Công chứng viên phải tuyên thệ 'trung thành với Tổ quốc'?

Thời sựThứ Năm, 10/04/2014 11:21:00 +07:00

(VTC News)- Nhiều đại biểu quốc hội còn băn khoăn trong dự án Luật công chứng (sửa đổi) xung quanh nội dung phải “trung thành với Tổ quốc”.

(VTC News) - Nhiều đại biểu quốc hội còn băn khoăn trong dự án Luật công chứng (sửa đổi) xung quanh nội dung phải tuyên thệ “trung thành với Tổ quốc”.

Sáng 10/4, các đại biểu quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật công chứng (sửa đổi).

Đóng góp vào dự án Luật công chứng, Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết, ở nhiều nước, công chứng viên phải tuyên thệ trước tòa, nhằm đảo bảo việc tuân thủ pháp luật và các hành vi đạo đức, còn ở ta không phải tuyên thệ với ai.
Công chứng viên
Công chứng viên sẽ phải tuyên thệ "trung thành với Tổ quốc"? 
Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh: "Nếu ai chọn nghề công chứng viên thì đừng bao giờ có tư tưởng trục lợi để làm giàu, vì đây là nghề làm công ăn lương. Ở các nước, công chứng viên, luật sư, bác sĩ đều hoạt động trong các tổ chức nghề nghiệp. Ví dụ, bác sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Bác sĩ đoàn đã khai trừ thì không thể nào mở được phòng khám nữa"

Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị không nên quy định “trung thành với Tổ quốc” là một tiêu chuẩn vì như vậy sẽ tạo sự khác biệt với các ngành nghề khác.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, công chứng viên là những người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện một loại dịch vụ công đặc biệt, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch, giấy tờ, đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao”.

Do đó, ngoài các yêu cầu về chuyên môn, trong tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên còn cần có sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, với chế độ.

“Trung thành với Tổ quốc” cũng là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để xem xét bổ nhiệm đối với nhiều chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như đã thể hiện trong dự thảo Luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

 

Nếu ai chọn nghề công chứng viên thì đừng bao giờ có tư tưởng trục lợi để làm giàu, vì đây là nghề làm công ăn lương

Đại biểu Trần Du Lịch
 
Việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ cũng được nhiều đại biểu đưa ra ý kiến.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng qua khảo sát thực tế, với trình độ của công chứng viên, không ai có đủ khả năng chịu trách nhiệm nội dung dịch. Số có thể thì rất ít, không đáng kể.

“Với hàng trăm thứ tiếng khác nhau nên không thể kiểm tra hết nội dung”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: “ Về bản dịch, giấy tờ, sau khi đi khảo sát rất khó vì nếu công chứng viên không biết ngoại ngữ thành “người mù đi công chứng cho người biết chữ”. Người dịch phải chịu trách nhiệm về bản dịch”.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giao cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch giấy tờ.

Theo đó, bổ sung vào dự thảo Luật quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 62) nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này.

Để có thể kiểm soát chất lượng bản dịch, công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ, đồng thời cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với công chứng viên về tính chính xác của nội dung dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nên quy định rõ hơn về trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên trong trường hợp công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra thiệt hại cho người yêu cầu công chứng trong quá trình hành nghề.
đại biểu quốc hội
Các đại biểu Quốc hội thảo luận Dự án Luật Công chứng sửa đổi sáng 10/4 (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định về việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng là cần thiết, nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, tránh việc đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm cũng như tranh chấp về việc bồi thường, bồi hoàn với người yêu cầu công chứng, tạo niềm tin cho người yêu cầu công chứng vào tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên mà họ lựa chọn.

Do đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định riêng một điều về trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên.

Đa số các ý kiến đại biểu phát biểu đều ủng hộ chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, song đề nghị vẫn cần phải duy trì Phòng công chứng tại những địa bàn nhất định, vì Nhà nước cần đảm bảo cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nơi không có Văn phòng công chứng.

Về độ tuổi của công chứng viên, một số đại biểu đề nghị quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi như dự thảo Luật đã trình Quốc hội do đây là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao; công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm để thay mặt Nhà nước cung cấp dịch vụ công.

Do vậy, những người này chỉ nên hành nghề công chứng đến một độ tuổi nhất định để bảo đảm yêu cầu về tính chính xác cao của công việc và về tiêu chuẩn hành nghề, nhất là tiêu chuẩn về sức khỏe.

Tuy nhiên, đại biểu Ngô Văn Minh lại không đồng tình với quan điểm này. Ông Minh đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong Luật này tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: "Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ nhất và nhận thấy, công chứng viên là người được Nhà nước bổ nhiệm, giao trách nhiệm chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nói riêng và ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của nền kinh tế nói chung.

Do đó, để kiểm soát chất lượng của hoạt động công chứng, cần có quy định cụ thể hơn để quản lý tiêu chuẩn của người hành nghề công chứng trong suốt quá trình hành nghề, đặc biệt là tiêu chuẩn về sức khỏe".

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn