Cocobay Đà Nẵng: Biến condotel thành căn hộ chung cư có ‘cứu’ được nhà đầu tư?

Kinh tếThứ Tư, 27/11/2019 11:31:00 +07:00

Đề xuất chuyển đổi căn hộ condotel thành chung cư của chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng bị đánh giá là bất cập và thiếu khả thi.

Mới đây, CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (tập đoàn Empire) vừa phát đi thông báo liên quan đến việc thực hiện cam kết lợi nhuận với sản phẩm condotel của dự án Cocobay Đà Nẵng.

Theo thư gửi khách hàng đề ngày 23/11 do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thành ký, tập đoàn Empire cho biết việc kinh doanh loại hình sản phẩm bất động sản condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có vướng mắc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án. 

a09b4678f93910674928

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc. 

"Chủ đầu tư đành phải xin lỗi vì không thể thực hiện việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng", thư gửi khách hàng nêu rõ.

Một trong những hướng giải quyết được chủ đầu tư đưa ra là “khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm”.

Tuy nhiên, đề xuất này lập tức bị giới luật sư đánh giá là bất cập và thiếu khả thi. Theo Luật sư Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Thiên Việt - để thực hiện được giải pháp này, cần giải quyết rất nhiều vấn đề mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ đầu tư hay khách hàng.

Thứ nhất là khi xin cấp dự án đầu tư thương mại của khu du lịch nghỉ dưỡng dạng condotel, cơ quan quản lý Nhà nước cấp cho một dự án đồng nghĩa với việc chỉ cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất duy nhất. Việc chuyển đổi vì thế sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý.

"Các khó khăn này bao gồm hành lang pháp lý để sửa đổi, quy hoạch kiến trúc vùng và các phê chuẩn của của quan quản  lý nhà nước có thẩm quyền", ông Ngọc nói.

Thứ hai, về mức phí 15% giá trị chuyển đổi, ông Ngọc đặt câu hỏi: Phần phí này tính trên cơ sở nào? Hiện nay chưa có bất cứ hướng dẫn hoặc văn bản nào của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cho phép chuyển đổi và cũng chưa có khung giá để chuyển đổi. Do vậy, việc ấn định mức phí này với văn bản đưa ra là giải pháp hoãn binh đối với các áp lực từ người mua thay vì đối diện giải quyết vấn đề cốt lõi.

Thứ ba, việc giao lại cho chủ đầu tư kinh doanh liệu có lặp lại câu chuyện cam kết lãi suất khi mua condotel? Việc kinh doanh các dự án du lịch phải được tiến hành đồng bộ, bài bản khác biệt với việc kinh doanh các dự án cho thuê thông thường. Do vậy, khi chuyển đổi thành căn hộ chung cư (nếu có thể) thì các căn hộ này có được cơ quan liên quan cho phép kinh doanh lưu trú hay không và lưu trú dưới dạng nào? Đó là chưa kể đến việc các chủ sở hữu có đồng nhất cùng đưa tài sản cho người khác quản lý đồng nhất hay không? Nếu không sẽ dẫn đến việc xin các giấy phép kinh doanh riêng lẻ từ các chủ sở hữu.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn