Cổ tích đời thường của nữ sinh từng từ chối trường chuyên, giành giải Olympic

Kinh nghiệm sốngThứ Hai, 11/01/2021 12:07:18 +07:00
(VTC News) -

Trên hành trình đầy nghị lực của nữ sinh từng từ chối học trường chuyên đến giải thưởng Olympic quốc tế 2020 luôn có hình bóng của hai người mẹ.

Trong lễ tuyên dương học sinh THPT đoạt giải Olympic quốc tế năm 2020 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Thu Nga (sinh năm 2004) gây ấn tượng với đôi mắt rất sáng. Đặc biệt, câu chuyện đẹp về tình thầy trò giữa Nga và “người mẹ thứ hai” khiến nhiều người xúc động.

Thu Nga có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em luôn nỗ lực trong học tập, xuất sắc đoạt giải Khuyến khích tại Olympic Sinh học quốc tế năm 2020. Nhờ vậy, Nga vinh dự là một trong số ít học sinh được nhận bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT.

"Đây là món quà em muốn dành cho mẹ và cô giáo, hai người vất vả bao năm để chăm sóc và nuôi dưỡng ước mơ cho những đứa con", Nga tâm sự.

Vượt lên số phận

Nga sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Bố Nga mất sớm vì đột quỵ, mẹ của Nga phải nuôi 3 người con ăn học và phụng dưỡng bà ngoại. Với đồng lương công nhân ít ỏi, khoảng 4 triệu đồng/tháng, mẹ con Nga rau cháo nuôi nhau trong căn nhà cấp 4 trống tuềnh toàng.

Cổ tích đời thường của nữ sinh từng từ chối trường chuyên, giành giải Olympic  - 1

Nữ sinh Nguyễn Thị Thu Nga được cô giáo đưa về nhà sống cùng và bồi dưỡng năng khiếu môn sinh học.

Chị Trần Thị Phượng - mẹ của Nga tâm sự, mơ ước lớn nhất của chị là 3 con được học hành thành tài. Đó cũng là di nguyện của chồng chị trước khi qua đời. Chị gái Nga hiện là sinh viên Đại học Y Thái Nguyên. Mỗi lần có dịp về quê, hai chị em Nga luôn tranh thủ giúp đỡ mẹ những công việc đồng áng.

Suốt những năm học THCS, Thu Nga đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Đặc biệt, năm lớp 9, em giành giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học và được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên Sinh, trường THPT chuyên Hùng Vương.

Đợt thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia môn Sinh năm học 2018-2019, Nga là học sinh lớp 10 duy nhất tham gia và đạt số điểm cao nhất.

Trong kỳ thi Olympic quốc tế môn Sinh học năm 2020, Nga nhận được bằng khen của ban tổ chức (tương đương giải Khuyến khích). Nữ sinh Phú Thọ chia sẻ, môn Sinh học khác biệt là tích hợp nhiều kỹ năng vừa cần ghi nhớ, vừa cần sự tư duy, gắn bó với thực tế, với cơ thể con người. Những ứng dụng hữu ích của bộ môn Sinh học khiến em luôn cảm thấy hứng thú trong học tập.

Cổ tích đời thường về tình cô trò

Tuy không phải là người sinh thành và nuôi nấng Nga từ bé, nhưng cô Vũ Thị Hạnh (giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương) là người phát hiện, bồi dưỡng tố chất thiên phú của Nga ở môn Sinh học.

Cơ duyên để hai cô trò biết nhau là khi Nga đoạt giải nhất toàn tỉnh môn Sinh, được tuyển vào trường chuyên Hùng Vương. Tuy nhiên trong ngày nhập học em không xuất hiện.

Câu chuyện về một học sinh từ chối cơ hội học trường chuyên gây xôn xao trong trường. Dù không quen biết nhưng không hiểu điều gì đó cứ thúc ép cô Vũ Thị Hạnh quyết tâm tìm hiểu lý do từ chối học của cô học trò kia.

Cổ tích đời thường của nữ sinh từng từ chối trường chuyên, giành giải Olympic  - 2

Cô giáo Vũ Thị Hạnh (trái) trò chuyện cùng cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Thu Nga.

Về quê của Nga ở huyện Lâm Thao, cô Hạnh được các thầy cô trong trường THCS kể về niềm đam mê với môn Sinh học của Nga. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không thể đến học trường chuyên. Câu chuyện khiến cô Hạnh động lòng trắc ẩn và đồng cảm với hoàn cảnh của mẹ con Nga.

Cô thuyết phục Nga chuyển về nhà cô ở, tiện theo học tại trường THPT chuyên Hùng Vương.

"Tôi chỉ nói với em nếu có khó khăn gì không ở được trường thì về nhà cô, ở với cô. Ngày đầu đón Nga về, tôi chỉ nói với các con mình và tạm giấu gia đình nội, ngoại. Hơn hai năm qua tôi như có thêm một đứa con. Mẹ con, cô trò có gì ăn nấy, có gì dùng nấy. Tôi nghĩ đơn giản chia sẻ được với ai đó cũng là hạnh phúc", cô Hạnh tâm sự. 

Người mẹ thứ hai nhận xét, Nga tự tin vào khả năng của bản thân, khác hẳn những học trò mà cô từng bồi dưỡng. Đó là điều cô Hạnh luôn đặt dấu hỏi và nghĩ mãi không thôi: "Liệu sự tự tin ấy có đến từ một nội lực dồi dào, đặc biệt không?"

Vào lớp 10, cô Hạnh bố trí cho Nga học lớp bồi dưỡng cùng những bạn chuẩn bị lên lớp 12. Tuy chưa được học kiến thức mới ở bậc THPT nhưng Nga tiếp thu nhanh, có trí nhớ rất tốt. Cô giao cho Nga tài liệu, yêu cầu trong ba ngày phải đọc và viết những gì hiểu được ra vở.

Sau ba ngày, Nga gửi lại bài tập, tuy viết chưa tốt nhưng khả năng ghi nhớ kiến thức, khả năng suy luận rất tốt. Là người có kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, từng có học sinh dự thi quốc tế, cô Hạnh nhận ra ngay sự khác biệt và tài năng của Nga. 

Với những trường hợp đặc biệt phải áp dụng cách dạy đặc biệt, nhất là khi cần phải "đốt cháy giai đoạn", và Nga là trường hợp như thế. Nga được cô giao tiếp cận luôn đề thi quốc tế và bắt đầu làm từ cao xuống thấp, mắc ở đâu giải quyết ở đó. Cô và trò cứ như vậy, miệt mài "lội ngược dòng" với thời gian học hơn 10 tiếng/ngày. 

Cổ tích đời thường của nữ sinh từng từ chối trường chuyên, giành giải Olympic  - 3

Nguyễn Thị Thu Nga (thứ 3 từ trái sang) nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại lễ tuyên dương học sinh THPT đoạt giải Olympic quốc tế năm 2020.

Năm đầu tiên "bén duyên" với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Nguyễn Thị Thu Nga đoạt giải nhì. Em tham gia thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc tế và là trường hợp đầu tiên lọt vào vòng 2 khi chỉ là học sinh lớp 10. Nhưng năm đó Nga chỉ dừng lại ở vòng 2. 

Lớp 11, Nga tiếp tục đạt giải nhì chọn học sinh giỏi quốc gia và lọt vào top 4, trở thành thành viên đội tuyển thi Olympic quốc tế Sinh học.

Dù chỉ đạt giải khuyến khích Olympic quốc tế nhưng theo các thầy cô bồi dưỡng đội tuyển, Nga là học sinh có tiềm năng. Năm nay, em sẽ được đặc cách không thi vòng 1 và vào thẳng vòng 2 chọn đội tuyển quốc tế.

Tương lai, Nga lựa chọn theo học Đại học Y Hà Nội. Hiện Nga đủ điều kiện để được tuyển thẳng vào trường nhưng em sẽ bảo lưu kết quả này để tập trung ôn luyện cho kỳ thi Olympic Sinh học 2021 và hoàn thành chương trình học lớp 12.

Nga mong muốn trở thành bác sĩ giỏi, hiện thực hóa ước mơ chữa bệnh cho mọi người, trong đó có bệnh đau dạ dày của mẹ và bệnh đau đầu của cô giáo.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn