổ trợ lý video. VAR không phủ định quyền lực của những vị vua áo đen mà chỉ giúp họ kiểm chứng các quyết định hệ trọng, nhưng chỉ trong trường hợp chính họ cảm thấy cần thiết.

Các trọng tài vẫn điều khiển trận đấu bằng con mắt và cái đầu của chính mình. Không ai có quyền nghi ngờ các quyết định của vị vua áo đen, trừ chính họ. Neymar và các cầu thủ thủ Hàn Quốc không thể đòi hỏi trọng tài phải xem lại video, bởi đó là một hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng.

Nghi ngờ về yếu tố con người được tháo gỡ. Vấn đề thứ hai gây ra nhiều tranh cãi hơn, đó là sự đánh đổi giữa tính đảm bảo luật lệ và sự hấp dẫn của cuộc chơi. Những người phản đối cho rằng VAR gây ra những khoảng dừng làm gián đoạn trận đấu, đánh tụt cảm xúc của người xem cũng như các cầu thủ.

“Nó quá rắc rối và không phải là bóng đá”, tiền vệ Luka Modric (Real Madrid) phát biểu sau khi trải nghiệm các trận đấu có sự tham gia của trợ lý băng hình ở World Cup giành cho các CLB cách đây 2 năm. Sau khoảng thời gian chờ đợi trọng tài xác định xem Cristiano Ronaldo có việt vị hay không, sự phấn khích trong màn ăn mừng bàn thắng của các cầu thủ Real Madrid không còn nữa.

tag_reuters.com,2018_newsml_RC1B64757200_1862498272_768x432 20

Hàn Quốc thắng Thụy Điển nhờ một quả phạt đền được tạo ra bởi VAR.

Đó cũng là vấn đề khiến FIFA đau đầu nhất khi ứng dụng VAR vào các trận đấu. Nguyên tắc của phương pháp này, theo IFAB (cơ quan chịu trách nhiệm ban hành luật bóng đá), là “can thiệp tối thiểu, lợi ích tối đa”. Do đó, VAR được giới hạn về các trường hợp được sử dụng và thời gian thực hiện trong mỗi tình huống.

Với một khoảng dừng đủ ngắn, sự “tụt hứng” vẫn có thể ở mức chấp nhận được và gần như không ảnh hưởng nhiều tới tính hấp dẫn của trận đấu, ngay cả màn so tài có tốc độ cao như trận Bồ Đào Nha gặp Tây Ban Nha. Cảm xúc hưng phấn mất đi cũng được bù lại bởi sự hồi hộp.

Sẽ cần thêm một thời gian để người hâm mộ  quen với sự xuất hiện của VAR và FIFA đang nỗ lực để thúc đẩy điều đó. Biểu hiện rõ nhất là việc giờ đây trọng tài sẽ có thêm một động tác ra hiệu mới, trong khi bảng điện tử cũng hiện thông báo về việc xem lại băng hình kỹ thuật. Khán giả và cầu thủ được nhắc nhở về sự tồn tại của VAR.

Một khi phương pháp này đạt đến trạng thái vận hành lý tưởng, đó sẽ là sự kết hợp tuyệt vời của con người và máy móc trong việc tạo ra một cuộc chơi vừa công bằng, vừa không mất đi vẻ đẹp vốn có. "World Cup sẽ đẹp hơn nếu những sai lầm nghiêm trọng được sửa chữa", Chủ tịch FIFA Gianni Infantino chia sẻ.

Video Highlight Pháp 2-1 Úc

Ngân Hà
Bình luận
vtcnews.vn