Cổ phiếu Mỹ lập kỷ lục ngày cuối năm

Tài chínhThứ Sáu, 01/01/2021 13:10:51 +07:00

Thị trường cổ phiếu Mỹ khép lại năm 2020 ở mức cao kỷ lục, khiến người giàu có càng giàu hơn, bất chấp đại dịch làm hàng triệu người mất việc và thiếu thực phẩm.

Chỉ số S&P 500 tăng 16% trong năm 2020. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số Nasdaq thiên về ngành công nghệ tăng lần lượt 7,25% và 43,6%. Dow và S&P 500 đang ở mức kỷ lục.

Sự vực dậy của Phố Wall trong năm 2020, sau giai đoạn tụt giảm ngắn thời đầu dịch, có nhiều nguyên nhân: gói cứu trợ lớn nhất lịch sử, hỗ trợ từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed), và kỳ vọng kinh tế sớm trở lại nhờ vaccine.

Giới đầu tư không tính đến những khó khăn mà khối kinh doanh nhỏ và người lao động đang trải qua, bao gồm phải đóng cửa và tình trạng thất nghiệp diện rộng. Năm 2020 khép lại với gần 20 triệu người đang thất nghiệp - còn tệ hơn khủng hoảng 2008-2009.

Cổ phiếu Mỹ lập kỷ lục ngày cuối năm - 1

Một người buôn bán cổ phiếu giơ ngón cái khi tới sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 26/5/2020. (Ảnh: AP)

 

Cao kỷ lục bất chấp 20 triệu người thất nghiệp

Các nhà đầu tư tập trung vào tương lai, thay vì hiện tại. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ tăng trưởng 5,9% trong năm 2021, và tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán giảm xuống 5%. Lợi nhuận của doanh nghiệp được dự đoán tăng vọt trong nửa sau của năm.

Thị trường chứng khoán đa phần là những người ở tầng trên của xã hội. Họ không chịu thiệt hại (vì đại dịch). Họ đọc về đại dịch, chứ họ không phải cảm nhận nó”, David Kotox, người sáng lập công ty tư vấn Cumberland Advisors, nói với Washington Post.

Những gì họ cảm nhận được là ngược lại: năng suất làm việc tăng đáng kể nhờ Zoom, và cuộc sống thường ngày trở nên thuận tiện hơn”.

Tổng thống Trump luôn tự khen mình về thị trường chứng khoán, ông đã tweet 50 lần về thị trường chứng khoán tăng điểm năm 2020 và dự đoán “tụt giảm lớn” nếu ông Biden đắc cử. Nhưng khi ông Biden đắc cử, thị trường chứng khoán lại tăng thêm vì sự ổn định mà ông Biden sẽ mang lại.

Dù vậy, ông Biden nhấn mạnh “thị trường cổ phiếu không đồng nhất với nền kinh tế”.

 

Khủng hoảng gần như đã qua đối với những người giàu từ mùa hè. Họ giữ được công việc nhờ làm từ xa, và còn tiết kiệm được tiền vì không ra ngoài nhiều. Tổng tiền tiết kiệm hộ gia đình của Mỹ tăng hơn 1.000 tỷ USD năm nay. Các kinh tế gia dự đoán một phần tiết kiếm đó sẽ được chi tiêu trong năm sau, tạo động lực mới.

Trái lại, người lao động lương thấp bị mất việc, và số việc làm của họ hiện vẫn thấp hơn mức trước đại dịch khoảng 20%.

Sự phục hồi kinh tế đang có hình chữ “K”, tức người giàu đi lên, còn người nghèo đi xuống. Những người làm việc có thu nhập cao gần như không còn tình trạng thất nghiệp từ 6 tháng nay, còn những người thu nhập thấp vẫn đang thiếu hụt hàng triệu việc làm, theo John Friedman, nhà kinh tế của Đại học Brown.

Vẫn tồn tại nhiều rủi ro

Dù thị trường cổ phiếu tăng cao, có nhiều dấu hiệu cảnh báo cho năm sau. Chẳng hạn, cổ phiếu đang được định giá cho tương lai, cho kịch bản hoàn hảo của năm 2021. Nhưng nếu thực tế bị chệch hướng, nhà đầu tư có thể “đổi ý” và tình hình sẽ thay đổi rất nhanh. Rủi ro vẫn còn đó: việc triển khai vaccine có thể gặp vấn đề, hoặc biến chủng mới của virus có thể xuất hiện.

Chúng ta đang ở trong một thí nghiệm lớn. Chúng ta không biết ngày ‘bế mạc’ của virus là khi nào”, Diane Swonk, kinh tế gia trưởng của công ty kiểm toán và tư vấn Grant Thornton, nói với Washington Post.

Ngoài ra, thị trường đang do một vài cổ phiếu “ngôi sao” chiếm lĩnh. Ba gã khổng lồ công nghệ - Apple, Amazon và Microsoft - góp vào hơn nửa mức tăng của S&P 500 trong năm nay.

Lần cuối chúng ta nhìn thấy việc dựa hẳn vào ngành công nghệ như vậy là vào giai đoạn cuối của bong bóng công nghệ - đây là điều rất đáng lo ngại”, Sam Stovall, chiến lược gia cổ phiếu Mỹ và nhà sử học về cổ phiếu ở công ty nghiên cứu CFRA Research, nói với Washington Post.

Giới đầu tư đang lạc quan khi Fed cam kết giữ lãi suất thấp một thời gian dài, vốn sẽ thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp. Quốc hội cũng đã mạnh tay, khi thông qua tổng cộng 3.500 tỷ USD cứu trợ trong năm nay - lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Nhưng đợt cứu trợ mới nhất sẽ hết hạn vào tháng 3-4 đối với những người mất việc và doanh nghiệp nhỏ, trước khi vaccine được triển khai đủ rộng để khiến người dân tin tưởng, ra ngoài.

Một lo ngại khác là thiệt hại mà doanh nghiệp nhỏ đang phải gánh chịu. Khoảng 4 triệu doanh nghiệp nhỏ đóng cửa năm 2020 - càng làm trầm trọng hơn một xu hướng nhiều năm nay: người Mỹ ngày càng làm việc nhiều cho công ty lớn thay vì doanh nghiệp nhỏ.

Gary Cohn, một cựu giám đốc của Goldman Sachs và cố vấn cao cấp của ông Trump, cảnh báo rằng chỉ số cổ phiếu đang cao vì các tập đoàn lớn đang hưởng lợi từ thiệt hại của doanh nghiệp nhỏ.

Khi một doanh nghiệp nhỏ đóng cửa, một tập đoàn lớn vào chiếm lấy khoảng trống”, ông viết trên Twitter. “Thị trường cổ phiếu tiếp tục phản ánh tập đoàn lớn giành thêm thị phần trong đại dịch”.

Cuộc sống có thể trở lại bình thường trong năm sau, nhưng vẫn chưa rõ liệu việc làm cho người lao động thu nhập thấp có thể trở lại nhanh chóng hay không. Nhất là khi một số công ty thấy rằng doanh số vẫn tăng dù chưa tuyển dụng lại toàn bộ lực lượng nhan viên.

Nếu chỉ một vài người giàu đang chi rất nhiều tiền hơn trước, nhưng rất nhiều người nghèo phải chi tiêu tằn tiện, thì nền kinh tế tổng thể có thể vẫn bình thường. Nhưng thực ra, rất nhiều người đang chật vật”, ông Friedman, giáo sư Đại học Brown, nói với Washington Post.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp