Con chiến sỹ nhà giàn Trường Sa: Cứ co giật, mê man

Sức khỏeThứ Năm, 26/06/2014 06:50:00 +07:00

(VTC News) - Cháu Tùng, con chiến sỹ nhà giàn Trường Sa vẫn mê man bất tỉnh.

(VTC News) - Cháu Tùng, con chiến sỹ nhà giàn Trường Sa vẫn mê man bất tỉnh dù được sự giúp đỡ, hỗ trợ tận tình của bác sỹ BV Nhi TW.


Cháu cứ co giật lại phải dùng thuốc

Cháu Phạm Quang Tùng (sinh năm 2005), con thiếu tá Phạm Văn Hướng, y sỹ Nhà giàn DK1, thuộc vùng 2 Hải quân, Trường Sa đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Đặc biệt, được sự quan tâm của Bộ Y tế, cháu Tùng đã được chuyển đến phòng điều trị đặc biệt tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi trung ương.

Cháu Tùng vẫn mê man không biết gì.
Nhưng đến nay, sức khỏe của cháu vẫn rất nguy kịch. Chị Trần Thị Hiên, vợ anh Hướng là giáo viên tiểu học Hiệp Hòa, Kinh Môn, Hải Dương buồn bã nói: "Anh Hướng được cấp trên cho nghỉ phép thêm nên hiện nay cả 2 vợ  chồng tôi đang chăm sóc cháu.

Đến tháng 7, anh ấy mới phải lên đường ra Trường Sa. Nhưng 2 vợ chồng tôi đang rất lo lắng. Hiện, cháu không biết gì, nằm mê man. Cách đây hơn 1 tuần, cháu đã cắt cơn sốt nhưng mấy ngày nay sốt cao 39o - 40oC. Cháu cứ lên cơn co giật là lại phải dùng thuốc triền miên.

Ngày 24/6, đùi trái cháu bị sưng. Đến nay, bác sỹ cho xét nghiệm nhiều và nói cháu bị viêm màng não chưa rõ căn nguyên. Tôi sốt ruột lắm vì tình trạng cháu như vậy".


Còn với người chiến sỹ nhà giàn. Trước ngày trở lại công tác, nỗi niềm nặng trĩu vẫn đè nặng lên vai anh với hy vọng cậu con trai yêu quý có thể bình phục. Trong ánh mắt và cử chỉ âu yếm anh luôn hy vọng có thể chịu thay nỗi đau của con.

Anh Hướng chia sẻ, BV tạo điều kiện rất tốt cho cháu chữa bệnh, y tá, hộ lý, mọi người rất quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho cháu.

Bằng giọng trầm ấm anh tiếp tục chia sẻ: “Tôi công tác đợt này là 16 tháng liền trên nhà giàn. Thông thường một năm chúng tôi được về phép một lần, mỗi lần về phép khoảng 40 ngày. Mong ngóng từng ngày để được trở về gia đình thăm vợ và hai đứa con thân yêu, nhưng niềm vui đoàn viên cũng chỉ kéo dài hơn ba tuần.

Bỗng một ngày, cậu con trai thứ hai là cháu Phạm Quang Tùng (sinh năm 2005) bị sốt, co giật phải đưa lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để khám” – anh Tùng chậm rãi kể.


Ngồi bần thần một lát, anh nói tiếp: “Tưởng rằng căn bệnh của con cũng chỉ qua loa, rồi cha con, vợ chồng lại cùng vui vẻ bên bữa cơm gia đình, cùng chuyện trò dưới mái nhà chan chứa yêu thương. Nhưng sau khi các bác sỹ thông báo cháu Tùng bị tổn thương não trái thì như một cơn bão biển ập đến trong lòng” – anh đau xót nói.

Dốc hết sức lực, tiền bạc để chữa chạy cho con, mong cho con khỏe lại nhưng khao khát cháy bỏng đó của anh Hướng và vợ là chị Hiên đâu được đền đáp. Bệnh của cháu Tùng ngày một xấu đi, gia đình phải chuyển cháu sang Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục điều trị.

Hơn 21 năm làm việc trên biển, đi gần hết những nhà giàn trên quần đảo Trường Sa, sự dũng cảm, can trường của người lính biển tưởng chừng khó thể khuất phục, nhưng trước nỗi đau của con thì lòng anh cũng quặn thắt, như từng đợt sóng ngầm trong lòng đại dương.

Anh cho biết, từ khi cháu ốm, anh luôn ở bên cạnh con. Anh mong rằng sẽ truyền cho con dũng khí của những người lính biển, để con có thể vượt qua cơn bạo bệnh này.

Khi con bệnh nặng phải nằm viện, anh Hướng phải xin lãnh đạo cho nghỉ hai phép liền. Anh lo lắng, “Dù mong muốn quay trở lại cùng đồng đội để bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng cháu bị bệnh nặng, nhà lại neo người, không người chăm sóc cho con nên tôi rất lo lắng. Chỉ  mong cháu ổn định hơn, giờ mong khỏe cũng khó, khi ra đi sẽ yên tâm hơn. Còn bây giờ ra đi thì còn nhiều lo lắng, tâm trạng không tốt” – anh Hướng ngậm ngùi.

Mặc dù vậy, anh Hướng vẫn khẳng khái nói rằng khi nước nhà cần, anh sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

Anh cho biết, giờ đây cháu đã tươi tỉnh hơn, sức khỏe tiến triển tốt hơn, cháu không còn sốt nhiều như trước nữa.

Món quà con chưa kịp nhận


Anh Hướng chia sẻ, hơn 21 năm công tác, thời gian ở nhà của anh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. 10 năm lấy nhau thì chỉ có 3 cái Tết anh được đón Tết cùng với vợ con ở quê nhà. Hai lần chị Hiên mang bầu và sinh con, anh đều không thể bên cạnh, chỉ chia sẻ niềm vui qua những cánh thư và những cuộc điện thoại chóng vánh.

» Cảnh sát biển kiên cường giữa sóng gió Hoàng Sa » Điểm tựa vững chắc của cảnh sát biển » 'Đã có chúng tôi nơi đầu sóng ngọn gió'
Thiếu tá Phạm Văn Hướng, y sỹ của Nhà giàn DK1-8, thuộc vùng 2 Hải quân, Trường Sa



Vì vậy, mỗi lần trở về, bao nhiêu tình cảm dồn nén được anh dành hết cho vợ và hai cậu con trai ngoan ngoãn. Trước kia khi chưa có sóng điện thoại ở các nhà giàn thì anh vẫn liên lạc với gia đình qua những cánh thư tay. Nhưng thư viết có khi 3-4 tháng gia đình mới nhận được vì có tàu ra thì mới gửi được thư về. Bây giờ có sóng điện thoại, những lúc rảnh rỗi tôi lại gọi điện về hỏi thăm gia đình, họ hàng hai bên nội ngoại, dặn dò con chăm ngoan học giỏi, vâng lời mẹ.

Anh kể rằng, mỗi lần nghe tin bố về là các con vô cùng sung sướng. “Do rất lâu tôi mới được về, nên hai cháu vui mừng, đi khoe với họ hàng là bố sắp về, đến lớp kể chuyện cho bạn. Còn bây giờ cháu không thể nói cười, con không thể ríu rít kể chuyện, ôm vai bá cổ”. Nhìn về phía xa xăm anh buồn bã nói tiếp: “Tôi rất thương cháu vì cháu còn quá nhỏ mà phải chịu nhiều thiệt thòi”.

Anh Hướng cho biết, các cháu rất tự hào khi bố là lính biển, đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Cháu lớn vừa học hết cấp một, trong một bức thư tri ân cuối cấp cháu có viết một bức thư để đọc trước toàn trường.

Cháu bày tỏ mong muốn sau này được trở thành chiến sỹ hải quân lướt trên những con sóng để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc” – anh Hướng tự hào nói.


Còn với cháu Tùng, anh Hướng cho biết cháu cũng có nhiều sở thích, có lúc cháu mong muốn được làm lính hải quân như bố, có lúc cháu lại muốn làm giáo viên như mẹ.

Mỗi lần nghỉ phép về nhà, anh Hướng thường đưa cả gia đình đi chơi. Mặc dù những chuyến đi cũng chỉ ở gần nhà, nhưng đây là phần thưởng anh dành cho các con vì các cháu chăm ngoan, học giỏi.

“Lần này về nghỉ phép, tôi hứa với các cháu là đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cả nhà mình sẽ đi chơi ở Vịnh Hạ Long. Nhưng trước đó, cháu Tùng bị ốm phải nằm viện. Giờ thì món quà tôi dành cho các cháu đành phải gác lại” – anh Hướng buồn bã nói.

Khi được hỏi về những khó khăn của người lính biển phải đương đầu khi sống và chiến đấu trên nhà giàn. Anh Hướng nói: “Dù gian nan vất vả thế nào nhưng vì chủ quyền đất nước, bảo vệ chủ quyền của cha ông ta thì không anh em nào nản chí”.

Công việc của anh hiện tại là chăm sóc cho chiến sỹ nhà giàn, đồng thời chăm sóc sức khỏe cho ngư dân đánh bắt trên nhà giàn khi gặp phải vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Quý độc giả - quý ân nhân có lòng hảo tâm, xin giúp đỡ cháu Phạm Quang Tùng qua cơn hoạn nạn này để anh Hướng yên tâm công tác nơi nhà giàn trên vùng biển Trường Sa thân yêu.

Mọi ủng hộ xin gửi về Báo điện tử VTC News. Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.

Xin đề rõ: Đóng góp giúp bệnh nhân Phạm Quang Tùng. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến bệnh nhân sớm nhất.


» Cảnh sát biển kiên cường giữa sóng gió Hoàng Sa
» Điểm tựa vững chắc của cảnh sát biển
» 'Đã có chúng tôi nơi đầu sóng ngọn gió'


Lê Huy Hà

Bình luận
vtcnews.vn