Có nước, sao Hỏa sẽ thành ngôi nhà thứ hai của con người?

Kinh tếThứ Tư, 30/09/2015 07:15:00 +07:00

Sao Hoa co nuoc - Sau khi công bố về sự xuất hiện của nước trên sao Hỏa, nhiều câu hỏi đặt ra là hành tinh này có thể sẽ thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 không

(VTC News) - Sau khi công bố về sự xuất hiện của nước trên sao Hỏa, nhiều câu hỏi đặt ra là hành tinh đỏ băng giá này sẽ thực sự có thể trở thành ngôi nhà thứ hai của con người?

Công trình tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa của loài người đã tiến được một bước quan trọng để gần đích hơn, sau khi NASA công bố một "khám phá khoa học quan trọng", đó là sao Hỏa có nước.


Theo Daily Mail, NASA đã xác nhận rằng, những hình ảnh chụp từ tàu Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) - Tàu Quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa đã cho thấy sự xuất hiện của những 'những ngón tay đen tối" có khả năng di chuyển ở trên hoặc dưới bề mặt của hành tinh này.

Những vệt đen kéo dài và màu tối xuất hiện ở một số địa điểm trên sao Hỏa khi nhiệt độ vào khoảng -23 độ C, và biến mất khi nhiệt độ giảm xuống.

Bằng cách nghiên cứu bằng sóng hồng ngoại, các nhà nghiên cứu tin rằng các dấu hiệu này có khả năng xuất phát từ việc nước chảy ở dạng lỏng hoặc nước mặn chảy ra do sự tan rữa (chảy nước) của muối.
Những ngón tay đen tối xuất hiện khi nhiệt độ ấm lên và biến mất khi nhiệt độ lạnh đi
Những "ngón tay đen tối" xuất hiện khi nhiệt độ ấm lên và biến mất khi nhiệt độ lạnh đi 
Hình ảnh chụp 3D những dòng nước chảy ra
Hình ảnh 3D chụp những dòng nước chảy ra từ một miệng núi lửa trên sao Hỏa
Đây là hiện tượng lần đầu tiên được nhìn thấy ở trên một hành tinh khác ngoài Trái đất, và thậm chí có thể có cả một đại dương nằm bên dưới bề mặt của hành tinh "sa mạc băng giá" này.


Phát hiện đã được công bố trên tạp chí Nature Geoscience và được công bố ngay tại buổi cuộc họp báo tại trụ sở NASA, Washington vừa qua.

"Đây là một bước tiến đáng kể, vì nó xuất hiện để chứng minh rằng nước - dù là nước muối nhưng đang chảy ngày hôm nay, ngay trên bề mặt của sao Hỏa", theo John Grunsfeld, nhà phi hành gia và nhà quản trị khoa học chỉ đạo nhiệm vụ của NASA ở Washington.

Giả thuyết về đại dương 1,5 tỷ năm tuổi của sao Hỏa

Đầu năm nay, các nhà khoa học cũng đã từng đưa ra một giả thuyết về việc sao Hỏa có nước, cho rằng hành tinh này đã chứa một lượng nước lớn hơn cả lượng nước ở khu vực Bắc Băng Dương của Trái đất hiện nay.

Các nhà nghiên cứu khoa học tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland chính là những người đầu tiên đưa ra những dự đoán về lượng nước trong quá khứ của sao Hỏa.

Họ
ước tính rằng, sao Hỏa đã từng chứa một lượng nước đủ để bao phủ toàn bộ bề mặt hành tinh bằng một đại dương sâu khoảng 137 mét, với khoảng 20 triệu km khối nước
Hình ảnh mô phỏng sao Hỏa có nước cách đây 3,7 - 4,1 tỷ năm
Hình ảnh mô phỏng sao Hỏa có nước cách đây 3,7 - 4,1 tỷ năm 
Nhiều khả năng, lượng nước này đã tạo thành một đại dương "chiếm đóng" ở khu vực bán cầu bắc của sao Hỏa, bao phủ khoảng 20% diện tích về mặt hành tinh, trong đó sẽ có những quãng nước sâu tới khoảng 1,6 km.

Tuy nhiên sau đó, tức cách đây khoảng 3,7 -4,1 tỷ năm trước, do biến đổi khí hậu, bầu khí quyển của sao Hỏa bị mỏng đi, cộng thêm với việc trọng lực thấp đã khiến cho 87% lượng nước ở đây bốc hơi ra thẳng ngoài không gian, thay vì tụ lại thành mây rồi sau đó rơi xuống như mưa ở Trái đất.

Còn 13% lượng nước còn lại thì nằm "ẩn" ở trong các tảng băng. Đặc biệt chỏm băng Bắc cực ở sao Hỏa cũng đã được phát hiện trên hành tinh này vào khoảng gần 40 năm trước, và mô hình xói mòn trên bề mặt của nó cho thấy khả năng sông và đại dương có thể đã từng tồn tại ở đó trong những năm đầu hình thành.

Từ những dữ liệu trên, các nhà khoa học đã đưa ra một kết luận là sao Hỏa có thể đã có nước từ rất sớm, có nghĩa là nó đã có sự sống từ lâu hơn cả so với những gì chúng ta tưởng tượng.

Quãng thời gian tồn tại nước trên sao Hỏa có thể đã kéo dài trong khoảng 1,5 tỷ năm, nhiều hơn cả so với khoảng thời gian cần thiết để sự sống phát triển trên Trái đất.

Vậy sự sống có tồn tại trên sao Hỏa hay không?

Việc tìm kiếm bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của nước lỏng trên sao Hỏa là cách tốt nhất để các nhà nghiên cứu có thể chứng minh sự sống có thể đã từng một lần tồn tại, hoặc chưa từng bao giờ tồn tại, hoặc có thể đây là hành tinh sinh sống của người ngoài vũ trụ.

Các nhà khoa học cho biết, chứng nhận sao Hỏa có nước lần này có khẳng định được việc đã từng có sự sống trên sao Hỏa hay không, thì vẫn cần có thêm thời gian, sau khi họ tiến hành nghiên cứu so sánh các dữ kiện thu thập được so với những dữ kiện tương đồng ở sa mạc Atacama.

Cụ thể, trong điều kiện khô cằn của sa mạc Atacama ở Nam Mỹ, khả năng của muối hấp thụ nước từ không khí - được biết đến như việc muối bị chảy nước đã cung cấp "nơi trú ẩn" cho các loài vi khuẩn sống sót.

Do đó, các chuyên gia sẽ khám phá các khu vực tồn tại muối ở sao Hỏa theo chiều sâu, tức sẽ đào sâu ở các khu vực này, lấy mẫu rời và phân tích chúng từ các hợp chất hữu cơ.

Các nhà khoa học cho rằng, nếu có dấu hiệu tồn tại vi khuẩn, vi sinh trong các mẫu này thì khả năng có sự sống có thể sẽ cao hơn nữa. Và sẽ còn hay hơn nếu chứng minh được rằng các mẫu muối này đã ngậm nước từ một nguồn chất lỏng có thật.
Hình ảnh minh họa muối ngậm nước (chảy nước) trên sao Hỏa
Hình ảnh minh họa quá trình muối bị ngậm nước (chảy nước) do hấp thụ từ không khí trên sao Hỏa 
"Thực tế muối ngậm nước (chảy nước) có nghĩa là có sự hiện diện của phân tử nước trong cấu trúc của chúng. Và xác định được có nước lỏng trên sao Hỏa sẽ là dữ kiện trung tâm để trả lời cho câu hỏi sự sống có tồn tại trên hành tinh này hay không", các nhà nghiên cứu cho biết.

Vì vậy, sau công bố của NASA, chưa có khẳng định nào cho việc sự sống có thể đã, đang và sẽ tồn tại trên hành tinh đỏ, mà chỉ có những hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ chứng minh được giả thuyết này và tìm cách để sao Hỏa có thể trở thành ngôi nhà mới của con người trong tương lai.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn