Công an bắn kẻ chống đối: Chuyên gia pháp luật nói gì?

Thời sựThứ Ba, 12/03/2013 03:17:00 +07:00

(VTC News) – "Quy định “công an được bắn” mà một số điểm còn tù mù thì dứt khoát không được", chuyên gia pháp luật nhận định.

(VTC News) - "Quy định “công an được bắn” mà một số điểm còn tù mù thì dứt khoát không được", chuyên gia pháp luật nhận định.

Bộ Công an vừa đưa ra Dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Dự thảo nghị định quy định, trường hợp có dấu hiệu của tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra ngày càng nhiều  
Trao đổi với phóng viên VTC News về quy định này, ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam cho hay: “Tôi thấy hành động chống đối người thi hành công vụ đã phát triển tới một giai đoạn xấu ở chỗ một số kẻ hung hãn, lợi dụng kẽ hở của pháp luật mà đánh trả công an. Thậm chí, bọn chúng còn dùng xe cán gây trọng thương hoặc cán chết công an và những người thi hành công vụ cho nên phải xử lý thích đáng.

Tuy nhiên, dự thảo nghị định trên lại cho phép sử dụng vũ khí để bắn người chống đối như xử lý lâm tặc, chuyện đó khiến tôi còn phân vân. Nếu quy định này được thực thi, sẽ có người lạm dụng quyền hạn của mình, thậm chí sẽ là đáng lo ngại hơn cả nếu những kẻ mạo danh công an, mặc quân phục như thật, nhưng lại sử dụng vũ khí bắn lung tung thì rất nguy hiểm”.

Ông Quốc Anh phân tích, nếu đối tượng có biểu hiện chống đối rõ ràng, chẳng hạn dùng vũ khí bắn người thi hành công vụ, công an thì hãy xử lý theo hướng đó và phải có quy định chặt chẽ về vấn đề này.


Nếu công an đi theo nhóm, tốp, thì những người còn lại trong nhóm nên sử dụng vũ khí để khống chế, xử lý kẻ chống đối. Trong trường hợp kẻ chống đối dùng súng, dao, hay xe ô tô đâm thẳng vào người thi hành công vụ thì cũng phải xử lý chúng để đảm bảo an toàn.

 

Lạm dụng quy định này chắc chắn sẽ dẫn tới sai lầm và chúng ta phải xử lý cán bộ, chiến sĩ đó. Theo tôi, Bộ Công an nên nghiên cứu kĩ thêm trước khi đưa ra quy định này.

Ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam
 
"Tuy nhiên nếu l
ạm dụng quy định này chắc chắn sẽ dẫn tới sai lầm và chúng ta phải xử lý cán bộ, chiến sĩ đó. Theo tôi, Bộ Công an nên nghiên cứu kĩ thêm trước khi đưa ra quy định này”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nói: “Về vấn đề này, tôi chưa thể trả lời vào lúc này là nên hay không. Chúng tôi còn phải tiếp tục nghiên cứu, xem thêm đã”.

Trong khi đó, luật sư Trịnh Toàn – Trưởng Văn phòng Luật sư ATK (92 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, dự thảo cho phép nổ súng trong trường hợp cần thiết, phù hợp chế định Phòng vệ chính đáng đã được pháp luật quy định.

Theo đó, phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích chính đáng của mình hoặc cuả người khác mà chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích trên.

Ví dụ, 3 tên lâm tặc dùng súng đe dọa kiểm lâm trong khi kiểm lâm thi hành công vụ, trong trường hợp này kiểm lâm cần thiết phải sử dụng súng để phòng vệ.

Trước tình trạng chống người thi hành công vụ như hiện nay, việc có một chế định cứng rắn như trên là cần thiết?  

“Theo tôi, trước tình trạng chống người thi hành công vụ như hiện nay, việc có một chế định cứng rắn như trên là cần thiết, bởi đó là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích chính đáng của Nhà nước, công dân, hoặc của chính mình mà không còn có cách nào khác phải gây một thiệt hại nhỏ hơn cần ngăn ngừa.


Tôi lấy ví dụ như một lâm tặc trong tay cầm mìn không chịu đầu hàng mà còn đe dọa sẽ ném mìn vào tốp kiểm lâm có 5 người; khả năng lớn, nếu mìn nổ sẽ gây thương vong cho cả 5 kiểm lâm.

Ở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và thực hiện tốt biện pháp cho phép nổ súng vào đối tượng chống lại lực lượng thi hành công vụ do luật quy định rõ. Việt Nam cần phải học hỏi các quy định tương tự ở các nước có nền lập pháp tiên tiến, đặc biệt là học hỏi ở sự rõ ràng và tính nhân văn trong các quy định tương tự.

Tuy nhiên để dự thảo Nghị định có hiệu quả cần quy định rõ các trường hợp cụ thể, căn cứ theo tính cấp thiết và tính ngăn ngừa để quy định có được nổ súng không nhằm tránh lạm quyền nổ súng”, luật sư Toàn nói.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Vũ Đức Khiển nêu quan điểm: “Quy định “công an được bắn” mà một số điểm còn tù mù như trong dự thảo thì dứt khoát không được. Tôi lo ngại chuyện lạm dụng trong trường hợp này.

Luật pháp quy định là phải rất cụ thể. Nếu quy định theo kiểu “xét thấy cần thiết” hoặc “có dấu hiệu” là rất tù mù và người có quyền dễ lạm dụng. Phải nói rõ, “xét thấy cần thiết” thì cần thiết trong trường hợp nào, quy định rõ ra. Tương tự “dấu hiệu” là như thế nào, phải nói rõ ra”.



Minh Quân – Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn