Con người chết nhiều nhất vì bệnh gì?

Sức khỏeThứ Hai, 11/03/2019 08:47:00 +07:00

Căn bệnh cướp đi nhiều sinh mạng nhất là bệnh tim, cứ ba người chết thì có một người chết vì bệnh này, cao gấp đôi tỷ lệ người chết vì ung thư.

Tuổi thọ của con người ngày càng tăng theo thời gian. Nếu như năm 1950, tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn cầu chỉ là 46, thì tới năm 2015, con số này tăng lên tới 71. 

Tuy nhiên ở một số quốc gia, tiến trình này không phải lúc nào cũng như vậy. Bệnh tật, dịch bệnh, những sự kiện bất ngờ có thể lấy đi mạng sống của họ bất cứ lúc nào. 0,5% người chết trên thế giới được ghi nhận có liên quan tới khủng bố, chiến tranh và các thảm họa tự nhiên.  

_105909809_deaths_life_expectancy_africa_2_640-nc

Mức tăng tuổi thọ của các vùng từ năm 1950 tới năm 2015. (Đồ họa: BBC) 

Theo ước tính có khoảng 56 triệu người chết trong năm 2017, gấp gần 6 lần so với 10 triệu người chết trong năm 1990. 

70% trong số đó chết vì các bệnh mãn tính, không lây nhiễm. Căn bệnh cướp đi nhiều sinh mạng nhất là bệnh tim, cứ ba người chết thì có một người chết vì bệnh tim mạch. Con số này cao gấp đôi tỷ lệ người chết vì bệnh ung thư - nguyên nhân gây thiệt mạng lớn thứ hai.

Một số bệnh không lây nhiễm khác như tiểu đường, hô hấp, chứng mất trí cũng đứng đầu danh sách khiến con người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp chết vì những căn bệnh có thể phòng ngừa được. Khoảng 1,6 triệu người chết vì các bệnh liên quan tới tiêu chảy trong năm 2017, đưa bệnh này vào top 10 nguyên nhân khiến con người mất mạng. 

Rối loạn sơ sinh, căn bệnh gây ra cái chết của trẻ nhỏ trong 28 ngày đầu tiên cướp đi sinh mạng của 1,8 triệu trẻ sơ sinh trong năm 2017.

Đến nay, số người chết có nguyên nhân từ các căn bệnh phòng ngừa đang ngày càng gia tăng. Trong năm 2017, số người chết vì tai nạn đường bộ khoảng 1,2 triệu người. Mặc dù tỷ lệ chết vì tai nạn đang giảm dần ở một số nước có thu nhập cao, nhưng tỷ lệ trên toàn cầu vẫn không có dấu hiệu sụt giảm trong nhiều thập kỷ qua. 

Một con số đáng báo động là số người chết do tự tử cao gấp đôi so với người chết vì bị tấn công. Tại Anh, số trường hợp chết vì tự tử tăng tới 16 lần, và cũng là nguyên nhân gây chết người nhiều nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40.

_105909816_leading_causes-nc

 Top 10 căn bệnh gây thiệt mạng nhiều nhất thế giới trong năm 2016. (Đồ họa: BBC)

Những thành tựu y tế và sự phát triển của khoa học, công nghệ trong vài thập kỷ trở lại đã và đang cứu sống rất nhiều người. Năm 1900, cứ 3 người chết thì có một trường hợp bỏ mạng do các bệnh truyền nhiễm và hô hấp. Tuy nhiên, tỷ lệ này trong năm 2017 đã giảm xuống còn 1/5. 

Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng HIV/AIDS đã làm thay đổi rất nhiều tới quy mô dân số trên toàn thế giới. Ước tình từ năm 1980 kể từ khi xuất hiện, căn bệnh thế kỷ đã cướp đi sinh mạng của 80 triệu người. 

Một điểm sáng hiếm hoi là nhờ các biện pháp điều trị và công tác giáo dục phòng ngừa, số ca thiệt mạng vì AIDS đã giảm tới một nửa trong vòng 10 năm trở lại đây. 

Có thể nói, bức tranh tổng quan về sức khỏe ngày này tương đối tích cực. Tuổi thọ của người dân toàn cầu tăng lên trong khi số người chết, đặc biệt là trẻ em vì các căn bệnh có thể phòng ngừa đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều này không nói lên quá nhiều điều. 

Mặc dù vậy, một điều có thể chắc chắn là nếu chúng ta cải thiện các vấn đề về vệ sinh, dinh dưỡng, tiêm phòng, y tế cơ bản cũng như các biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần, bức tranh toàn cảnh về sức khỏe toàn cầu tương lai chắc chắn sẽ tươi sáng hơn. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn