Con bài chiến lược mới của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

Thế giớiThứ Ba, 04/12/2018 15:30:00 +07:00

Căn cứ hải quân Lombrum ở Papua New Guinea được cho là mảnh ghép quan trọng mà các nhà hoạch định Mỹ đang tìm kiếm trong chiến lược đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.

Căn cứ Lombrum nằm trong khu rừng rậm trên đảo Manus của Papua New Guinea đang được Australia nâng cấp trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố tham gia dự án này vào ngày 17/11. 

Theo SCMP, căn cứ này sẽ cung cấp cho hải quân Mỹ một điểm quá cảnh để tiếp nhiên liệu và cũng có thể trở thành cứ điểm giúp Mỹ giám sát các hoạt động trên biển của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng đang vượt xa Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trước khi lên kế hoạch nâng cấp Lombrum, một số chuyên gia cảnh báo Washington và Canberra cần phải dàn xếp ổn thỏa với Indonesia. Jakarta cho đến nay vẫn chưa hề lên tiếng phản đối kế hoạch của Mỹ và Australia.

1

Mỹ và Australia đang lên kế hoạch nâng cấp căn cứ Lombrum ở Papua New Guinea trong chiến lược tăng cường hiện diện ở Biển Đông. (Ảnh: SCMP)

Ông Abdul Kharis Almasyhari, Chủ tịch Ủy ban quốc hội về giám sát quốc phòng và an ninh của Indonesia mới đây tuyên bố rằng, các cường quốc bên ngoài không nên "quân sự hóa châu Á-Thái Bình Dương" cho thấy quốc gia vạn đảo cũng đã có những lo ngại nhất định về vấn đề này. 

Ông Almasyhari thậm chí còn kêu gọi chính phủ của Tổng thống Widodo có hành động cụ thể để ngăn việc xây dựng căn cứ hải quân nước ngoài ở Papua New Guinea nếu không muốn gia tăng căng thẳng chính trị trong khu vực. 

Giới phân tích cho rằng những bình luận của ông Almasyhari xuất phát từ những mối lo ngại tiềm ẩn của Jakarta về viễn cảnh phong trào ly khai kéo dài nhiều thập niên ở tỉnh Papua, giáp với Papua New Guinea một ngày nào đó sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cường quốc bên ngoài. 

Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Australia và Indonesia cũng đang vướng phải nhiều vấn đề, trong đó có bất đồng liên quan tới việc Canberra cho phép quân đội Mỹ đóng quân ở Darwin.

Nhà phân tích Australia Anthony Bergin cho rằng những lo ngại của Indonesia có thể sẽ trở nên phức tạp hơn nếu căn cứ của Papua New Guinea được tuyên bố như một phần trong chiến lược chống Trung Quốc của Canberra và Washington. Theo ông này, để tránh làm căng thẳng tình hình, 2 quốc gia đồng minh nên mời các sỹ quan Indonesia tới đó và nhấn mạnh những lợi ích chung của việc tăng cường giám sát hàng hải. 

3213746

 Tàu Hải quân Mỹ. (Ảnh: US Navy Page)

Căn cứ Lombrum được Mỹ xây dựng vào năm 1944 khi các lực lượng đồng minh đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào Nhật Bản. Vào thời kỳ cao điểm, Lombrum trở thành nơi neo đậu của 800 tàu Mỹ. Nó có một đường băng dài 2,7 km, một kho nhiên liệu, một bệnh viện với 3.000 giường bệnh và trở thành nơi đồn trú của hàng chục nghìn lính thủy quân lục chiến.

Ông Peter Jennings tới từ Viện chính sách chiến lược Australia cho rằng kế hoạch nâng cấp Lombrum mà Canberra và Washington hiện nay chỉ đơn giản là áp dụng chính những gì mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông là tăng khả năng tiếp cận, tạo ra nhiều lựa chọn hoạt động hơn và làm phức tạp hơn kế hoạch của đối thủ. 

Ông Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore thì tin rằng một trong các nguyên nhân khiến Mỹ và Australia bắt đầu dồn sự quan tâm tới vùng biển Tây Thái Bình Dương là bởi Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực này. 

Thông tin 2 quốc gia đồng minh nâng cấp căn cứ Lombrum cũng xuất hiện sau những đồn đoán cho rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng cảng ở khu vực này như tiền đề để phát triển một căn cứ hải quân trên đảo Manus.

Công ty China Harbor Engineering của Trung Quốc năm 2016 đã thắng thầu trong thương vụ phát triển Sân bay Momote của hòn đảo, nhưng cả Bắc Kinh lẫn chính quyền Papua New Guinea đều không xác nhận việc Trung Quốc đang tính toán xây dựng cảng tại đây.

Chưa biết Mỹ và Australia thực sự đang toan tính những gì với Lombrum, nhưng các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ mà 2 quốc gia này cần phải đặt lên đầu tiên là làm giảm những lo ngại của Papua New Guinea hay Indonesia về căn cứ này. Đã có những bất mãn ở quốc gia tại Thái Bình Dương. Chính Thống đốc Manus Charlie Benjamin cũng từng tuyên bố việc nâng cấp Lombrum là không cần thiết.

"Thành thật mà nói Papua New Guinea không phải đang trong tình trạng chiến tranh và chúng tôi không cần bất cứ sự giúp đỡ nào ngay lúc này, để Mỹ và Australia tới Lombrum sẽ chỉ có lợi cho lợi ích của họ", ông Benjamin nói. 

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Laksmana tới từ Indonesia cho rằng các nước trong khu vực bao gồm Indonesia không cần quá suốt sắng về căn cứ trên bởi các công trình chính của Lombrum sẽ phải xây dựng trong một thời gian dài trước khi nó trở thành nơi neo đậu cho các tàu chiến kích thước lớn. 

"Căn cứ hải quân chỉ là một phần của một trong những lựa chọn mà Mỹ đang sử dụng trong chiến lược chống lại Trung Quốc", ông này nói. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn