Cơ quan chức năng giúp nhiều nhãn hiệu rượu trốn thuế?

Kinh tếThứ Hai, 05/05/2014 02:50:00 +07:00

Cửa hàng, quán ăn đang tràn ngập các loại đồ uống đóng chai được ghi là “Thực phẩm chức năng” nhưng có nồng độ cồn lên tới 35%.

Cửa hàng, quán ăn đang tràn ngập các loại đồ uống đóng chai được ghi là “Thực phẩm chức năng” nhưng có nồng độ cồn lên tới 35%.

Thực phẩm chức năng có... nồng độ cồn 35%

Thời gian gần đây, xuất hiện một số loại đồ uống được tiếp thị tận tay tại các cửa hàng, dịch vụ ăn uống thông qua các hình thức bán, ký gửi tại cửa hàng, hay sử dụng hệ thống các tiếp thị viên (PG) đến mời chào ngay tại bàn ăn của khách hàng.

Điều đặc biệt, những loại đồ uống này được ghi trên nhãn, bao bì là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung…nhưng lại có độ cồn 33%, thậm chí là 39-40%.

Những loại đồ uống này được các nhân viên, tiếp thị viên quảng cáo là rượu thuốc, rượu bổ… với nhiều hương vị khác nhau như: táo mèo, ba kích, rượu nếp nương , rượu thuốc bắc...

Các loại “thực phẩm chức năng - rượu” này có mẫu mã rất đẹp và bắt mắt, được đóng trong các chai thủy tinh hoặc chai nhựa cứng, có dán nhãn, dán tem đoàng hoàng, mùi vị được cho là khá đặc trưng và được bán với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/chai .

rượu
Một sản phẩm rượu mang nhãn mác thực phẩm chức năng không cần tem rượu, không cần nộp thuế tiêu thụ đặc biệt?  
Theo quan sát của PV, trên nhãn mác của các sản phẩm này được ghi rõ khá rõ ràng và đầy đủ dòng chữ “Thực phẩm chức năng” và “rượu” , người tiêu dùng có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường.

Như vậy, nhiều hãng sản xuất hiện nay đang đánh đồng giữa hai mặt hàng “Thực phẩm chức năng” và “rượu” để lừa người tiêu dùng hòng lách luật, có khả năng trốn thuế của nhà nước.

Theo quy định, rượu bia được xếp vào mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, đánh thuế 50% trở lên (chưa kể 10% VAT), trong khi đó Thực phẩm chức năng chỉ phải chịu 10% VAT theo quy định của Nhà nước từ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Có loại rượu càng uống nhiều… càng bổ?

Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng (VAFF), thực phẩm chức năng là thực phẩm (hay sản phẩm) có tác dụng hỗ trợ ( phục hồi, duy trì hoặc tăng cường) chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Thực phẩm chức năng sử dụng thường xuyên, liên tục, không có tai biến và tác dụng phụ.

Khi thắc mắc với nhân viên tiếp thị những mặt hàng này về dòng chữ “Thực phẩm chức năng” trên chai thì được nhân viện giải thích: “Rượu này là loại thuốc, uống vào mát gan rất tốt cho cơ thể…”.

Theo tìm hiểu của PV, một nhà sản xuất mặc dù trên chai có ghi nồng độ cồn đạt 33% nhưng sản phẩm này vẫn được giới thiệu: “Đạt được vị êm dịu và thơm ngon, nguyên liệu rượu lại được chưng cất nhiều lần, liên tiếp trước khi đưa vào ngâm chiết với các thảo dược giúp bổ gan, bổ thận, tăng tuần hoàn trong 12 tháng”.

Lời giới thiệu này khiến cho nhiều người không khỏi giật mình, gợi trí tò mò bởi chưa bao giờ nghe thấy có loại rượu uống vào sẽ mát gan, tốt cho cơ thể.

Không những thế, lời quảng cáo còn hoàn toàn trái ngược với khuyến cáo của Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khi nói rằng: Không nên uống quá nhiều rượu có nồng độ cồn từ 30% trở lên bởi dễ gây ngộ độc, nóng gan dẫn đến viêm, sơ gan.

Nhiều chuyên gia y tế đã khẳng định, không có loại rượu nào càng uống càng tốt cho cơ thể, đặc biệt là tốt cho gan. Bởi rượu là thức uống có cồn, nếu nồng độ cồn càng cao thì gan phải làm việc càng nhiều để đào thải chất độc từ rượu. Nếu uống nhiều dẫn đến ngộ độc, có thể tử vong.

Theo Trần Quân - Việt Thành/Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn