Coi COVID-19 là dịch bệnh thành thị, nông thôn châu Phi trả giá đắt

Tư liệuChủ Nhật, 01/08/2021 14:30:00 +07:00
(VTC News) -

Quan niệm COVID-19 chỉ là “dịch bệnh thành thị” khiến người dân nông thôn Zimbabwe phải trả giá đắt và khu vực này trở thành tâm dịch trong đợt lây nhiễm mới.

Trước khi COVID-19 bùng phát tại ngôi làng nơi chị Chinyandura sinh sống, những người dân nông thôn Zimbabwe luôn nghĩ rằng COVID-19 là dịch bệnh thành thị.

"Chúng tôi chỉ biết đến COVID-19 qua đài phát thanh, nó có vẻ xa vời đến mức chẳng bao giờ khiến chúng tôi lo lắng. Nhưng giờ đây, đám tang này nối tiếp đám khác, dịch bệnh đã đến gần", Chinyandura nói. Là chủ một cửa hàng đồ ăn nhỏ, chị rất sợ nhiễm virus nhưng không thể nghỉ việc vì phải lo sinh kế cho gia đình.

Tôi luôn lo sợ rằng khách hàng có thể lây nhiễm COVID-19 cho tôi. Nhưng tôi cần tiền. Tôi sẽ chết đói nếu không mở cửa hàng. Chiếc khẩu trang là tất cả những gì tôi có để bảo vệ bản thân khỏi COVID-19, nhưng tôi có thể đeo nó trong bao lâu? Tôi vẫn phải nói chuyện với khách hàng và thở”, Chinyandura nói.

Coi COVID-19 là dịch bệnh thành thị, nông thôn châu Phi trả giá đắt - 1

 Chinyandura rất sợ bị nhiễm virus nhưng không thể nghỉ việc vì phải lo sinh kế cho gia đình. (Ảnh: CNN)

Cửa hàng của Chinyandura không có vật dụng cần thiết để bán mang về. Nhưng để giảm thiểu rủi ro, chị yêu cầu khách hàng rời đi ngay sau khi dùng xong bữa.

"Tôi yêu quý khách hàng của mình. Cửa hàng của tôi từng là nơi để họ thư giãn trong bữa trưa. Nhưng trong hoàn cảnh hiện giờ, họ phải rời đi ngay sau khi ăn xong vì việc tụ tập đông người ngày càng chứa nhiều rủi ro", Chinyandura chia sẻ.

Làn sóng COVID-19 mới tràn vào nông thôn

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Zimbabwe vào năm ngoái, cuộc sống ở các vùng nông thôn nước này tiếp tục với nhịp độ bình thường. Việc di chuyển không hề bị hạn chế, thậm chí những ai đeo khẩu trang còn bị cười nhạo.

Mỗi khi có dịp lễ hoặc ma chay, người dân tụ tập rất đông. Nhà thờ cũng thường tổ chức các buổi tập trung tín đồ kéo dài nhiều ngày mà không hề áp dụng bất kỳ biện pháp phòng dịch nào.

Ngược lại, ở các thành phố, chính phủ đã quyết định giãn cách xã hội trên diện rộng nhằm ngăn COVID-19 lây lan. Hàng ngày, người dân đều xếp hàng dài tại các trung tâm tiêm phòng chờ được tiêm vaccine.

Zimbabwe đón làn sóng COVID-19 thứ ba vào tháng 5 năm nay, biến thể nguy hiểm Delta cũng đã có mặt tại quốc gia này.

Đến tháng 6, ba trong số bốn quận của Zimbabwe bị tuyên bố là tâm dịch của đợt bùng phát và hiện được phong tỏa nghiêm ngặt, chủ yếu ở các khu vực nông thôn.

Tính đến ngày 29/7, đợt lây nhiễm thứ ba đã đẩy số ca bệnh lên tới 105.000 người, trong đó có gần 3.421 người chết.

Coi COVID-19 là dịch bệnh thành thị, nông thôn châu Phi trả giá đắt - 2

Đến tháng 6, ba trong số bốn quận của Zimbabwe bị tuyên bố là tâm dịch của đợt bùng phát dịch COVID-19 mới. (Ảnh: Reuters)

Sinh kế bị đe dọa

Khoảng 70% dân số Zimbabwe sống trong cảnh nghèo đói và các cơ sở y tế đều thiếu thốn. Đại dịch đã khiến tình trạng đó tồi tệ thêm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Chồng Chinyandura là anh Alfred Makumbe làm tại một xưởng xay thóc. Thu nhập của anh cũng bị ảnh hưởng nặng nề do xưởng phải đóng cửa trong đợt giãn cách vào cuối tháng 6.

Mặc dù đại dịch đã tràn vào Zimbabwe từ tháng 3/2020 nhưng mãi đến những tháng gần đây, dân làng nơi vợ chồng anh Makumbe sống mới ý thức được mức độ nguy hiểm của nó và tuân theo các quy tắc chống dịch trong hoang mang.

"Dịch COVID-19 thực sự ảnh hưởng đến chúng tôi rất nhiều. Nếu căn bệnh không ‘bắt’ được bạn, nó sẽ tác động đến túi tiền của bạn. Vì dịch bệnh mà khách hàng không thể tới xưởng", anh Makumbe nói.

Coi COVID-19 là dịch bệnh thành thị, nông thôn châu Phi trả giá đắt - 3

Thu nhập của anh Alfred Makumbe bị ảnh hưởng nặng nề do xưởng phải đóng cửa trong đợt giãn cách vào cuối tháng 6. (Ảnh: CNN)

Thiếu hụt vaccine

Dù các khu vực nông thôn của Zimbabwe đang phải chật vật ứng phó với đại dịch do điều kiện thiếu thốn, đợt tiêm phòng vaccine COVID-19 bắt đầu từ tháng 2 lại không ưu tiên người dân tại đây. Những khu vực này đều thiếu hụt vaccine rõ rệt so với thành phố.

Nguyên nhân chính là phần lớn vùng nông thôn của Zimbabwe rất khó tiếp cận vì đường sá kém và thiếu hụt các phương tiện viễn thông.

Tính đến ngày 29/7, quốc gia gần 15 triệu dân Zimbabwe đã sử dụng 2 triệu liều vaccine COVID-19. Bộ trưởng Tài chính Mthuli Ncube cho biết nước này đang triển khai tiêm thêm hàng triệu liều, mặc dù một bộ phận dân Zimbabwe vẫn không tin tưởng vào vaccine do đức tin và các thông tin sai lệch.

Dù rất sợ dịch bệnh, Chinyandura lại cho biết chị sẽ không tiêm vaccine COVID-19: “Tôi không muốn tiêm phòng. Tôi sẽ đi khám nếu bị bệnh. Tôi là thành viên của một giáo phái, dù chúng tôi (các tín đồ) đã dừng mọi cuộc tụ họp nhưng chúng tôi sẽ không tiêm vaccine. Tôi chưa bao giờ tiêm vaccine trong đời".

Tuy nhiên, nhiều người nông thôn khác có tư tưởng tiến bộ hơn, rất mong muốn được tiêm phòng. Một trong số đó là ông Tiba Tanganyika, 87 tuổi. Bệnh viện địa phương từ chối tiêm cho ông vì huyết áp quá cao.

Tôi thực sự muốn được tiêm (vaccine)”, ông Tanganyika nói.

Coi COVID-19 là dịch bệnh thành thị, nông thôn châu Phi trả giá đắt - 4

Các khu vực nông thôn của Zimbabwe đang phải chật vật ứng phó với đại dịch do điều kiện thiếu thốn. (Ảnh: Aa)

Dịch bệnh đang ở ngay trước cửa

Bác sĩ Johannes Marisa tại Zimbabwe đã mô tả làn sóng COVID-19 thứ ba là một thảm họa. Bà cho rằng dịch bệnh xấu đi nhanh chóng ở các vùng nông thôn là do các sự kiện có khả năng lây lan virus cao như đám tang vẫn được tổ chức.

Tại Zimbabwe, truyền thống được cho là quan trọng hơn bất kỳ quy tắc nào, điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong đại dịch. Tại làng của vợ chồng anh Makumbe, người dân chỉ thực sự quan tâm đến dịch bệnh sau cái chết của một quan chức y tế cấp cao mắc COVID-19 tại bệnh viện Quận Makumbe.

"Ai cũng hoảng sợ. Thậm chí mọi người còn không dám đi xét nghiệm hay tiêm phòng vì lo sợ số ca mắc bệnh ngày càng tăng. Trước đây, chúng tôi chỉ nghe nói về căn bệnh COVID-19, nhưng giờ dịch bệnh đang ở ngay trước cửa nhà”, anh Makumbe nói.

Trong tình hình đó, bác sĩ Marisa cảnh báo người dân Zimbabwe: "Chúng ta vẫn chưa qua được thời kỳ nguy hiểm do hành vi và thái độ của người dân: Quá tự mãn, tốc độ lây lan trong cộng đồng quá nhanh. Chúng ta cần kỷ luật hơn".

Trần Trang(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp