Công nghệ mới phun sương, phun tiêu độc khử trùng tiết kiệm chi phí

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 13/06/2017 09:55:00 +07:00

Hệ thống phun sương, phun tiêu độc khử trùng này là sản phẩm khởi nghiệp của bạn Nguyễn Thị Hoàng Lan (sinh viên khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế), giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động và hạn chế tác động hóa học của thuốc đối với người nông dân.

Hoàng Lan cho biết, hệ thống với cấu tạo và cách sử dụng tương tự một hệ thống phun sương. Tuy nhiên, nó được cải tiến và thay đổi để phù hợp với chức năng phun tiêu độc khử trùng.

anh5

Bạn Hoàng Lan thuyết trình về hệ thống phun sương phun tiêu độc khử trùng của mình 

Theo đó, hệ thống được lắp đặt bên trên dọc theo hệ thống chuồng, tùy thuộc vào mô hình trại. Chiều cao của hệ thống được lắp đặt phù hợp với cả hai mục đích phun sương làm mát và phun tiêu độc khử trùng. Các bec-phun đan xen sẽ tận dụng tối đa các khoảng được phun, tiết kiệm chi phí thuốc khi phun tiêu độc khử trùng.

Mô hình lắp ráp khá đơn giản nên người chăn nuôi có thể tự lắp ráp mô hình tại nhà. Hệ thống này có giá thành tương đương với một hệ thống phun sương nhưng có giá trị sử dụng cao hơn.

Chia sẻ về ý tưởng của mình, Hoàng Lan cho hay, nhiệt độ và môi trường sống có ý nghĩa rất lớn trong chăn nuôi. Việc ổn định và điều hòa nhiệt độ chuồng trại bằng hệ thống phun sương làm mát có thể khiến vật nuôi khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.

Còn môi trường sống tốt sẽ giúp vật nuôi lớn nhanh, không bị tấn công hay nhiễm bệnh bởi các vi khuẩn hay ký sinh trùng có hại trong không khí và môi trường.

Hiện nay, người dân sử dụng biện pháp phun tiêu độc khử trùng để vệ sinh chuồng trại, tuy nhiên, biện pháp này còn tồn tại nhiều hạn chế như: Lượng thuốc phun không đều hay thuốc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người phun.

“Từ thực trạng trên, một hệ thống phun sương kết hợp với phun tiêu độc khử trùng tự động sẽ thực hiện tối ưu hóa hai tiêu chí trên, giúp người chăn nuôi bớt công chăm sóc, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động và hạn chế tác động hóa học của thuốc với người nông dân”, Hoàng Lan nói.

Hiện Hoàng Lan đang cải tiến những nhược điểm của hệ thống để sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Được biết, vừa qua, dự án khởi nghiệp này đã đạt được giải Khuyến Khích cuộc thi Khởi nghiệp từ Nông nghiệp năm 2017 do trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn