Cò xe máy cũ 'chăn' khách qua mạng như thế nào?

XeThứ Ba, 22/10/2013 06:27:00 +07:00

Không chỉ mông xe đổi đồ, các cò xe còn sử dụng nhiều chiêu độc như dùng chân gỗ, thậm chí cả mỹ nhân kế để “chăn khách hàng” qua mạng.

Không chỉ mông xe đổi đồ, các cò xe còn sử dụng nhiều chiêu độc như dùng chân gỗ, thậm chí cả mỹ nhân kế để “chăn khách hàng” qua mạng.


Với những chiêu trò như dìm giá, ép giá, đổi đồ của khách bán xe, chợ xe máy - đồ cũ Dịch Vọng (Hà Nội) ngày càng bị khách hàng tẩy chay. Để thoát khỏi tình cảnh này, hầu hết các chủ hàng và "cò xe" đã chuyển dần việc mua bán trên mạng internet với những chiêu trò, mánh lới mới, tinh quái hơn để lừa đảo khách hàng.

Xe nát bét thành xe láng coóng

Chỉ cần bỏ ra vài phút để vào những trang web như muare.vn, rongbay.com, chotot.vn, muaban.net...bạn có thể tham khảo và mua - bán xe máy cũ. Với những câu giới thiệu nghe rất hấp dẫn như: "Do có nhu cầu đổi xe lên cần bán gấp xe Future đời đầu, màu xanh, xe nguyên bản, chính chủ; giá 13 triệu đồng, có thoả thuận, liên hệ sdt...". Thực tế những chiếc xe này có nguồn gốc từ đâu, chất lượng có như lời quảng cáo hay không?

cò xe máy
Mạng Internet, đất sống mới của các cò xe máy. 

Để hiểu rõ về việc này, tôi đến gặp K. "lác" (một chủ cửa hàng buôn bán xe máy cũ trên phố Chùa Hà, Hà Nội). Vào cửa hàng của K., tôi thấy hàng chục "con xe" đủ loại, xe nào trông cũng bóng loáng như mới. K. ngao ngán tâm sự: "Cái chợ xe này nó nhiều "tiếng tốt" nên chẳng mấy ai đến mua bán xe nữa. Giờ dân tình chuyển sang mua bán qua mạng, vừa nhanh chóng lại tiện lợi. Bọn tôi giờ cũng chuyển sang mua bán trên mạng hết. Hầu hết các xe rao bán trên mạng đều có xuất xứ từ cái chợ xe này ra và chất lượng thì vẫn thế đâu có hơn gì".

K. "lác" cho biết: "Suốt ngày tôi ôm cái máy tính, vừa chơi game vừa lang thang vào các trang mua bán để rao bán và tìm mua xe. Nếu đi mua xe, tôi trực tiếp đi hoặc rủ vợ đi cùng đóng vai người tiêu dùng mua xe tặng vợ. Còn khi đi bán xe, tôi huy động hết nhân viên và cả người nhà tham gia. Phải tìm mọi cách đóng giả để người ta không biết mình làm ở chợ xe, bởi cứ nhắc đến "dân chợ xe" là người ta nghĩ ngay đến những quái chiêu "dìm hàng", ép giá sẽ không mua, bán được xe.

Hiện nay, những chiếc xe rao bán trên mạng toàn xe của "thợ" (tức đã bị mông má lại - PV). Cứ "thợ" này mua xong "dọn, rửa" đôi chút lại rao bán kiếm chút chênh lệch, xoay vòng vốn cho nhanh, "thợ" khác lại mua rồi lại bán vênh lấy lộc. Cứ thế xoay vòng, khi đến tay người tiêu dùng, giá đã bị đội lên mấy lần nhưng chất lượng thì phải gọi là "chắc liệng".

"Chắc liệng" của giới thợ là quy trình "dọn, rửa" một chiếc xe khi mua về. Xe khi mua về dù bình thường hay bị tai nạn nát bét, bẩn thỉu, hay hỏng hóc đủ thứ đều phải qua một đợt "phẫu thuật chỉnh hình" của các thợ, sau đó mới rao bán trên thị trường hay trên mạng.

Kế mỹ nhân và kế... thế thân

Vào vai một người có nhu cầu mua xe, sau một hồi lang thang trên mạng, tôi chọn đại một chiếc xe WaveS trông rất mới được rao bán bởi một người tên T. với số điện thoại 0165783xxxx. Sau khi gọi điện, tôi được T. hẹn ra quán trà đá gần cổng trường Giao thông Vận tải (Cầu Giấy, Hà Nội) để xem xe.

Qua trao đổi,  T. giới thiệu là sinh viên năm thứ 3 trường Giao thông Vận tải. Do đang cần tiền nên mới bán xe. "Anh yên tâm, xe chính chủ, chưa sửa chữa hay hỏng hóc gì, anh cứ xem xe thì biết. Nhưng thực tế xem giấy tờ, tôi thấy đăng ký không phải tên T. mà của một người khác ở Đống Đa, Hà Nội.

Nhìn chiếc xe sạch sẽ, không có một vết xước hay bẩn nào, tôi càng nghi ngờ. Đã vậy, khi nổ máy, có những tiếng cạch cạch, rè rè nghe rất rõ, chưa kịp hỏi thì T. lấp liếm bảo: "Tiếng này chắc là do vỏ nhựa bị lỏng ở đâu đó, anh chỉ cần mang ra bảo thợ nó siết chặt mấy con ốc ngoài vỏ nhựa là hết ngay".

Đi thử xe, ga lên thấy xe chạy có vẻ yếu, không bốc thì T. bảo, chắc là do xe sắp hết xăng nên hơi yếu, anh chỉ cần ra đổ xăng vào, lúc đó xăng xuống nhiều tạo áp lực là xe lại chạy khỏe ngay. Nghe những lý do T. đưa ra để bao biện cho chiếc xe cũ nát này cũng có lý.

Tôi đang xem xe thì có hai thanh niên nữa đến, T. cho tôi biết, "lúc anh gọi điện cho em hỏi xe xong thì có hai anh này cũng gọi tới hỏi mua xe. Do anh gọi trước nên em ưu tiên cho anh xem trước".

Hai thanh niên này luôn miệng khen xe, nào là "xe này màu sơn vẫn còn đẹp, mua mấy năm rồi mà máy vẫn còn tốt, khỏe giá cả cũng hợp lý...". Sau một hồi xuýt xoa khen xe, hai thanh niên quay ra nói với tôi "con xe khỏe đẹp như thế này, thanh niên như anh em mình đi thì quá hợp, tiếc quá, bọn em đến muộn nên bị anh mua mất".

Nghe qua câu chuyện, tôi biết ngay đây là hai "chân gỗ" của T. cài cắm. Tôi quay sang bảo hai thanh niên: "Nếu hai bạn thích con xe này, cứ mua, tôi về". Gọi điện cho K. "lác", tôi  biết, T. cũng là một đầu nậu chuyên buôn xe trên mạng. Chiêu trò mà T. dùng với tôi chỉ là một trong hàng trăm mánh khóe của dân buôn xe máy trên mạng dùng để bán xe chất lượng thấp với giá cao.

Anh Nguyễn Tuấn H. (ở Vĩnh Phúc, hiện đang làm ở một công ty truyền thông tại Hà Nội) bức xúc cho biết: "Tôi bị lừa bởi chiêu mua bán xe như vậy". Do nhu cầu công việc, anh Tuấn H. cần mua một chiếc xe tay ga đắt tiền.

Sau nhiều ngày tìm kiếm trên mạng, anh Tuấn H. chọn được một con xe tay ga Honda PS với giá 50 triệu đồng, chủ xe là một cô gái. Khá yên tâm khi người bán xe lại là một cô gái, anh Tuấn H. điểm hẹn xem xe trên đường Hoàng Quốc Việt.

Đang xem xe thì cũng có một đôi trai gái cũng đến xem xe. Đôi trai gái này tỏ ra rất thích nên liên tục khen chiếc xe. Nghĩ chủ xe là con gái, trông khá xinh xắn hiền lành, lại có người khác đang muốn mua chiếc xe nên anh Tuấn H. vội vàng đồng ý mua chiếc xe mà không kịp mặc cả và xem kỹ xe.

Mua được đúng một tuần thì chiếc xe bắt đầu "dở chứng", Tuấn H. mang ra hiệu sửa thì mới biết, xe đã bị làm lại máy, hỏng hóc nhiều chỗ, nhiều phụ tùng bị thay thế. Lần đó, Tuấn H. phải sửa xe hết hơn 10 triệu đồng mà chiếc xe vẫn chẳng ra hồn.             

Kỳ công “phẫu thuật chỉnh hình”

Mua xe về, nó được đưa vào xưởng, bị thợ tháo tung ra. Thợ kiểm tra các bộ phận, sau đó "mông má" lại đôi chút như sơn lại những chỗ bị xước; đánh rửa thật sạch rồi dán ny lông ở phần vỏ xe; tạo hình thức như xe còn rất mới, chưa có tì vết gì.

Còn phần máy móc thì sửa tạm, phụ tùng thay thế là đồ "tàu". Hình thức xe rất bắt mắt, đẹp lung linh, tiếng nổ giòn tan, giá thành rẻ nhất, làm sao khách không mua được cơ chứ. Có nhiều xe, sau khi trả tiền, khách đề, không nổ, phải sửa tốn cả tiền triệu ngay lập tức, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Theo DSPL

Bình luận
vtcnews.vn