Có vượt qua 'bạo loạn' Pleiku, Quang Hải, Duy Mạnh mới đủ bản lĩnh để trưởng thành

Thể thaoThứ Bảy, 12/05/2018 07:16:00 +07:00

Muốn trưởng thành hơn để trụ vững trong thế giới bóng đá đỉnh cao, những tài năng triển vọng của U23 Việt Nam phải biết vượt qua những khoảnh khắc cân não như trong cuộc so tài giữa HAGL và Hà Nội tối qua.

Chứng kiến lứa U16 Việt Nam chơi ngang ngửa (thậm chí trên cơ) U16 Australia tại vòng loại U16 châu Á 2015, người viết từng thắc mắc: Ở ngưỡng thiếu niên, bóng đá trẻ Việt Nam đủ sức chơi ngang ngửa với lứa trẻ của những nền bóng đá hùng mạnh trong khu vực. U16 Việt Nam từng vượt qua vòng bảng giải U16 châu Á, hay lứa trẻ của lò đào tạo PVF khiến những đối thủ đồng trang lứa của Stoke City, Central Coast Mariners hay Busan I'Park phải thán phục.

Nhưng liệu 10 năm nữa, cũng lứa cầu thủ ấy, liệu có thể chơi sòng phẳng với đối thủ, hay chúng ta sẽ tụt lại so với đội bạn ở khoảng cách rất xa?

pvf

 Sự trỗi dậy của PVF cho thấy công tác đào tạo trẻ là hướng đi đúng đắn của bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Hồng Nam)

Trăn trở của nền bóng đá, đôi khi không phải là đào tạo trẻ, mà là làm thế nào để các cầu thủ trẻ giữ sức bật khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Bao năm qua, V-League chưa làm tròn nhiệm vụ rèn giũa "măng non" đúng với tiềm năng phát triển. Theo BLV Quang Huy, bóng đá Việt Nam thiếu "tính thực chiến" và sự cạnh tranh sòng phẳng để cầu thủ già dặn hơn.

Môi trường độc hại với vô số vấn đề tồn đọng khiến tài năng trẻ mắc kẹt ở thời điểm các cầu thủ cùng tuổi trên khắp thế giới bắt đầu bứt phá, và bóng đá nước nhà lại phải chờ đợi và đặt niềm tin ở những... thế hệ sau.

Tối qua, "đội tuyển U23 thu nhỏ" trên sân Pleiku" đã được chứng kiến tận mắt bóng đá đỉnh cao với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Đau thì đau, nhưng muốn lớn lên, cơ thể học cách phải chống chịu những vết sẹo như thế, để hiểu rằng bóng đá đỉnh cao không đơn giản là bước vào sân rồi phô diễn kỹ thuật và thực hiện những pha bóng nặng tính trình diễn như bóng đá trẻ.

Bóng đá đỉnh cao cũng không nằm ở những cái bắt tay và ôm nhau thật chặt khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Muốn tồn tại ở V-League hay đi xa ở cúp QG, các cầu thủ cần trang bị thêm nhiều bài học quý giá.

Anh1.NguyenNam 3

 Các cầu thủ sẽ trưởng thành từ sân chơi V-League. (Ảnh: Hồng Nam)

Đó là kỹ năng để chiến đấu tay đôi trên từng mét vuông cỏ. Duy Mạnh khá "lành", cũng phải lao vào tiền đạo Rimario bên phía HAGL để quyết ăn thua. Đình Trọng trở thành "tội đồ" một pha vào bóng thiếu chuẩn xác. Công Phượng, Xuân Trường phải giành giật trong những tình huống tranh chấp quyết liệt, hay 22 cầu thủ có mặt trên sân sẵn sàng xông vào nhau vì một quyết định không thỏa đáng của trọng tài.

Dàn sao trẻ của U23 Việt Nam đã chứng kiến tận mắt HLV Chu Đình Nghiêm cùng ban huấn luyện Hà Nội lao vào sân để "ăn thua đủ" với trọng tài, hay hàng trăm chai lọ được cổ động viên liệng thẳng xuống sân để bày tỏ sự phẫn nộ. Đến cựu tuyển thủ QG Thành Lương còn không giữ được sự bình tĩnh khi có hành động không đúng mực với trọng tài và bị truất quyền thi đấu.

Khung cảnh gần giống với trận Siêu kinh điển cuối tuần trước khi Barcelona và Real Madrid "hỗn chiến" trong từng pha bóng trên sân. Bóng đá Việt Nam chưa đạt đến tầm bóng đá đỉnh cao châu Âu, nhưng nhìn cách HAGL và Hà Nội thể hiện khát khao chiến thắng cực đại, những măng non của U23 Việt Nam đã hiểu thế nào là "bóng đá thực chiến" hay "bóng đá đỉnh cao".

Video: HAGL 2-2 Hà Nội

Những trận cầu như vậy thường không có tính cống hiến cao và khiến người ta tranh cãi hơn là tán thưởng. Dẫu vậy, muốn cứng cáp và rắn rỏi hơn để nâng tầm bản lĩnh, U23 Việt Nam cứ nhất thiết phải trải qua những phút giây "tim lạnh, đầu nóng" và căng thẳng tột độ như vậy.

Quang cảnh hỗn loạn trên sân Pleiku không phải trải nghiệm nhiều cầu thủ muốn trải qua trong đời, song những trận đấu kiểu này sẽ giúp cầu thủ trẻ lớn nhanh. Đó chẳng phải một môi trường "thực chiến" lý tưởng hay sao?

Thực tế, nói HAGL chưa trưởng thành là không đúng. 3 năm lăn lộn ở V-League, lứa U19 Việt Nam từng khiến người hâm mộ nức lòng với Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,... giờ đã "nhẵn mặt" với bóng đá đỉnh cao. Không còn hình ảnh tấn công ngây thơ, hồn nhiên và thiếu toan tính như ở thời điểm mới lên V-League và bị "vùi dập" như thời điểm cách đây 3 năm, HAGL hiện tại lỳ lợm, kinh nghiệm và gan góc hơn nhiều. 

Đội bóng phố núi biết cách thi đấu rình rập để đợi thời cơ, lao vào đối phương để gây sức ép khi cần hay biến hóa cách chơi để ứng phó với từng kiểu đá. HAGL rũ bỏ hình ảnh hiền lành với lối chơi ban chuyền làm nên thương hiệu. Bởi khác với bóng đá trẻ, bóng đá đỉnh cao rất cần có thành tích. Chiến thắng là mục tiêu tối thượng và cần chiếm lấy bằng bất cứ cách thức nào, miễn rằng không... phi thể thao.

HAGL-VLeague-2018-10 14

HAGL đã lớn hơn nhiều sau những năm tháng "va đập" ở V-League. (Ảnh: Hoàng Tùng)

Câu chuyện gần tương tự cũng lặp lại ở Hà Nội khi những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Đức Huy,... cũng chập chững bước lên V-League với hành trang là tư duy bóng đá "sạch" như tờ giấy trắng. Khác với những "đồng môn" Gia Lai, lứa trẻ của Hà Nội được ăn tập và thi đấu cùng với những đàn anh dày dạn kinh nghiệm như Văn Quyết, Thành Lương,... để từng bước được dìu dắt trưởng thành. 

Muốn trở thành "sao số" thực sự, các cầu thủ trẻ phải biết kỹ năng để tồn tại, trong đó có cả tiểu xảo, mánh lới, đôi khi là khiêu khích khiến đối thủ "nổi điên" và mắc sai lầm. Ai đó sẽ nói V-League "làm hư" cầu thủ, song không tài năng nào có thể bước lên đỉnh cao với một tư duy bóng đá như "tờ giấy trắng".

Bóng đá Việt Nam còn vô số vấn đề nội tại và nhức nhối từ thượng tầng đến hạ tầng, đến mức nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, khủng hoảng. Nhưng ở đó, vẫn có những tia sáng đang lóe rạng để hy vọng.

Đừng khiến ánh sáng vụt tắt, mà hãy biến nó trở thành ngọn hải đăng đủ sức soi rọi cho cả nền bóng đá hướng trong buổi chiều chạng vạng mây đen.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn