Con mải chơi: Bố cần nhìn lại mình

Đời sốngThứ Tư, 06/09/2017 08:23:00 +07:00

Khi thấy con trẻ quá ham chơi mà không tập trung làm việc gì, đó là lúc các ông bố bắt đầu suy nghĩ về việc mình nên làm gì cho đúng để dạy con noi theo.

Khi Bin nhà chúng tôi lên lớp Một, tôi đã rất lo lắng cho con vì nó quá mải chơi. Bin thường xuyên đến lớp bày đủ trò nghịch ngợm, làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài giảng của bản thân và phá vỡ kỉ luật của lớp. Do mải chơi, con trai tôi thường xuyên làm bài tập cẩu thả, đôi khi tôi còn phát hiện con nói dối. Ngay cả khi ở nhà, Bin cũng chẳng chịu học mà chỉ cắm đầu vào tivi, smart phone,…

Ham chơi là khuyết điểm chung của trẻ. Nhưng nếu con cái vui chơi vượt quá mức độ cho phép thì việc tốt cũng thành xấu.

Vợ tôi lo sợ rằng con mình sẽ vì mải chơi mà để lãng phí quãng thời gian tốt nhất cho việc học tập, sau này sẽ hình thành thói quen xấu dẫn đến bỏ phí sự nghiệp học hành, thậm chí uổng phí cả một đời người. Cô ấy đã nhiều lần thảo luận với tôi là nên dùng phương pháp cứng rắn, áp đặt để cướp đi quyền được vui chơi của con mình. Cô ấy cho rằng đó là giúp Bin nhưng tôi phản đối. Điều đó rất dễ làm nảy sinh tâm lý chống đối cha mẹ về sau.

Ảnh Internet.

Con cái là tấm gương phản chiếu cha mẹ

Sau nhiều đêm dằn vặt suy nghĩ, tôi cho rằng, con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Nếu Bin nhà tôi dồn hết tâm trí vào việc chơi, trên lớp không chú ý nghe giảng, ở nhà không làm bài tập thì liệu rằng, chúng tôi có “mải chơi” như thế không.

Sau khi kiểm tra lại hành vi của mình, tôi phát hiện ra rằng, thay vì học tập bản tính siêng năng, chịu khó của mẹ thì Bin lại nhìn vào thói quen thích xem thi đấu quần vợt đến độ quên ăn quên ngủ của tôi. Nếu tôi như vậy thì mong gì còn mình chăm chỉ?

Bọn trẻ ngày nay không giống chúng ta thời trước, chúng trưởng thành sớm hơn, tiếp xúc với nhiều sự việc hơn. Nếu bạn luôn phê bình, chỉ trích thói xấu của trẻ mà không chịu soi lại mình thì ắt hẳn sẽ làm cho chúng có cảm giác khó chịu.

Tôi thấy mình cần phải có phương pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề này. Nếu muốn thay đổi tính ham chơi của con thì trước tiên tôi phải tự thay đổi mình trước. Tốt nhất là làm cho Bin hiểu rằng, chúng tôi không phải “thù địch” mà là bạn bè của con.

Làm bạn thay vì áp đặt để cướp đi quyền được vui chơi của trẻ

Việc đầu tiên tôi làm là sắp xếp lại giờ giấc sinh hoạt của mình. Đến giờ ngủ thì nhất định lên giường chứ không nán lại xem thi đấu nữa. Sau 1 tuần nghiêm túc thực hiện, tôi chia sẻ với con trai về vấn đề của mình, vì sao tôi lại thay đổi thói quen như vậy nhưng tuyệt đối không nói đến việc con mải chơi.

Tiếp theo, tôi phải xem con mình đã biết cách vui chơi chưa. Hay chỉ là bản tính thích chơi nhưng lại chơi linh tinh. Tôi đã hỏi Bin rằng con thích chơi gì nhất? Thật ngạc nhiên là Bin chỉ thích chơi smart phone. Ngoài ra, Bin không thấy gì thú vị cả. Thật đáng tiếc. Thế giới xung quanh còn có biết bao điều để con khám phá, học hỏi mà con lại chưa chú ý đến.

Sau đó, tôi quan sát xem Bin nhà mình đang chơi với ai và chơi như thế nào. Bởi một đứa trẻ sẽ có lối sống lành mạnh nếu chúng thích kết bạn với những người giỏi giang hơn mình. Còn cách con tôi chơi như thế nào sẽ giúp tôi hiểu, việc nghịch ngợm thường ngày của con mình là “vui chơi” hay “học tập về thế giới”.

Tại sao không để con mình vui chơi một cách khoa học hay nghịch ngợm một cách có khoa học nhỉ? Ảnh minh họa.

Từ đó, tôi cũng tham gia vào việc “nghịch ngợm” của bọn trẻ và dần dần lôi cả chúng vào việc học. Ví dụ như khi tôi cùng Bin pha màu để tô hàng rào. Tôi đã có dịp dạy con cách phối màu theo quy luật để tạo ra những màu sắc theo ý thích của con. Bin tỏ ra rất thích thú. Nhưng khi thấy con quá tập trung vào việc này, tôi lại phải nghĩ ra một trò mới để lôi kéo con.

Ngoài ra, tôi và vợ cũng đã thống nhất chấm dứt hoàn toàn những việc làm như:

- Nhắc lại nhiều lần về lỗi lầm của con

- Giáo huấn đánh mắng

- Ép con học tập khi con không thích

Video: Cách giúp con hết lười ăn để giảm nguy cơ bị bạo hành khi đi nhà trẻ

Thực tế, đứa trẻ nghịch ngợm nào cũng bị cha mẹ trách mắng vì nô đùa. Trong “cuộc chiến này”, có thể do quá coi thường trí tuệ của trẻ nên nhiều khi cha mẹ mới trở thành “kẻ bại trận”.

Ham chơi là khuyết điểm chung của trẻ. Nhưng không phải lúc nào ham chơi cũng xấu đâu các bậc phụ huynh ạ. Các nhà nghiên cứu đã đúc kết được tác dụng của việc vui chơi: Vui chơi có thể làm phong phú cuộc sống của chúng ta, làm phong phú tình cảm của chúng ra hay kích thích cảm hứng sáng tạo.

Nhưng làm việc gì cũng phải có mức độ. Nếu con cái vui chơi vượt quá mức độ cho phép thì việc tốt cũng thành xấu.

Tôi vẫn tin rằng, người cha sẽ có vai trò nhiều hơn trong việc uốn nắn thói quen ham chơi của con cái. Vì khi làm cha, chúng ta bình tĩnh và lý trí hơn người mẹ rất nhiều. Tôi luôn tin là như thế đấy!

Huy Hùng
Bình luận
vtcnews.vn