'Con đường xưa em đi' bị cấm vĩnh viễn

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 04/04/2017 14:22:00 +07:00

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, 5 ca khúc ra đời trước 1975 có phần lời sai so với bản gốc sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn do vi phạm bản quyền.

Ngày 4/4, trả lời phóng viên VTC News, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho biết, 5 ca khúc đang bị tạm dừng lưu hành: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) sẽ bị cấm vĩnh viễn.

>> Đọc thêm: Không nên phổ biến những ca khúc viết về lính Cộng hòa

Lý do Cục NTBD đưa ra là bởi lời của 5 ca khúc này đều đã bị chỉnh sửa so với bản gốc, nghĩa là vi phạm vấn đề bản quyền. "Ca khúc gốc không bị cấm, nếu tìm thấy bản gốc và có xác nhận của tác giả thì cơ quan quản lý sẽ xem xét, nếu không vi phạm thì vẫn sẽ được cấp phép lưu hành, nhưng hiện nay cả 5 bản nhạc đã bị xuyên tạc nội dung, vi phạm quyền tác giả nên sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn”, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đăng Chương cũng cho biết, trước thông tin về việc tạm dừng phát hành 5 ca khúc này, Cục NTBD cũng không nhận được bất cứ một phản hồi nào từ phía các tác giả. 

con_duong_xua_em_di_tzdn

"Con đường xưa em đi" và 4 ca khúc ra đời trước 1975 sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn.

Trước đó, quanh việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, nhà soạn nhạc, Giáo sư Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ với PV VTC News: "Cơ quan quản lý cần phải đi sâu, đi sát vào từng bài. Có những bài miêu tả tâm trạng của người lính Cộng hòa nhưng mang tính chất con người, tích cực thì nên cân nhắc, nếu có thể dùng được thì cho phép phổ biến.

>> Đọc thêm: Cần cấm lưu hành những ca khúc chống lại lợi ích dân tộc

Còn có những bài cũng miêu tả tâm trạng cá nhân của người lính Cộng hòa nhưng mang tính chất chống lại cuộc kháng chiến của đất nước, chống lại dân tộc nên xem xét thật kỹ, thật thấu đáo và thận trọng.

Những người nghe nhạc ngày nay, chủ yếu sinh sau năm 1975, thậm chí sau đó hàng mấy chục năm. Họ không hiểu được thời cuộc khi đó, không hiểu được những gì mà đất nước đã trải qua để có được ngày hôm nay. Vì thế, nếu để họ tiếp nhận những thông tin gây hoang mang, điều đó sẽ rất nguy hiểm.

Việc quản lý của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là điều cần thiết. Những ca khúc mang tính chất chống lại dân tộc, chống lại đất nước thì dù là được viết trước đây, hiện nay hay sau này cũng không nên được lưu hành".

4-2012

Nhà soạn nhạc, Giáo sư, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - Vĩnh Cát.

Nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu cũng cho ý kiến về việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc ra đời trước năm 1975:

"Tôi khẳng định, không chế độ nào trên thế giới này có thể cào bằng tất cả, từ nơi được coi là tự do nhất, họ cũng tỉnh táo trong việc cho lưu hành các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật để phục vụ cho cộng đồng của họ. Không quốc gia nào cho phép lưu hành những tác phẩm khiến cộng đồng sao nhãng việc bảo vệ thể chế của đất nước".

kien-nghi-sa-thai-hlv-doi-tuyen-bong-chuyen-nha-bao-nguyen-luu-len-tieng-0-0911

 Nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu.

Nhạc sĩ Thuỵ Kha thì cho rằng: "Chúng ta luôn ghi nhận đóng góp của mọi nhạc sĩ đối với nền âm nhạc nước nhà. Tuy nhiên, việc phổ biến những ca khúc ca ngợi người lính hay chế độ trước năm 1975 là điều cần phải xem xét.

Công chúng đôi khi không biết được những câu chuyện đằng sau các ca khúc đó, còn các ca sĩ, nhiều người có trình độ hạn chế, họ chỉ cần biết bài nào dễ hát, dễ thuộc, dễ nổi tiếng thì thể hiện thôi. Chính vì thế, mới cần đến sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền."

Video: "The Voice" cấm hát Bolero, thí sinh vẫn hát "Thành phố buồn"

Hà Phương
Bình luận
vtcnews.vn