Công khai mọi dịch vụ công của ngành y tế

Tin tứcThứ Ba, 17/11/2020 16:34:48 +07:00
(VTC News) -

Đây là ý kiến của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng sáng ngày 17/11.

Theo ông Long, ngày 20/11 tới đây, Bộ Y tế sẽ khai trương Cổng Công khai y tế. Theo đó, tất cả dịch vụ y tế sẽ được công khai. Trong đó, 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành ở Việt Nam, 28.000 loại thực phẩm chức năng cũng được công khai, kể cả công khai về quảng cáo, tiến tới công khai cả giá bán...

Ông Long cho hay Bộ Y tế  xác định phải công khai minh bạch theo đúng tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: "Công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương".

Theo đó, những dịch vụ công nào mà ngành Y tế cung ứng đều phải được công khai, như Thủ tướng đã chỉ đạo: “Không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh”. 

Công khai mọi dịch vụ công của ngành y tế - 1

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng sáng 17/11.

Ông Long cho biết, thời gian qua, dù phải căng mình chống dịch COVID-19 nhưng Bộ Y tế vẫn quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… trong ngành, bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Một hoạt động được ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ mà ngành y tế triển khai trong năm 2020 là khám chữa bệnh từ xa. Đến nay, đã có 1.500 điểm cầu được kết nối, một số nước hiện đã xin kết nối với Việt Nam để cùng khám chữa bệnh.

Về cải cách thủ tục hành chính, sắp tới Bộ Y tế sẽ khai trương hai nền tảng là mạng lưới Y tế Việt Nam và khai trương phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. Trong đó, Y tế Việt Nam là mạng kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn. Tới đây, tại 12.000 điểm trạm y tế xã sẽ không còn dùng hồ sơ giấy mà sẽ điều hành bằng phần mềm điện tử với sự hỗ trợ của các nhà mạng.

“Trước đây, mỗi trạm y tế xã có tối thiểu 38 cuốn sổ, thậm chí có nơi tới 72 cuốn, thì tới đây sẽ không còn một cuốn sổ nào bởi sẽ sử dụng hệ thống điều hành chung) bao gồm cả tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh...), vào sổ điện tử”, ông Long nói.

Theo ông Long, từ năm 2021, Bộ Y tế sẽ đưa vào sử dụng hơn 90 triệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân và thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không còn dùng giấy với khoảng 120 triệu lượt hồ sơ, trong số này có cả hồ sơ khám sức khoẻ giấy phép lái xe.

Về cải cách hành chính, đến nay Bộ Y tế đã công bố, công khai 532 thủ tục hành chính (dù Chính phủ giao cắt 20% theo Nghị quyết 68 nhưng Bộ Y tế đã đưa vào trong kế hoạch sẽ cắt giảm 32%, tương ứng 162 thủ tục).

Qua đây, Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số Quốc gia để các Bộ xây dựng, ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi sổ cấp Bộ nhằm theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện chuyển đối số hàng năm;

Đề nghị Văn phòng Chính phủ có văn bản hướng dẫn, phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe; đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn về nguồn kinh phí cho hoạt động này để Bộ Y tế triển khai kịp tiến độ...

Có mặt tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả ngành y tế đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Theo ông Dũng, Bộ Y tế cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện đẩy mạnh thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa để góp phần duy trì thành quả chống dịch COVID-19 và giúp người dân được thụ hưởng y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở.

Ngoài ra, Bộ phải rà soát lại quy trình, thủ tục hành chính trước khi đẩy lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, ưu tiên đưa lên Cổng dịch vụ công những dịch vụ có nhiều hồ sơ.

“Chúng ta hành động nhanh, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, nhưng làm sao để hiệu quả, thiết thực nhất”, ông Dũng nhấn mạnh.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn