Cổ phiếu OGC đổi vận

Kinh tếThứ Tư, 14/01/2015 08:04:00 +07:00

Những đồn đoán về kế hoạch sáp nhập của Ocean Bank khiến cổ phiếu OGC đổi vận, đảo chiều tăng trần trong phiên giao dịch ngày 13/1.

(VTC News) – Những đồn đoán về kế hoạch sáp nhập của Ocean Bank khiến cổ phiếu OGC đổi vận, đảo chiều tăng trần trong phiên giao dịch ngày 13/1.

Sáp nhập ngân hàng là một trong những đề tài nóng trên thị trường tài chính. Trong năm 2015, nhà đầu tư tin rằng ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) sẽ “kết hôn” với một ngân hàng nhỏ hơn. Ban đầu, Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) rầm rộ công bố kế hoạch “về một nhà” với Vietinbank. Tuy nhiên, chính PGBank sau đó đã rút kế hoạch này.

Vì vậy, thị trường tài chính vẫn “đoán già đoán non” về ngân hàng bí mật này.

sáp nhập
Thông tin Ocean Bank có thể sáp nhập Vietinbank giúp OGC tăng trần 

Dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định đây chưa phải thông tin chính thức nhưng cả Vietinbank và Oceanbank đều được hưởng lợi từ những đồn đoán sáp nhập. Trong đó, Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (OGC), “cha đẻ” của OceanBank là đơn vị gặt hái được nhiều thành tựu hơn cả.

Sau 4 phiên giảm khá sâu, OGC bất ngờ đảo chiều tăng trần. Chốt phiên 13/1, OGC tăng 400 đồng/CP lên 6.400 đồng/CP. Khối lượng giao dịch rất cao, đạt gần 8,7 triệu đơn vị. Trong phiên giao dịch, có thời điểm dư mua trần đạt hơn 700.000 đơn vị.

OGC tăng trần giúp vốn hóa thị trường của Ocean Group có thêm 120 tỷ đồng lên 1.920 tỷ đồng. Nhà đầu tư đang vào “cuộc đua trần” OGC.

Anh Nguyễn Thế Hùng, nhà đầu tư trên sàn Tân Việt nhận xét: “OGC đã giảm khá sâu. Giới đầu tư tin rằng khi mất mốc 6.000 đồng, OGC sẽ bật dậy mạnh. Ngày 12/1, OGC giảm xuống 6.300 đồng/CP. Vì vậy, ngưỡng quan trọng đang đến rất gần”.

Không chỉ OceanBank, Ocean Group được thông tin sáp nhập hỗ trợ. “Ông lớn” Vietinabank cũng nhận được nhiều tác động khả quan. Cùng với BID, cổ phiếu CTG của Vietinbank là hai mã ngân hàng ít ỏi đã có thời điểm tăng trần trong phiên 13/1.

Mặc dù hạ nhiệt cuối phiên nhưng CTG vẫn duy trì được đà tăng ấn tượng khi có thêm 800 đồng/CP và dừng ở mức 15.500 đồng/CP, chỉ thấp hơn giá trần 200 đồng/CP. CTG đi lên giúp vốn hóa thị trường Vietinbank tăng 2.979 tỷ đồng lên 57.713 tỷ đồng.

Cổ phiếu BID của ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển BIDV thậm chí còn đi lên ấn tượng hơn CTG. BID tăng 900 đồng/CP lên 16.400 đồng/CP, chỉ thấp hơn giá trần 100 đồng/CP. Nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay mua vào BID. Vốn hóa thị trường của BIDV tăng 2.530 tỷ đồng lên 46.104 tỷ đồng.

Ngày 12/1, thông tin về khả năng sáp nhập của 3 ngân hàng lớn là Vietinbank, BIDV và Vietcombank hé lộ. Theo Reuters, Vietcombank có thể sáp nhập với ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank).

Trong khi, CTG và BID tăng mạnh, cổ phiếu VCB của Vietcombank lại kém may mắn hơn khi đi lùi. Chốt phiên 13/1, VCB giảm 200 đồng/CP xuống 37.000 đồng/CP.

VCB khiến giá trị thị trường của Vietcombank giảm 533 tỷ đồng xuống 98.606 tỷ đồng. Vietcombank vẫn là ngân hàng lớn nhất Việt Nam nếu xét theo vốn hóa thị trường.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn