Công an TP.HCM, thanh gươm và lá chắn bảo vệ dân đang ở đâu?

Thời sựThứ Ba, 15/05/2018 14:08:00 +07:00

Chứng kiến hàng loạt vụ cướp giật kinh hoàng xảy ra ở TP.HCM, nhiều người dân tự hỏi lực lượng Công an TP.HCM được mệnh danh là thanh gươm, lá chắn bảo vệ dân đang ở đâu.

Sự hy sinh đầy anh hùng, nghĩa hiệp của các hiệp sĩ tối 13/5 vừa qua có thể coi như một giọt nước làm tràn ly, khiến người ta lần nữa giật mình hoảng sợ khi nhìn vào thực trạng trật tự an toàn xã hội của thành phố được cho là "phồn hoa đô hội" bậc nhất của cả nước.

Sau sự ngã xuống ấy, từ lãnh đạo của Chính phủ đến những người lãnh đạo cao nhất của thành phố đều có hành động thăm hỏi, lên tiếng chính thức, khiến dư luận ấm lòng hơn, nguôi bớt nỗi đau xót, tiếc thương.

Đặc biệt, lãnh đạo Cục người có công (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) cũng khẳng định sự hy sinh của các hiệp sĩ xứng đáng được truy tặng danh hiệu Liệt sỹ.

Nói vậy để thấy, không chỉ có người dân, những người trực tiếp được các hiệp sĩ xả thân bảo vệ mà các vị lãnh đạo có liên quan đều thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mình đối với các hiệp sĩ.

ttxvn_1405_hiep_sy 3

Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.  

Ít nhất cho đến hiện tại, sự hy sinh của các hiệp sĩ không hề vô nghĩa như một số người lạnh lùng phán xét. Tuy nhiên, điều mà nhiều người chờ đợi nhất, đó là sự có mặt và lên tiếng mạnh mẽ của vị đại diện Công an Thành phố thì lại rất nhạt nhòa.

Có thể họ đang bận chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng để điều tra, phá án nhưng đó chỉ là lý do thứ yếu. Dường như, đến giờ này, những người lãnh đạo của Công an TP.HCM vẫn chưa thật sự nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc.

Chẳng lẽ, hiệp sĩ chỉ là dân thường nên khi ngã xuống trước đòn thù của kẻ phạm pháp cũng không khiến họ cho là nguy cấp?

Khi được bày tỏ ý kiến, hầu hết người dân đang sinh sống ở TP.HCM và những người từ nơi khác đến đây đều có chung nhận xét: Thành phố đang quá bất ổn về an ninh trật tự. Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, người ta chưa bao giờ có cảm giác hoang mang, lo lắng đến vậy trước sự hoành hành ngang ngược, trắng trợn của đám lưu manh, trộm cướp.

Thỉnh thoảng, người dân thành phố lại "toát mồ hôi" sợ hãi, lo lắng khi nghe thông tin chấn động về những vụ cướp giật, giết người, trộm cắp mà thủ đoạn của chúng lại ngông nghênh, liều lĩnh như chỗ không người.

Chắc ít ở đâu, một đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên lại dám dùng dao chém đứt cánh tay của nạn nhân để cướp chiếc xe SH. Hay cũng ít nơi nào, giữa ban ngày ban mặt, cả nhóm trộm ngông nghênh trèo tường phá khóa vào nhà, vác dao đi lùng sục từng phòng để khua khoắng tài sản. Hay gần đây nhất, một nữ ca sĩ khi đang lưu thông trên đường đã bị kẻ cướp giật túi xách. Tiếc của, nạn nhân cố giằng co với kẻ cướp, cuối cùng bị hắn lôi một đoạn dài trên mặt đường, giữa phố xá đông đúc.

Kể ra những vụ việc như trên thì rất nhiều, chẳng biết khi nào mới hết. Có điều, không hiểu sao những vụ việc liều lĩnh, thách thức pháp luật kia diễn ra ngày càng nhiều. Chúng sẵn sàng ra tay bất kể ngày hay đêm, đoạn đường đông hay vắng, nạn nhân là nam hay nữ, già hay trẻ...

Đến giờ, mỗi khi ra đường, nhiều người còn không dám đeo đồ nữ trang, túi xách hay đồng hồ...mọi thứ đều được cất kín trong cốp. Ấy vậy vẫn chưa yên tâm, bởi có khi chính cái xe đang đi cũng là mục tiêu của bọn trộm cướp.

hiep si sai gon bi giet 3 4

 Hiện trường xảy ra vụ việc khiến 2 hiệp sĩ Sài Gòn thiệt mạng.

Khách từ xa đến TP.HCM, câu đầu tiên được những người dân tốt bụng nơi đây dặn dò là: "Đi đường đừng nghe điện thoại, cẩn thận kẻo bị cướp. Nếu có bị chúng cướp giật, đừng cố chống trả, kẻo bị thiệt thân."

Lực lượng Công an Thành phố liệu có biết đến thực trạng đó không? Biết chứ! Sao lại có thể không biết cho được. Các anh cũng là người bình thường, chẳng lẽ dân biết, lãnh đạo thành phố, thậm chí lãnh đạo từ Trung ương cũng biết, mà các anh quản lý địa bàn lại không hay?

Chưa kể, với nghiệp vụ được đào tạo bài bản, kinh nghiệm trận mạc qua thời gian công tác, vấn đề cộm cán như vậy, làm sao các anh lại không biết?

Nhưng tại sao biết rồi, nắm rõ vấn đề rồi mà người dân vẫn chưa thấy những biện pháp, chiến dịch hiệu quả rõ rệt, mạnh mẽ nào từ phía cơ quan công an, nơi được coi là tấm lá chắn và thanh gươm để bảo vệ chế độ, trật tự an toàn xã hội và người dân?

TP.HCM là đầu não của cả nước về kinh tế, chính trị, xã hội nên số lượng cư dân đông đảo, nhiều thành phần ở khắp các nơi tụ về, do đó, việc quản lý, đảm bảo an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn. Điều này có thể thông cảm, tuy nhiên, với lực lượng hùng hậu của Công an thành phố, nếu mạnh tay huy động tổng lực để trấn áp thì không kẻ tội phạm nào dám nhởn nhơ, ngang nhiên lộng hành.

Vậy tại sao, các anh không có những động thái tích cực như vậy?

Theo tìm hiểu, được biết, hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa bàn có nhiều người nghiện ma túy nhất cả nước, đó là trên con số thống kê được. Chính những đối tượng này là mầm mống, là khởi nguồn của những hành vi phạm tội trộm cắp, cướp giật.

Vậy mà, cách đây không lâu, người ta đã sững sờ khi nghe tin "hàng trăm con nghiện được thả tự do về cộng đồng". Trong số đó, ai dám tin, không có những kẻ đi ăn trộm, ăn cướp để lấy tiền xài ma túy?

Chung nỗi lo với người dân Sài Gòn, từ lâu, cơ quan chức năng và người dân cả nước đã có những ý kiến góp ý với thành phố để chấn chỉnh tình hình trật tự, trị an nơi đây. Cụ thể là việc đề nghị thành phố học tập mô hình thành lập đội 141, 142 của Công an TP.Hà Nội. Nhưng dường như lãnh đạo công an nơi đây không "mặn mà" lắm.

Họ cũng thành lập lực lượng 141 nhưng không hoạt động thường xuyên và các hoạt động cũng chỉ dừng ở mức tuần tra, trấn áp tội phạm chứ không tập trung vào phát hiện, phòng ngừa từ xa.

Hay như việc người dân thành phố muốn lực lượng công an thành lập lại đội "Săn Bắt Cướp", cái tên từng làm nên thương hiệu của Công an TP.HCM nhưng dường như mong muốn này cũng không được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả.

So về tổ chức, có thể coi TP.HCM là nơi có "dàn" lãnh đạo thuộc diện hùng hậu, oai phong nhất cả nước với cấp trưởng đeo quân hàm Trung tướng và 4 cấp phó đeo quân hàm Thiếu tướng, ngoài ra còn vài vị cấp phó Đại tá khác. Người ngoài nhìn vào, chắc chắn sẽ thấy được sự oai phong, hùng hậu ở đó.

Có điều, đám tội phạm dường như không lấy đó làm run sợ, thậm chí ngày càng manh động, nhiều lên và hung hãn. Phải chăng, vì công an ở đây đã bớt đi cái "uy" của mình?

Đây là điều mà lãnh đạo cao nhất của thành phố, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo của cơ quan Công an phải tự nghiền ngẫm, nhìn lại mình để thay đổi quan điểm, quyết tâm hành động. Đừng để, lực lượng mà người dân tin tưởng, gửi gắm nhiều nhất, khi họ gọi đến lại chỉ nhận được những sự lặng im.

Video: Hiệp sĩ đường phố bị đâm khi bắt trộm: Thông tin mới nhất

Khánh Tú
Bình luận
vtcnews.vn