Có núi tiền, Việt Nam cũng khó ẵm giải Nobel

Giáo dụcThứ Bảy, 08/10/2011 06:26:00 +07:00

(VTC News) – GS. TSKH Nguyễn Ái Việt cho rằng: “Nếu bây giờ có một núi tiền rơi xuống thì Việt Nam cũng chưa thể có ngay giải Nobel".

(VTC News) – Đã 110 năm lịch sử giải Nobel chưa một lần gọi tên Việt Nam. Lý do không hẳn vì chúng ta nghèo. GS. TSKH Nguyễn Ái Việt cho rằng: “Nếu bây giờ có một núi tiền rơi xuống thì Việt Nam cũng chưa thể có ngay giải Nobel".

Cứ mỗi mùa trao giải Nobel đến, không chỉ có cộng đồng khoa học Việt Nam mà nhiều người dân thường cũng chú ý đến các phần thưởng danh giá này được trao cho ai, quốc tịch nào. Nhưng hơn 110 năm nay, chưa giải thường nào trong số này thuộc về nước ta. Nguyên nhân vì đâu?

 

Nếu một núi tiền rơi xuống…

GS. TSKH Nguyễn Ái Việt là một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Vật lý chất rắn và Vật lý sinh học. Ông cũng có dành thời gian để tìm hiểu về các giải Nobel. Theo ông, những lý do như kinh tế nước ta mới phát triển, trình độ nghiên cứu khoa học còn non, đầu tư vào khoa học kém…nên Việt Nam chưa có giải Nobel đều đúng cả.

Các nhà khoa học cần tự do trong nghiên cứu. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. 


“Nhưng nếu bây giờ có một núi tiền rơi xuống Việt Nam thì cũng chưa thể có ngay giải Nobel ngay được” – GS Việt khẳng định.

Bởi vì để có được những phát minh tầm cỡ giải Nobel, đất nước đó phải có một nền tảng và môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi, các nhà khoa học phải được tự do trong thế giới nghiên cứu của họ.

“Cái gì cũng phải có quá trình. Như nhiều nước có mỏ dầu lớn, GDP cao nhưng đã đạt giải Nobel đâu. Nếu nói có nhiều tiền phải có giải Nobel thì cũng giống như chúng ta đưa giấy và bút cho các nhà văn và bắt họ phải ra được tác phẩm đạt giải quốc tế. Nhưng đâu có đơn giản như vậy, vì tác phẩm văn học mà hay phải có vốn sống, điều kiện lịch sử, tài năng của người viết nữa…” – một nhà khoa học khác của viện Vật lý phân tích.

Khoa học không thể “ăn xổi”

“Các công trình đạt giải Nobel phải có ý nghĩa khoa học lớn, làm thay đổi tư duy, mở ra con đường lớn để tiếp tục khai phá khoa học” – GS.TSKH Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hoá học, viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định.

Để có được điều đó, theo GS Trần Văn Sung, các nhà khoa học phải giỏi và cực kỳ đam mê khám phá cái mới, có thể làm việc ngày đêm trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu cả đời mình…may ra mới có được phát minh lớn. Những loại máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu phải hiện đại nhưng ở nước ta vẫn còn lạc hậu.

Nhiều trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm của Việt Nam còn lạc hậu. Ảnh chụp tại viện Hoá học ngày 10/7/2011.  

Tuy nhiên, bước cản lớn nhất để khó cho ra những phát minh lớn, theo nhiều nhà khoa học Việt Nam, là vì chúng ta thường đầu tư “ăn xổi”, ngắn hạn.

“Để có một công trình nghiên cứu sâu và tầm cỡ, người ta có khi phải làm 20 năm hoặc nhiều hơn. Các nước phát triển đều cho phép đầu tư dài như vậy. Còn chúng ta thì chỉ cho đầu tư những công trình nghiên cứu ngắn hạn. Cứ 1 – 3 năm là phải báo cáo kết quả. Nếu đề tài nào trùng lặp nhưng có hướng đi khác cũng không được cấp kinh phí” – phó Viện trưởng viện Công nghệ sinh học, ông Trần Đình Mấn nêu điểm hạn chế trong chính sách đầu tư khoa học của nước ta.

Theo GS Trần Văn Sung, với cách đầu tư ngắn hạn như vậy, chúng ta chỉ tạo ra những sản phẩm giống những “con cá thầu dầu bé nhỏ”, chứ không làm được những nghiên cứu có ảnh hưởng lớn.

Mặt khác trong quá trình nghiên cứu, khi nảy sinh nhiều vấn đề mới, các nhà khoa học cần phải điều chỉnh mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên điều này là rất khó vì phải xét duyệt lên – xuống phức tạp. Việc yêu cầu có kết quả sau 1 – 3 năm, trong khi thực tế có thể chưa thu được gì, có thể khiến các nhà khoa học phải “đối phó”, nên đã gây ức chế cho họ - GS Trần Văn Sung phân tích.

Theo ông, ở các nước tiên tiến, người ta giao “một cục tiền” cho chủ nhiệm các đề tài, để người này tự quyết định việc chi tiêu trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, những nhà quản lý sẽ  kiểm soát chặt kết quả - đầu ra và bắt buộc sau thời gian dài làm việc phải có “sản phẩm”. Nếu không như mục tiêu ban đầu thì phải giải trình.

Do vậy GS Trần Văn Sung đề xuất, Nhà nước phải ủng hộ ý tưởng khoa học dài hơi của những nhóm khoa học mạnh thực sự, và phải có cơ chế đầu tư lâu dài, thì mới có được những công trình tầm vóc lớn.

Việt Nam có thể đạt giải Nobel

GS Trần Văn Sung cho rằng, về trí thông minh, người Việt Nam không thua thế giới. Nên nếu Nhà nước phát hiện được các tài năng trẻ, cho đi đào tạo ở nước ngoài. Sau đó họ được làm việc ở những môi trường thuận lợi, ở những ngành mũi nhọn thì chúng ta có thể sẽ có người đạt giải Nobel trong tương lai.

 

Sẽ xem xét thay đổi cơ chế đầu tư khoa học

Trao đổi với VTC News chiều 10/7, ông Nghiêm Xuân Minh, Vụ trưởng vụ Khoa học tự nhiên và xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các cơ quan chức năng đã lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và sẽ nghiên cứu đề xem xét thay đổi cơ chế đầu tư phù hợp, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu.

Tuy nhiên ông Minh cũng phân tích, việc thay đổi không dễ dàng vì cơ chế đầu tư phải tuân theo các quy định của ngành tài chính, kiểm toán, thuế…vốn quen áp dụng cho những công trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm ngay tức thì.

 

Hoàng Lan

Bình luận
vtcnews.vn