Cô và trò ướt đẫm mồ hôi, kiệt sức vì dạy - học trong mùa hè oi bức

Diễn đànThứ Ba, 26/05/2020 07:10:00 +07:00
(VTC News) -

Dạy và học trong điều kiện nắng nóng, gần 40 độ C, khiến giáo viên và phụ huynh lo lắng học sinh ảnh hưởng sức khỏe, từ đó kết quả học tập kém hiệu quả.

Thông thường, thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 - khoảng thời gian nắng nóng nhất trong năm - học sinh đã được nghỉ hè. Tuy nhiên năm nay, do dịch COVID-19 học sinh được nghỉ gần 3 tháng.

Để bù quãng thời gian đó, hiện các cấp học vẫn đến trường và dự kiến việc này kéo dài đến giữa tháng 7. Điều này khiến nhiều giáo viên và phụ huynh lo lắng sức khoẻ của học sinh khi hằng ngày đi học trong thời tiết oi bức, trời nắng gần 40 độ C.

Uể oải, kiệt sức vì nắng nóng

Nhà cách trường gần 2km, hàng ngày Lê Hoàng Oanh (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn đạp xe tới trường. Như thường lệ, nữ sinh tan học lúc 11h30 và 13h30 bắt đầu ca học chiều. Đây là quãng thời gian nắng nóng đỉnh điểm.

Oanh cho biết, việc di chuyển giữa thời tiết nắng nóng khiến em "xây xẩm mặt mày". Tới lớp nữ sinh luôn thấy mệt mỏi, không có tinh thần học tập và lo ngại hiệu quả học không tốt.

Em Hoàng Thị Phương (học sinh lớp 8, trường THCS Hố Nai, Hoà Bình) cho biết, hầu như ngày nào đi học về em đều nhễ nhại mồ hôi và thấy vô cùng mệt mỏi vì nắng gắt.

Lớp Phương có 38 học sinh, nhưng chỉ có 4 cái quạt trần sử dụng lâu năm, lớp cũng có được trang bị thêm quạt gió để giảm nhiệt độ trong lớp học. Tuy nhiên, thời gian trên đường đi học và về nhà đều là thời điểm nắng nóng. Em luôn thấy uể oải, không có tinh thần và thật sự sợ tới lớp dưới thời tiết như vậy.

Cô và trò ướt đẫm mồ hôi, kiệt sức vì dạy - học trong mùa hè oi bức  - 1

 (Ảnh minh hoạ)

Tương tự, em Nguyễn Văn Đức (học sinh lớp 10, trường THPT Sông Lô, Tuyên Quang) lo lắng khi 1,5 tháng nữa mới kết thúc năm học. 

Dù bố mẹ Đức có trang bị thêm bình nước giữ nhiệt, khăn ướt để giảm nhiệt, nhưng Đức vẫn thấy nóng và rất mệt khi vào phải ngồi học và di chuyển tới trường dưới thời tiết nóng 30 -40 độ C.

"Hy vọng nhà trường điều chỉnh không tổ chức học thêm buổi chiều; cho chúng em tan trường sớm hơn, tránh giờ giữa trưa nắng nóng. Hoặc có thể bố trí học thêm vào các giờ buổi chiều muộn, nhiệt độ có phần mát mẻ hơn”, cậu học sinh cho hay.

Mồ hôi ướt đẫm áo

Không riêng gì học sinh, giữa những ngày nắng nóng đỉnh điểm các cô giáo vô cùng vất vả, vừa giảng bài vừa lau mồ hôi.

Cô Lương Hoài Yến (trường THCS Tiên Phong, Phú Thọ) tâm sự, khác với những lớp học ở thành phố, học sinh đến trường có điều hoà nhiệt độ; thì ở vùng quê không có điều kiện học sinh vẫn phải chịu nóng bức, vừa ngồi học vừa lau mồ hôi rơi.

Lớp cô Yến chủ nhiệm có 36 bạn, 4 cái quạt trần, 6 quạt treo tường. Tất cả sử dụng hết công suất nhưng dường như không thấm vào đâu. Sáng nào cũng 5 tiết dạy liên tục, cô Yến luôn ướt đẫm lưng áo vì mô hôi.

Đi kèm với thời tiết oi bức, nắng gắt là tiếng ve kêu rân ran, ồn ào càng khiến cả cô và trò mệt mỏi trong những ngày này. Cô Yến lo nhất là kết quả học tập của học sinh sẽ bị ảnh hưởng từ các điều kiện khách quan như vậy.

Nhiều khi thương học sinh ngồi học nóng bức, cô giáo bỏ tiền túi ra để mua đá lạnh thả vào bình nước lọc để học sinh uống hạ nhiệt. Nhiều hôm cô giáo phải động viên các em ngồi học cả giờ ra chơi để kết thúc buổi học sớm, tránh tan học lúc gần trưa nắng gắt”, cô Yến cho hay.

Cô Nguyễn Thị Hoài, giáo viên lớp 7 (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, nhà trường cắt phần lớn nội dung giảm các môn Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ…; lồng ghép các nội dung môn học có điểm giống nhau để đẩy nhanh tiến độ kết thúc năm học.

Đồng thời, các cô giáo cũng đẩy nhanh tốc độ bài giảng, cho học sinh tan học sớm lúc 10h30 và ca chiều học muộn hơn từ 3h30 phút, tránh các em di chuyển lúc giữa trưa thời tiết nắng nóng.

Cô Hoài lo lắng, khi học sinh tan trường dưới thời tiết nắng nóng, tiếp xúc nhiều với ánh nắng, nếu không cẩn thận rất dễ bị phát ban, ngất xỉu, kiệt sức do cơ thể bị mất nước. Do đó, hàng ngày cô luôn nhắc nhở học sinh trang bị thêm bình nước và cố gắng uống nhiều nước khi ở trường để đảm bảo sức khoẻ.

Cô và trò ướt đẫm mồ hôi, kiệt sức vì dạy - học trong mùa hè oi bức  - 2

Học sinh tan trường vào thời điểm gần giữa trưa vô cùng nắng nóng. (Ảnh: H.C)

Để đối phó với tình trạng nắng nóng, mới đây Sở GD&ĐT Nghệ An có những điều chỉnh, hướng dẫn các bậc học hoàn thành chương trình năm học theo đúng kế hoạch

Với bậc học mầm non, Sở yêu cầu các trường lưu ý cần điều chỉnh lịch sinh hoạt hợp lý theo thời tiết, không tổ chức các hoạt động ngoài sân trường khi trời nắng nóng; không cho trẻ chơi ở sân trường khi nhiệt độ ngoài trời lên cao.

Các trường học có thể phối hợp với phụ huynh, lắp đủ quạt mát tại phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ (nếu có); đủ nước uống, nước sinh hoạt đảm bảo an toàn cho trẻ trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Đối với tiểu học, đảm bảo hệ thống phòng học có quạt mát, điều hòa…, tiếp tục duy trì dạy học 2 buổi/ngày, bán trú; thời lượng không quá 32 tiết/tuần. Với các trường không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, thì dạy học vào các buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy; thời lượng không quá 30 tiết/tuần. 

Đối với khối THCS và THPT hoàn thành chương trình theo kế hoạch học kỳ II, năm học 2019 - 2020. Các lớp 6, 7, 8, trong thời tiết nắng nóng, các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn