Công an liên tiếp bị tấn công: Uy lực để tự vệ đâu rồi?

Thời sựThứ Ba, 09/08/2016 07:19:00 +07:00

Trước tình trạng cảnh sát liên tục bị tấn công manh động, thậm chí bị đánh đến chết khi đang làm nhiệm vụ, nhiều người đặt câu hỏi: Uy lực để cảnh sát tự bảo vệ mình đâu rồi?

Câu chuyện đau lòng thứ nhất, một trung úy công an bị truy sát, đâm chết giữa đường: Khoảng 19h ngày 2/8, trên đường đi làm nhiệm vụ qua thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), trung úy Đỗ Tuấn Hoan (29 tuổi, công tác tại Công an huyện Quốc Oai) bị một nhóm 5 người gồm cả nam lẫn nữ đi trên taxi lao xuống vây đánh chỉ vì không nhường đường cho chúng đi.Khi được người dân đưa cấp cứu, trung úy trẻ đã tử vong do bị nhiều vết thương.

giet trung uy canh sat

Cơ quan công an đã bắt hai trong ba nghi phạm gây ra cái chết của Trung úy Đỗ Tuấn Hoan là Nguyễn Văn Thùy (trái, 26 tuổi, trú xã Minh Quang, huyện Ba Vì) và Nguyễn Quang Duyên (30 tuổi, ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).  

Câu chuyện đau lòng thứ hai, một chiến sỹ công an phường bị đâm trọng thương: Trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ phố đi bộ cuối tuần, chiến sĩ Công an phường Hàng Bông (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) Nguyễn Việt Nam thấy một thanh niên cầm dao đuổi theo nhóm thanh niên. Anh Nam yêu cầu kẻ côn đồ dừng lại thì bị hắn đâm trọng thương.

Thăm dò ý kiến: Theo bạn, vì sao cảnh sát bị tấn công ngày càng nhiều?

Cả hai câu chuyện đều khiến chúng ta xót thương cho hai chiến sỹ công an gặp nạn. Sự ra đi của Trung uý Đỗ Tuấn Hoan và tổn thương của chiến sỹ Nguyễn Việt Nam là không gì có thể bù đắp nổi: Một người vĩnh viễn ra đi; một người để lại vết thương vĩnh viễn trên cơ thể.

cong an phuong bi danh

Hiện trường vụ chiến sỹ Nguyễn Việt Nam - công an phường Hàng Bông - bị đâm trọng thương. Ảnh CTV/Tuổi trẻ

Ở nước ngoài (và cả ở trong nước), có 2 nghề mà tội phạm, kể cả những tổ chức mafia khét tiếng rất ít khi liều lĩnh động vào, đó là cảnh sát và nhà báo.

Vậy nên, dư luận càng thấy sợ hãi đối với hành vi manh động, liều lĩnh, tàn ác tột cùng của những tên côn đồ. Ở đây không phải là sự chống trả lực lượng thực thi nhiệm vụ nữa, mà chúng nhắm đến việc “xử” những người đang khoác trên mình chiếc áo bảo vệ pháp luật, bảo vệ bình yên của xã hội.

Điều đó có nghĩa là, chúng dám bất chấp tất cả, bất chấp luật pháp, chà đạp lên luật pháp để ra tay lạnh lùng với những người đang mang trong mình trọng trách bảo vệ pháp luật. Những kẻ như thế cần phải bị trừng trị thật nghiêm khắc, cũng là để làm gương cho kẻ khác, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, sự trật tự trị an của xã hội ta.

Nhưng ở mặt khác, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế khách quan và đáng buồn: Rõ ràng cảnh sát đang thiếu cả uy lực, thậm chí không dám sử dụng tất cả quyền lực được pháp luật cho phép để bảo vệ chính mình. Có rất nhiều cảnh sát còn không đủ năng lực bảo vệ chính mình. Như thế, thì liệu có còn bảo vệ được cho dân, nhất là những người yếu thế?

Đặt vấn đề này ra không phải là để chê bai bất cứ chiến sỹ cảnh sát nào, nhưng là góp một góc nhìn về một thực trạng nên quan tâm.

Lướt qua các tờ báo mạng, đã từng thấy hình ảnh chiến sỹ cảnh sát giao thông gầy nhom, trông ốm yếu; rồi từng thấy nhiều vụ cảnh sát bị đôi co, hành hung, thậm chí có cảnh sát còn bị đâm, bị đánh và cái giá phải trả đôi khi là cả tính mạng.

Nhưng ở góc độ khác, hiện tượng trên còn thể hiện điều mất mát lớn hơn: Đó là phần nào ảnh hưởng, dù mức độ chưa thể đánh giá, đến hình ảnh oai phong, cứng rắn, mạnh mẽ của lực lượng công an. Nó cũng có tác động nhất định đến dư luận trong cái nhìn về những chiến sỹ công an đang ngày đêm vì sự bình an của xã hội.

Video: Người đàn ông cầm gậy lao vào đánh CSGT

Nhìn rộng ra một chút, ở nhiều nước trên thế giới, lực lượng cảnh sát tỏ rõ quyền uy trong từng cá nhân người thực thi công vụ. Khi có sự vụ xảy ra, cảnh sát chỉ giơ phù hiệu/thẻ và hô “Cảnh sát đây!” thì ngay lập tức, tất cả các đối tường đều phải chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát.

Và đặc biệt, khi đối tượng không chấp hành hiệu lệnh thì cảnh sát có đủ quyền để trấn áp đối tượng, thậm chí có thể bắn gục đối tượng.

Có lẽ, uy lực của cảnh sát ngoài được văn bản hóa trong các quy định của pháp luật, còn ở chỗ, người thực thi công vụ rất nghiêm và sẵn sàng trấn áp đối tượng. Hành lang pháp lý đó sẽ cho cảnh sát được quyền bảo vệ mình, và có như thế mới có thể bảo vệ người dân được.

Ở ta dường như điều này còn chưa được chú trọng đúng mức. Cảnh sát còn sợ sử dụng các công cụ hỗ trợ để bảo vệ mình, nên đôi khi phải “nhận bàn thua trông thấy” trước các đối tượng vi phạm pháp luật. Những việc đó, nếu không được xử lý triệt để, mà cứ để nó tái diễn, sẽ đưa xã hội đến hỗn loạn, bất ổn.

Khánh Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn