"Con nợ thế kỉ" kì 2: Khi Mỹ cho Trung Quốc 'ôm bom'

Thế giớiThứ Sáu, 12/08/2011 11:12:00 +07:00

(VTC News) - Trên thực tế, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác dù rõ ràng biết kinh tế Mỹ đang xuống dốc không phanh.

(VTC News) - Đứng trước nguy cơ tài sản khổng lồ của mình sắp bị mất giá, người dân Trung Quốc tỏ ra bất mãn và kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy nhanh chóng bán hết trái phiếu Mỹ đang nắm giữ với giá rẻ nhằm cứu vãn Trung Quốc khi Mỹ vỡ nợ.

Lo ngại này đã gia tăng từ hôm 28/7, vài ngày trước hạn chót nâng mức trần nợ công của Mỹ, khi Trợ lý phụ trách thương mại và năng lượng của Mỹ, ông Fernandez Jones tuyên bố, hiện tại, Mỹ không dám hứa trước điều gì với Trung Quốc, đặc biệt là việc "USD sẽ không mất giá".

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nắm trong tay 1159,8 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ.

"Trạng chết, chúa cũng băng hà"

Giám đốc quản lý chiến lược Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc Hồ Tân Tuệ bình luận, một khi Mỹ vỡ nợ, Trung Quốc không những bị tổn thất về khối tài sản đang nắm giữ, mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới kinh tế nước này. Sự vỡ nợ của Mỹ sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt lĩnh vực như thương mại, đầu tư… của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.


Tuy Trung Quốc đã cắt giảm việc tích lũy nợ công của Mỹ, nhưng vẫn chưa có tài sản nào có thể thay thế nợ công. Trái phiếu chính phủ của Nhật Bản và Hàn Quốc đều không thể thay thế, hiện nay, chỉ có mỗi trái phiếu chính phủ Mỹ là hiệu quả nhất và có tính thanh khoản cao nhất.

Ông Hồ chỉ rõ, Trung Quốc gặp hai cái khó khi nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, đó là dự trữ ngoại hối chủ yếu là USD, hơn nữa lại nắm giữ quá nhiều trái phiếu của Mỹ, điều đó đồng nghĩa cận kề với nguy hiểm khi Mỹ mất khả năng trả nợ.
  
Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Hợp tác kinh tế thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Cục quản lý dự trữ nước này đã có một số chuẩn bị. Thứ nhất, giữ liên lạc thường xuyên với Bộ tài chính Mỹ, đồng thời liên tiếp gây áp lực cho chính phủ Mỹ để bảo vệ được an ninh và lợi ích tài sản của mình. Thứ hai, nếu Mỹ thực sự vỡ nợ, Trung Quốc có thể sẽ thay thế Mỹ trên thị trường tài chính thế giới. Thứ ba, một lượng tài sản dự trữ lớn như vậy tương ứng với giá trị của một số công ty lớn hay những trái phiếu có mệnh giá cao trong cơ cấu tài chính.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh, Washington cần bảo vệ người đầu tư trái phiếu: "Chúng tôi hi vọng chính phủ Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp, chính sách một cách thiết thực và có trách nhiệm nhằm đảm bảo lợi ích của người đầu tư". Trung Quốc một lần nữa kêu gọi chính phủ Mỹ không được phá giá đồng USD, đồng thời phải đảm bảo lợi ích cho người đầu tư nắm giữ trái phiếu Mỹ.

Ba tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng 197 tỷ USD, đạt mức 3.050 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mức 3000 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng đầu tư USD của Mỹ. Theo thống kê của Mỹ, tính đến cuối tháng 2 năm nay, Trung Quốc nắm giữ 11.598 tỷ trái phiếu chính phủ Mỹ, trở thành nước có dự trữ ngoại tệ USD lớn nhất của Mỹ. Như vậy, Mỹ vỡ nợ không chỉ còn là... chuyện của Mỹ, bởi một khi Mỹ vỡ nợ, "siêu chủ nợ" Trung Quốc sẽ là nước bị tổn thất nghiêm trọng nhất.


Bán ra là tự sát

Hôm 20/7, báo giới dẫn lời của chuyên gia kinh tế Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, dù người đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt với nguy cơ Mỹ vỡ nợ, nhưng Trung Quốc không nên ngừng việc mua công nợ Mỹ một cách đột ngột. Để tỷ lệ đồng USD ổn định, chính phủ Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục mua nợ công của Mỹ. Khi Mỹ có dấu hiệu vỡ nợ, giữa tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã mua thêm 7.300 tỷ USD công nợ Mỹ, nâng tổng mức nắm giữ trái phiếu Mỹ lên tới 11.598 tỷ USD. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc biết rõ mình sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng một khi Mỹ vỡ nợ mà vẫn tiếp tục mua vào cho thấy Trung Quốc vô cùng tin tưởng vào khả năng chống đỡ của Mỹ.


Nhưng cũng có những góc nhìn thực tế hơn. Chuyên gia Andy Rothman của ngân hàng Mỹ CLSA tại Thượng Hải, Trung Quốc chỉ rõ, đây là mối quan hệ toàn cầu cơ bản "không thể thay đổi". Ông Rothman cho biết, giả sử Bắc Kinh bán ra một số trái phiếu Mỹ, thì "các nước khác cũng sẽ đua nhau bán ra", khi đó, giá trị toàn bộ tài sản mà Trung Quốc nắm giữ sẽ mất giá, "nói như Trung Quốc, đó là tự sát".

Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho  rằng, Trung Quốc vì quá tham lợi ích kinh tế nên mới đi đến ngày hôm nay. Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, để thúc đẩy xuất khẩu, chính sách chủ yếu của Trung Quốc là khuyên khích các hộ gia đình trong nước tích lũy, làm yếu đồng nhân dân tệ; kết quả là thặng dư thương mại quá lớn. Hiện Trung Quốc đã tích lũy được 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhiều hơn bất kỳ nước nào.


Vì số lượng dự trữ ngoại hối hầu hết là USD nên Trung Quốc dùng USD để đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán hay một số tài sản khác của Mỹ. Tuy hiện nay nước này đã chuyển hướng đầu tư trái phiếu sang các nước châu Âu và Nhật Bản, nhưng thị trường trái phiếu này không đủ hấp dẫn để đầu tư với lượng lớn vì quy mô nhỏ và tính thanh khoản không cao.

Thâm hụt ngân sách Mỹ không chỉ vì chi chính phủ lớn mà còn do đầu tư thương mại và tích lũy gây ra, điều này đã làm kinh tế Mỹ yếu đi và dẫn tới giảm tiêu dùng Mỹ. Nhiều học giả kinh tế cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng tới tương lai nước Mỹ, tức là đồng USD sẽ mất uy tín trên trường quốc tế và có nguy cơ bị thay thế.

Có tiền, không có chỗ tiêu!

Những năm gần đây, Bắc Kinh thường chỉ trích chính sách tiền tệ của Mỹ. Năm 2009, khủng hoảng tài chính tiền tệ Mỹ bùng phát, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc vì muốn duy trì thặng dư trái phiếu Mỹ nên đã rất lo lắng. Năm ngoái, cố vẫn chính sách Trung Quốc phê bình Cục dự trữ liên bang Mỹ đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ "in thêm quá nhiều USD", khiến trái phiếu Mỹ mà nước này đang nắm giữ mất giá nghiêm trọng.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Eswar S. Prasad phân tích: "Trên thực tế, Trung Quốc không có lựa chọn  nào khác, rõ ràng biết kinh tế Mỹ đang xuống dốc không phanh, nhưng tiền của Trung Quốc cũng không biết đổ về đâu."


Nhìn về lâu về dài, các học giả kinh tế cho rằng, hậu quả của việc không cân đối trong cơ cấu nợ công Mỹ - Trung sẽ gây ra tại họa lớn. Thực tế, nhiều người cho rằng quan hệ mất cân bằng như vậy sẽ dẫn tới khủng hoảng tài chính thế giới, gây ra hiện tượng bong bóng về giá nhà đất ở Mỹ.

Hai năm qua, sách lược của hai nước đã không đạt được những tiến triển nhất định. Hai bên đều cho rằng biện pháp đưa ra không khả quan, không có lợi cho mục tiêu kinh tế ngắn hạn của tình hình mỗi nước. Trong khi Mỹ nỗ lực phục hồi kinh tế thì Trung Quốc lại đang phải giảm nhiệt tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ kêu gọi tích lũy nhiều hơn, tiêu dùng ít đi. Trong khi đó, Trung Quốc lại khuyến khích tiêu dùng nhiều và tích lũy ít đi. Việc hai nước có thực hiện được mục tiêu này hay không còn phụ thuộc vào thói quen tiêu dùng của người dân, điều này quả thực rất khó.

Khủng hoảng nợ công ở Mỹ đang là vấn đề khiến cả thế giới phải quan tâm

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc có thể nâng giá đồng Nhân dân tệ để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Đối với người tiêu dùng Trung Quốc mà nói, một khi nâng giá đồng nhân dân tệ thì việc nhập khẩu rất rẻ, nhưng lại khiến việc xuất khẩu trở nên khó khăn, điều này không có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc, đồng thời gây ra tình trạng thất nghiệp lớn.

Đứng trước nguy cơ tài sản khủng lồ của mình sắp bị mất giá, người dân Trung Quốc tỏ ra bất mãn và kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy nhanh chóng bán hết trái phiếu Mỹ đang nắm giữ với giá rẻ nhằm cứu vãn Trung Quốc khi Mỹ vỡ nợ, đồng thời đó cũng là cách trừng phạt sự thiếu thận trọng trong việc quản lý kinh tế Mỹ.

Một số lãnh đạo Trung Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích và phê bình lãnh đạo Mỹ vì sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý kinh tế; trong khi một bộ phận báo giới Trung Quốc thậm chí lớn tiếng rằng Mỹ là một quốc gia vô trách nhiệm, và đang có ý định "ăn quỵt", không trả nợ cho Trung Quốc.

Đỗ Hường

Bình luận
vtcnews.vn