‘Con dòng cháu giống’ chật vật vượt khó

Kinh tếThứ Sáu, 02/05/2014 10:44:00 +07:00

(VTC News) – Khi doanh nghiệp gặp khó, những “con dòng cháu giống” phải gồng mình giúp doanh nghiệp “vượt bão”.

(VTC News) – Khi doanh nghiệp gặp khó, những “con dòng cháu giống” phải gồng mình giúp doanh nghiệp “vượt bão”.


“Con dòng cháu giống” giữa tâm bão

Có cha mẹ là đại gia, điều hành những doanh nghiệp lớn nên những cậu ấm cô chiêu dễ dàng trở thành sếp lớn. Và khi doanh nghiệp gặp khó, những “con dòng cháu giống” cũng phải gồng mình lên như bất kỳ ai để giúp doanh nghiệp vượt khó.

2012 là năm đại hạn của ngành ngân hàng khi sự cố bầu Kiên nổ ra. Hàng loạt lãnh đạo ngân hàng, trong đó đa số liên quan tới ngân hàng ACB bị bắt. Điều đó khiến ACB đã gặp khó nay càng khó khăn hơn. Ngay sau khi bầu Kiên bị bắt, rất nhiều khách hàng tới rút tiền khiến ngân hàng này căng như dây đàn.

Giữa “tâm bão”, ông Trần Hùng Huy xuất hiện và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB sau khi ông Trần Xuân Giá từ nhiệm. Sinh năm 1978, ông Trần Hùng Huy trở thành vị Chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi nhất tại Việt Nam. Ông Huy được đánh giá là “con dòng cháu giống” vì ông là con của ông Trần Mộng Hùng, người sáng lập ngân hàng ACB.
trần hùng huy
Ông Trần Hùng Huy 
Trở thành người đứng đầu ACB trong thời điểm đó đồng nghĩa với việc ông Trần Hùng Huy đã chuẩn bị tinh thần đương đầu với những khó khăn lớn. Và thực tế cho thấy, khó khăn không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhiều chỉ số hoạt động của ACB vẫn chưa cho tín hiệu lạc quan.

Cụ thể, tổng tài sản của ngân hàng ACB đang có xu hướng đi lùi. Tổng tài sản năm 2013 chỉ là 166.598 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ tiêu này năm 2012, 2011 và 2010 lần lượt là 176.307 tỷ đồng, 281.019 tỷ đồng và 205.102 tỷ đồng.

Đứng ở mức dưới 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2013 và 2012 chỉ là 826,5 tỷ đồng và 784 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ tiêu này năm 2011 là 3.207,8 tỷ đồng. Có thể thấy, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tại ACB tụt giảm rất mạnh mẽ.

Trong khi một số chỉ tiêu kinh doanh quan trọng giảm sút thì nợ xấu lại tăng mạnh. Nợ xấu năm 2012 và 2013 lần lượt là 1.150,4 tỷ đồng và 2.122,5 tỷ đồng. Năm 2011, con số này chỉ là 297,3 tỷ đồng. Các con số cho thấy chất lượng nợ tại ACB đi xuống.

Cũng nằm trong danh sách “con dòng cháu giống”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacomreal Đặng Hồng Anh được biết đến với tư cách là con đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành. Cũng như họ Trần, họ Đặng gặp không ít rắc rối và ông Đặng Văn Thành phải rời Sacombank. Dù vậy, ông Đặng Hồng Anh vẫn giữ được vị trí cao nhất của mình tại Sacomreal. Tuy nhiên, ông Đặng Hồng Anh cũng chật vật với doanh nghiệp bất động sản này

Nếu năm 2010, Sacomreal vẫn báo lãi 426,6 tỷ đồng thì những năm sau đó, lợi nhuận ròng giảm mạnh chỉ đạt 16,2 tỷ đồng năm 2011, 88,9 tỷ đồng năm 2012 và chỉ vỏn vẹn gần 8 tỷ đồng năm 2013. Trong năm 2013, Sacomreal lãi ít vì quý 2, công ty này lỗ tới 57,6 tỷ đồng.

Những con dòng cháu giống khác có thể kể đến như hai thiếu gia nhà đại gia ngân hàng Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân và Trầm Khải Hòa, ái nữ xinh đẹp của cựu Chủ tịch Hội đồng Vietinbank,…. Nhưng tất cả họ đều không nắm giữ chức vụ cao nhất nên áp lực đè lên vai họ không nặng nề như những gì ông Trần Hùng Huy và ông Đặng Hồng Anh phải đối mặt.

Chật vật vượt khó

Hiện tại, cả ông Đặng Hồng Anh và ông Trần Hùng Huy vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa doanh nghiệp của mình vượt qua khó khăn. Kết quả kinh doanh chưa thực sự khả quan nhưng hai lãnh đạo trẻ tuổi này vẫn nhận được sự tin tưởng từ những người xung quanh vì họ dám thừa nhận những gì mình chưa làm được và thẳng thắn đề cập tới nguyên nhân.

Trong Đại hội thường niên 2014 của Sacomreal diễn ra ngày 28/4, ông Đặng Hồng Anh chủ động dành thời gian tâm sự với cổ đông. Ông thẳng thắn nói: "Tôi muốn gửi đến cổ đông lời xin lỗi vì đã vắng mặt tại kỳ đại hội năm ngoái. Giai đoạn đó vì biến cố của gia đình tôi mà mối quan hệ của Sacomreal với các định chế tài chính cũng bị ảnh hưởng rất nhiều".
đặng hồng anh
Ông Đặng Hồng Anh 
Để vượt qua giai đoạn khó khăn đó, Sacomreal phải xoay xở nhiều biện pháp, trong đó có cắt giảm nhân sự. Hiện nhân sự của Sacomreal đã giảm từ 428 người xuống còn 270 người. Để củng cố niềm tin với cổ đông, ông Hồng Anh cho biết ông đang có kế hoạch tăng tỷ lệ sỡ hữu khoảng 15% cổ phần.

Mặc dù tự tin vào sự phục hồi của công ty nhưng ông Đặng Hồng Anh vẫn lập kế hoạch từng bước, chứ không nóng vội. Ông cho biết mục tiêu năm 2014  của Sacomreal chỉ là tập trung tái cấu trúc, xây dựng hệ thống tài chính khỏe mạnh và tinh gọn bộ máy hơn là săn tìm lợi nhuận.

Ông Trần Hùng Huy cũng chủ động đề cập tới những vấn đề mà ACB chưa thực sự khiến cổ đông hài lòng. Ông Huy cho biết: “Đối với quyền lợi và sự quan tâm của cổ đông, cần thẳng thắn nhìn nhận là lợi nhuận năm 2013 còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng ngắn hạn (thực hiện 1,035 tỷ đồng so với kế hoạch 1,800 tỷ đồng)”.

Mặc dù lợi nhuận 2013 chưa đạt như kỳ vọng nhưng ông Hùng Huy vẫn tự tin đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho ACB. Ông Huy tự tin một phần vì ACB đã tập trung xử lý tồn tại của quá khứ và ACB có kế hoạch hành động cụ thể.

“Từ xa đến gần, vị thế của ACB trong 5 năm tới là vị thế của một ngân hàng hàng đầu xác lập trên 5 lĩnh vực; trong 3 năm nữa là ngân hàng có cấu trúc hoạt động hiệu quả vượt trội; và trong năm 2014, ACB là ngân hàng hoạt động có quy tắc: tăng trưởng phải bền vững, quản lý phải ngày càng chuyên nghiệp, thu nhập chính đáng, và lợi nhuận ở mức hợp lý” – Ông Huy đặt mục tiêu lớn cho ACB.

Cả ông Đặng Hồng Anh và ông Trần Hùng Huy đều chưa giúp doanh nghiệp của mình đạt được lợi nhuận khả quan trong năm 2013 nhưng hai lãnh đạo cấp cao này vẫn nhận được sự ủng hộ của cổ đông và nhân viên vì cả 2 đều được đánh giá là “con dòng cháu giống” có tâm, có tầm và rất thân thiện với nhân viên.


Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn