Cổ tích về người đàn bà lấy chồng câm điếc

Thời sựThứ Bảy, 08/02/2014 12:11:00 +07:00

Ai cũng nói rằng, với nhan sắc khá mặn mòi, chị hoàn toàn có thể tìm cho mình tấm chồng trẻ trung, khỏe mạnh, nhưng...

Ai cũng nói rằng, với nhan sắc khá mặn mòi, chị hoàn toàn có thể tìm cho mình tấm chồng trẻ trung, khỏe mạnh để làm chỗ nương tựa về sau.

Thế nhưng, bỏ qua tất cả, đám cưới của chị với người đàn ông hom hem câm điếc vẫn diễn ra vui vẻ và hạnh phúc.

Hơn 40 tuổi vẫn lẻ loi đơn chiếc, đột nhiên một ngày, chị Đậm quyết định kết hôn với một người chồng già, câm điếc trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân.
Hai vợ chồng chị Đậm hạnh phúc bên nhau. Ảnh T.G

Tình yêu nhen nhóm từ niềm cảm thông sâu sắc
Vốn là người Cần Thơ gạo trắng nước trong, mười năm trước chị Nguyễn Thị Đậm chấp nhận về làm vợ người chồng câm điếc Phan Văn Ròm ở xứ dừa (xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
Cuộc sống làm dâu xứ người của chị hệt như trong truyện cổ tích. Là vợ của người câm điếc bẩm sinh, nay ốm mai đau, chị kiêm thêm cả việc chăm sóc bố mẹ chồng hơn 90 tuổi nằm liệt giường.
Những ngày đầu làm dâu bỡ ngỡ, mọi thứ ở nhà chồng đối với chị đều quá xa lạ. Muốn trao đổi với anh nhưng chị không biết cách "giao tiếp" ra sao, may có những người bên nhà chồng lí giải tường tận cho chị.
Sinh ra ở xứ miệt vườn Cần Thơ, gia đình khó khăn nên chị Đậm chỉ được học hết lớp 5. Anh chị em trong nhà cũng lần lượt có mái ấm riêng. Vì thương cha mẹ già sống côi cút, chị quyết sống một mình mà không hề màng tới tuổi xuân thì cứ thế trôi nhanh theo năm tháng. 40 tuổi, chị chưa hề được biết đến vòng tay ấm của người đàn ông. Bạn bè ai cũng đã có gia đình, con cái khôn lớn, chị chỉ lén thở dài tự an ủi "âu cũng là cái số".
Vào một buổi chiều muộn, đứa em họ của chị đi công tác ở Bến Tre về thăm. Vui miệng, anh này kể chuyện hoàn cảnh neo người nhà ông Lợi (bố anh Ròm) cho chị nghe.
Năm ấy vợ chồng ông Lợi đều đã ngoài 80 tuổi, con cái làm ăn xa, chỉ có một người con trai ở nhà với bố mẹ nhưng lại bị câm điếc. Chị lắng nghe câu chuyện của gia đình nọ mà thấy cám cảnh.
Rồi trong một lần lên Bến Tre thăm người thân, cậu em họ đưa chị ghé thăm ngôi nhà của hai ông bà già đang đau ốm. Nhìn cảnh đứa con trai đã hơn 50 tuổi lóng ngóng bón từng thìa cháo cho cha mẹ khiến chị Đậm không khỏi chạnh lòng.
Từ ngày tận mắt chứng kiến cảnh người con trai câm điếc chăm cha mẹ già, trong lòng chị trào dâng tình thương cảm. Cũng từ đó, mỗi lần có dịp đi qua chân cầu Rạch Miễu của xứ dừa, chị không quên ghé thăm gia đình anh Ròm. Lâu dần mọi người trong gia đình anh cũng quý mến chị, người phụ nữ hiền lành, chân chất.
Mỗi khi chị Đậm tới thăm, anh Ròm luôn tỏ ra vui hơn hẳn, cứ ú ớ tay chỉ trỏ hết nơi này qua nơi khác liến thoắng, trái hẳn với sự lầm lì thường thấy ở anh mỗi ngày. Nhìn thấy cảnh người anh trai câm điếc cười vui vẻ bên chị Đậm, mọi người trong gia đình ông Lợi dù không nói ra nhưng ai cũng ao ước có được người con dâu hiền lành như vậy.
Đến năm 2002, một đám cưới tưng bừng được diễn ra, họ hàng hai bên vui mừng chúc cho đôi vợ chồng mới cưới được hạnh phúc bền lâu. Ngày chị về làm dâu xứ dừa, bạn bè hàng xóm ai cũng mắt tròn mắt dẹt khi quá bất ngờ chị Đậm lên xe hoa khi đã "toan về già" trong hoàn cảnh thật đặc biệt.
Lời thiện ý cũng có mà lời giễu cợt, bông đùa cũng không thiếu, có người ác ý còn bình phẩm vợ chồng chị chẳng khác nào "mướp tơ xào với gà què", "sao lại tự đâm đầu vào cái chỗ không ai muốn vào thế kia". Nhưng vượt lên tất cả lời dị nghị, chị vẫn về sống hạnh phúc với anh.

Hạnh phúc ngập tràn trong khốn khó

Trước khi kết duyên với chị Đậm, anh Ròm cũng đã từng trải qua một đời vợ và có một người con trai. Đứa con ấy sau khi uống nhầm phải nước Sầu đâu quá liều lượng, đã tử vong. Không còn con cái, sợi dây ràng buộc cũng hết, vợ anh bỏ đi không một lời giã biệt.
Từ đó, anh thường tìm đến rượu để giải sầu. Bao nhiêu ẩn ức không thể nói ra nên khiến anh trở thành người lầm lì, khó chịu. Thế nhưng, kể từ ngày có chị Đậm về làm vợ, anh hoàn toàn thay đổi, đôi mắt vốn khổ đau ấy giờ đây luôn ánh lên niềm vui khôn tả.
Hai năm sau, đúng lúc chị mang bầu, bệnh tình của ba chồng ngày càng nặng hơn. Di chứng của căn bệnh tai biến khiến ông Lợi không thể tự sinh hoạt. Một mình chị chăm sóc chồng, chăm sóc cha mẹ già.
Chị luôn tần tảo, đôn đáo lo toan mọi việc, đảm đương vai trò trụ cột trong nhà và là chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Một tay đẩy xe cho ba chồng, tay kia thi thoảng vén khăn lên lau dòng nước nhễ ra từ miệng của ông Lợi, chị cười hiền hậu:"Tôi cũng khỏe rồi, cứ nằm nghỉ ngơi, ai lo cho ba?".
Nhiều đêm, chị phải thức dậy nửa chừng vì những tiếng nói mê sảng của ông. Chẳng biết nói ra sao để chồng hiểu, chị đành một mình xoay xở. Cặp nhiệt độ, lấy khăn lau mát, cho ba uống thuốc, thức trắng đêm xoa bóp cho ba chồng, đưa ba đi bệnh viện, đó là công việc thường xuyên của chị.
Chứng kiến vợ một mình chạy đôn chạy đáo lo cho cha mẹ, anh Ròm cũng nhận thức được phần nào nỗi vất vả mà chị đang làm nhưng chẳng thể giúp được nhiều.
Trìu mến nhìn người chồng đang ngồi cất vỏ dừa nơi thềm nhà, chị nói: "Mỗi lần ba má bệnh nặng, tôi không có thời gian cho con ăn đúng bữa. Anh ấy ra hiệu bảo tôi cứ chăm lo cho cha mẹ, còn anh chạy đi pha cháo rồi đút từng thìa cho con ăn. Tuy không nói ra nhưng tôi biết anh rất yêu thương vợ con".
Bà Pha, hội trưởng chi hội phụ nữ Mỹ Chánh. Ảnh: T.G

Năm 2012, căn bệnh tim và xuất huyết bao tử của má chồng ngày càng nặng thêm. Chỉ sau ba tháng nằm viện, bà đã qua đời. Chị ngồi nhớ lại những ngày chăm má bệnh mà rơm rớm nước mắt. Do căn bệnh của bà phải kiêng cữ đi lại, nên ngày nào chị cũng ẵm bà đi tắm rửa.
Nhiều đêm thấy con dâu nằm ru con ngủ, bà lén ngồi dậy rồi tự mon men ra ao sau nhà giặt quần áo. Nghe tiếng bì bõm, chị vội chạy ra can ngăn. Tay dìu bà cụ lên bờ, chị nói không nên lời:
"Má để con làm cho, nửa đêm hôm má ra đây nhỡ té, con biết làm sao.Sức má còn yếu, mấy việc này có hề hấn gì đâu mà, để con làm con mới thấy vui". Bà cầm lấy tay con dâu, thều thào: "Cứ để con giặt quần áo của má, má sao nỡ. Có được con dâu như con, má an tâm đến cuối đời".
Ngày má qua đời, ba đổ bệnh nặng, không ăn uống được gì. Để có được những bữa sáng ngon bổ cho ba, chị phải dậy từ 4 giờ sáng, cầm giỏ đi chợ kiếm thức ăn tươi. Má qua đời chưa đoạn năm, ba chồng chị sau thời gian chống chọi với bệnh tật cũng đã qua đời hồi tháng 9 vừa rồi.
Ai cũng nghĩ từ nay chị đã có thể thảnh thơi bên chồng con, nhưng chỉ có chị mới hiểu sức khỏe của chồng. Nhiều đêm nhìn thấy chồng ôm bụng khóc quằn quại, lòng chị như thắt lại.
Anh bị thiếu máu tim, viêm dạ dày, viêm phổi…, dù anh không thể nói được nhưng chị vẫn cảm nhận được nỗi đau thể xác mà chồng đang chịu đựng. Sáng dậy lo bữa sáng cho anh, chị lại vội vàng đưa con trai đến trường, rồi lại quần quật đi chợ về dọn dẹp nhà cửa lo vườn tược và cất vó tôm.

Cuộc sống của họ luôn chìm trong thế giới của những ngôn ngữ không lời, tất cả chỉ được "nói" với nhau qua ánh mắt và cử chỉ. Nhưng vượt lên tất cả họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau, thân thiết, gắn bó một cách tự nhiên. Ít ai nghĩ rằng cuộc sống "câm lặng" của hai con người tìm đến nhau khi đã xế chiều lại được bền lâu như vậy. Từ khi nên vợ nên chồng, họ đã có một gia đình tràn đầy tình yêu và niềm hạnh phúc.

Được tuyên dương là con dâu hiếu thảo
Trao đổi với chúng tôi, bà Pha, hội trưởng chi hội phụ nữ ấp Mỹ Chánh 1, chia sẻ: "Chị Đậm là người con dâu hiếu thảo, người vợ tốt. Địa phương cũng đã nhiều lần tuyên dương chị Đậm bởi lòng tốt hiếm thấy của chị. Mọi người trong ấp ai cũng đều quý mến vợ chồng đôi vợ chồng đến với nhau khi đã quá tuổi này".
Bình luận
vtcnews.vn