Cổ phần được vét hết, Vietnam Airlines thu về 1.000 tỷ

Kinh tếThứ Sáu, 14/11/2014 03:00:00 +07:00

(VTC News) – Trong phiên IPO của Vietnam Airlines, tất cả cổ phần được gom sạch, Vietnam Airlines thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

(VTC News) – Trong phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), tất cả cổ phần được gom sạch, Vietnam Airlines thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Bán hết cổ phần

Sáng 14/11, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã diễn ra thành công. Tất cả cổ phần Vietnam Airlines chào bán đều được nhà đầu tư mua hết.

Cụ thể, trong phiên IPO, Vietnam Airlines chào bán 49.009.008 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), tương đương 3,475% vốn điều lệ của hãng với giá khởi điểm 22.300 đồng/CP. Mức giá này được các công ty chứng khoán đánh giá là hợp lý.

Kết quả, đã có 1.608 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá. Trong đó có 1.606 nhà đầu tư cá nhân và chỉ 2 nhà đầu tư tổ chức. Nhưng 2 tổ chức mua hơn 90% cổ phần đươc chào bán lần này. Được biết một trong 2 tổ chức đó là Techcombank.

Techcombank đã mua thành công 25.760.000 cổ phần, chiếm 52% số cổ phần đấu giá và tương đương 1,82% cổ phần của Vietnam Airlines.

vietnam airlines
Phiên IPO của Vietnam Airlines diễn ra thành công 

Giá đấu giá bình quân là 22.307 đồng/CP cao hơn 7 đồng so với giá khởi điểm. Trong đó, giá đặt cao nhất là 223.000 đồng/CP; giá đặt thấp nhất là 22.300 đồng/CP.

Với mức giá này, Vietnam Airlines đã thu về được 1.093.2 tỷ đồng. Số tiền này sẽ “ở lại” Vietnam Airlines với tư cách phần góp vốn của Nhà nước.

Giá 22.307 đồng có quá cao?

Với 22.307 đồng/CP, giá đấu giá bình quân của Vietnam Airlines cao hơn giá của các đợt IPO gần đây của nhiều công ty khác. Tuy nhiên, công ty chứng khoán FPTS cho rằng đây không phải mức giá cao và nhà đầu tư không mua “hớ”.

FPTS nhận định so với mức giá khởi điểm là 22.300 đồng/CP, kết quả định giá của FPTS cho ra mức giá hợp lý 24.000 đồng/CP.

FPTS nhận thấy rằng, dù mức độ cạnh tranh đang ngày càng gia tăng, triển vọng về trung và dài hạn của Vietnam Airlines là tương đối lạc quan dựa vào: lợi thế vốn có về quy mô và vị thế; kế hoạch hợp lý về đầu tư, mở rộng thị trường và quản lý chi phí; tiềm năng thị trường nội địa và khu vực.

Trong ngắn hạn, FPTS đánh giá xu hướng giảm mạnh của giá dầu là tác nhân chính giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận. Tuy nhiên FPTS khuyến nghị nhà đầu tư cũng cần cân nhắc đến những rủi ro đặc thù của ngành vận tải hàng không, vốn rất nhạy cảm với những biến động về kinh tế - chính trị - xã hội trên phạm vi quốc gia và

“Tuy dưới góc độ ngắn hạn, cổ phiếu của Vietnam Airlines chưa thật sự hấp dẫn, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy” – FPTS phân tích.

Vietnam Airlines có quá lạc quan?

Trong kế hoạch kinh doanh 2014 – 2018, Vietnam Airlines đã đề ra mức tăng trưởng khá cho các chỉ tiêu hoạt động.

Về doanh thu: Vietnam Airlines đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu cho giai đoạn 2013-2018 trung bình 15,8%/năm, xấp xỉ tốc độ tăng doanh thu của giai đoạn 2008-2013. FPTS cho rằng việc duy trì mức tăng trưởng này cho giai đoạn tiếp theo là không dễ dàng do môi trường cạnh tranh ngành đang ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Tuy nhiên, FPTS đánh giá việc đạt được mức tăng trưởng khoảng 9-10% trong giai đoạn tới là khả thi, xấp xỉ mức tăng trưởng chi tiêu đi lại hằng năm tại Việt Nam (nội địa, đi/đến Việt Nam) theo Oxford Economics.

Về lợi nhuận: Doanh nghiệp khá lạc quan khi kỳ vọng biên lãi hoạt động sẽ cải thiện từ mức 2,2% năm 2013 lên đến mức 4,7% năm 2015 (nâng hạng 4 sao) và 7,3% năm 2018 (nâng hạng 5 sao).

Để có thể dễ so sánh, FPTS nhận thấy biên lãi hoạt động trong năm 2013 của các hãng hàng không 4 sao chỉ đạt khoảng 1,5% (China Southern, Garuda Indonesia), các hãng 5 sao như Singapore Airlines chỉ đạt 2,05% và Cathay Pacific đạt 3,74%.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn