Công nghệ và cuộc chiến trong phòng khách

Tổng hợpThứ Năm, 27/09/2012 08:32:00 +07:00

Cuộc cách mạng công nghệ đã đem tới những tiện nghi và nâng cấp tối ưu phương thức giải trí nhưng vô hình trung, nó cũng là nguyên nhân khơi mào những...

Cuộc cách mạng công nghệ đã đem tới những tiện nghi và nâng cấp tối ưu phương thức giải trí nhưng vô hình trung, nó cũng là nguyên nhân khơi mào những... cuộc chiến trong gia đình.

Loạn đả giữa... phòng khách

Thập niên 80, khi việc sở hữu một chiếc TV đen trắng cửa kéo của Liên Xô cũ trở thành một tiêu chí của một phòng khách hiện đại thì những định nghĩa về một cuộc sống giải trí sơ khai. Chiếc TV đơn giản trở thành vật kết nối gia đình, quây quần mỗi tối và cũng là kênh giải trí thời thượng của cuộc sống lúc bấy giờ.

 

Thế kỷ 21 mở ra và cuộc sống hiện đại kéo theo những tiện nghi mới với những định nghĩa về home theatre, phòng nghe, hay phòng chiếu tại gia trở thành phổ biến và nhanh chóng xâm nhập vào những gia đình hiện đại. Tuy nhiên, đây cũng là khởi đầu một cuộc chiến khó có thể đặt tên vừa ồn ào nhưng vừa... thú vị.

Anh Trung Nghĩa, nhà ở chung cư Linh Đàm than thở: “Ngày xưa thì đến giờ là cả nhà quây quần quanh cái TV cùng xem một chương trình hay nghe bản tin thời sự cho dù lúc đó chỉ là cái TV đen trắng hay Sony màu to đùng. Giờ thì TV xịn, dàn xịn, nhiều kênh, mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai”.

Đấy mới chỉ một phần vấn đề bởi lẽ việc cân đối giờ chiếu của các kênh TV cũng không phải khó khăn và trong nhiều tình huống thì TV có thể phát lại được. Còn trường hợp nhà anh Hoàng Ân ở khu Hoàng Văn Thái lại khác, anh kể: “Biết là trong gia đình mỗi nhà mỗi tính nên tôi đã chủ động sắm mỗi phòng 1 TV cùng hệ thống giải trí tương ứng. Vợ thì kèm đầu phát HD để phục vụ xem phim, con thì gắn cùng bộ máy chơi game PlayStation 3, còn hai ông bà cụ thì TV CRT với đường truyền hình cáp. Ấy vậy mà có tối thứ 7, cả nhà cùng bật mỗi người một phòng, phòng nào cũng mở âm lượng lớn, thế là cuộc chiến giữa... các TV bắt đầu”.

Sự đa dạng của các kênh truyền hình cũng là một nguyên nhân khiến cuộc chiến trong phòng khách trở nên ngày một căng thẳng. Chồng thích xem đá bóng - lắp một đường truyền hình riêng, vợ thích xem phim – lắp riêng và rồi cả cậu con trai thích các chương trình ca nhạc cũng đòi lắp IPTV để tiện xem theo yêu cầu.

 
Vậy là, theo lời của chị Lê An thì: “Nguyên cái tủ kệ TV là 3 cái SetTopBox cùng một mớ điều khiển, dây dẫn lằng nhằng không biết cái nào dùng cho thiết bị gì. Mỗi lần muốn bật TV đúng chương trình mình xem là cứ như lạc vào ma trận... trong phòng khách ấy”.

Sự đa dạng nội dung giải trí đem lại khá nhiều tiện nghi cho người dùng nhưng nó cũng vô hình tạo nên nỗi khổ cho một số bộ phận người tiêu dùng. Chị Thanh Hương, nhà ở Định Công cho biết: “Lúc đầu chỉ nghĩ mua TV to để xem truyền hình cho sướng mắt rồi chồng lại muốn mỏng hơn, công nghệ màn hình đẹp hơn, rồi sau đấy cậu con trai lại muốn thêm 3D để xem như ngoài rạp, rồi nâng cấp âm thanh, loa, dàn, đầu phát, vậy là chi phí đội lên cả mớ tiền”.

Chỉ tính riêng tiền thuê bao truyền hình 1 tháng cho 2,3 dịch vụ truyền hình cáp và vệ tinh nhà chị đã lên tới hơn nửa triệu và lũy tiến lên cả năm, con số này cũng cộng dồn kha khá.

Đón trước nhu cầu giải trí tại gia đa dạng, các hãng sản xuất TV cũng không ngần ngại chào hàng các sản phẩm mới với công nghệ cao cấp. Từ LG cho đến Samsung, Sony lần lượt cho ra mắt các dòng TV với khả năng xem 2 chương trình cùng 1 lúc trên 1 màn hình. Giải pháp này cần đến một kính chuyên dụng và người xem đeo kính phân cực khác nhau sẽ thưởng thức nội dung giải trí khác nhau trên cùng 1 kích màn hình TV thay vì bị chia đôi ô như các TV công nghệ cũ.

 
Tuy nhiên, giải pháp này cũng không hẳn là tối ưu và đôi khi sự hiện đại lại khiến người tiêu dùng trả giá... đắt. Tính trung bình, để sở hữu các TV dạng này người dùng sẽ phải bỏ ra số tiền chênh lệch từ 30 đến 50% so với một TV cùng thương hiệu nhưng tính năng kém hơn và chi phí có thể dao động từ 30 đến 50 triệu – một mức giá khá kén người mua giữa thời bão giá.

Chật vật dàn xếp... giải trí

Việc đa dạng nguồn nội dung giải trí tại là xu hướng tất yếu đã được dự báo từ những năm đầu thế kỷ, tuy nhiên, việc tìm được một giải pháp hợp lý cho một phòng giải trí tại gia thì lại là vấn đề khá nan giải.

Anh Nghĩa chia sẻ: “Thôi thì phải lập lịch TV để cân đối nhu cầu của cả nhà. 7h tối thì thống nhất xem thời sự, 8h kém chuyển kênh phim Việt cho ông bà cụ rồi đến 10h thì lại quay về các kênh phim nước ngoài như StarMovie, HBO để hai vợ chồng xem. May mà mấy cậu nhóc vẫn tuổi đi học nên buổi tối cấm tiệt TV, không cũng khó thu xếp”.

Chị Lê An thì cho biết: “Cực chẳng đã mới phải đăng ký từng ấy dịch vụ truyền hình ở nhà chứ thực ra có xem hết được đâu. Nội dung kênh thì trùng lắp khá nhiều, chỉ 3,4 kênh khác nhau nhưng đã muốn xem thì phải lắp cả. Nếu như ở Mỹ có dịch vụ NetFlix để xem tùy chọn với nội dung trải rộng, đầy đủ, thích xem kênh nào trả tiền kênh ấy mà Việt Nam được như vậy thì tốt biết mấy”.

 
Trong một diễn biến khác, việc phải sử dụng quá nhiều nguồn nội dung giải trí tại gia cũng khiến người dùng lúng túng. “Chỉ tính riêng việc phải đi tải phim”, copy nhạc hay tổ chức lưu trữ hợp lý các nguồn dữ liệu trên các đầu phát HD là cũng đủ mệt rồi. Ấy là còn chưa kể việc phải phân loại, khóa nội dung phòng trừ mấy đứa nhỏ ở nhà chưa đến tuổi có thể truy cập dễ dàng các nội dung, phim ảnh dành cho người lớn”, anh Thanh, một “con nghiện HD” cho biết.

Thậm chí, để yên nhà yên cửa, anh Thanh Hải còn chịu chơi sắm cho cậu con iPad phiên bản WiFi chỉ để copy đầy phim hoạt hình hoặc xem qua YouTube để đỡ “cạnh tranh” với cả nhà mỗi khi đến chương trình hoạt hình yêu thích.

Dàn xếp được nội dung đã nan giải, việc lắp đặt các thiết bị sao cho hợp lý cũng là một yếu tố không phải ai cũng làm được bởi nếu quá mải miết chạy theo việc tậu các thiết bị thì phòng khách sẽ biến thành một mớ hỗn độn của dây dợ, loa, hay các đầu thu phát theo đúng nghĩa.

Anh Ân, nhân vật vừa nêu ở trên vẫn chưa hết toát mồ hôi hột khi phải đi dây, lắp chảo rồi cân đối từng đường thu phát cho các thiết bị trong mỗi phòng mà rồi vẫn nhầm dây điện với... dây loa để cuối cùng bị giật tóe khói. Anh cho biết: “Đi dây, mạch điện gia dụng còn dễ chứ đi dây cho các thiết bị ăng-ten, rồi đầu thu và loa và thậm chí là cả cáp hình HDMI, bộ chia dây mạng... thì ngoài kinh nghiệm điện tử còn phải rành cả về IT. Mình lúc đầu là dân Ngoại ngữ mà giờ rành đi dây, lắp mạng hơn cả dân... Điện tử viễn thông”.

Ấy vậy mà, câu chuyện “chiến tranh trong phòng khách” mới chỉ là bắt đầu khi mà sự xung đột thú vị mới chỉ xuất phát từ các nhu cầu giải trí cá nhân. Còn đối với các bà vợ, “chủ chi” trong mỗi gia đình thì cuộc chiến thực sự sẽ chỉ bắt đầu khi hóa đơn tiền điện và tiền dịch vụ truyền hình trả về vào cuối tháng.

Võ Trung

Bình luận
vtcnews.vn