Có những tiến sĩ cả đời không viết bài báo nào

Giáo dụcThứ Ba, 21/11/2017 22:28:00 +07:00

TS Lương Hoài Nam cho rằng Có những tiến sĩ cả đời không viết bài báo nào, trừ mấy bài báo bắt buộc phải có để được bảo vệ luận án.

Trao đổi với về dự thảo đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của Bộ GD&ĐT đang gây tranh cãi, TS Lương Hoài Nam nói ông khá lo ngại với chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các “lò ấp” có tốc độ “sinh nở” cao trong nước.

Có tiến sĩ cả đời không viết bài báo nào

- Ông đánh giá thế nào về dự thảo đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ của Bộ GD&ĐT?

Vấn đề là người ta định sử dụng các tiến sĩ này vào việc gì, tôi thấy còn chưa rõ. Nếu để tăng cường cho các đơn vị nghiên cứu khoa học, trường đại học, thì đúng mục đích, chuyện chất lượng sẽ nói sau. Nếu để làm cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục các cấp thì sai mục đích.

Tiến sĩ là những người chuyên sâu về nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở bậc cao, không phải để quản lý. Họ là những người giỏi lý thuyết nhưng thường xa rời thực tiễn.

Trong một số lĩnh vực như khoa học tự nhiên, vật lý, thiên văn…, họ thường rất cá tính, thậm chí có những suy nghĩ tưởng... điên rồ, như thế tốt cho việc phát minh, sáng chế. Nhưng nếu sử dụng họ không đúng việc, nhiều khi lợi bất cập hại.

Chi tien ty dao tao tien si, ve nuoc nhan luong may trieu dong hinh anh 1

Theo TS Lương Hoài Nam, việc sử dụng tiến sĩ không đúng sẽ lợi bất cập hại. Ảnh: Quyên Quyên.  

- Chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn luôn là câu chuyện được quan tâm. Với góc nhìn quốc tế, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Tôi khá lo ngại với chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các “lò ấp” có tốc độ “sinh nở” cao trong nước, với những đề tài nghiên cứu có nội dung rất buồn cười, đặc biệt là ở ngành khoa học xã hội.

Với tiến sĩ được cấp bằng ở nước ngoài theo chương trình đào tạo từ xa, dù ở Mỹ hay Nga, chúng ta cũng cần thận trọng, vì nhiều cơ sở đào tạo chưa được kiểm định. Nếu đào tạo tràn lan, những người này sẽ làm hỏng hai chữ “tiến sĩ”.

Một trong những tiêu chuẩn bắt buộc đối với luận án tiến sĩ trong giáo dục phương Tây hay ở Liên Xô trước đây là tính mới mẻ khoa học. Phải là nghiên cứu một vấn đề hoàn toàn mới hoặc một vấn đề cũ nhưng với cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu mới và tìm ra được những kết quả thực sự quan trọng đối với lý thuyết hoặc thực tiễn.

 
Chi tiền tỷ để đào tạo một tiến sĩ ở nước ngoài nhưng rồi họ về làm công việc nhàm chán, lương tháng chỉ mấy triệu đồng, “chân ngoài dài hơn chân trong” để mưu sinh thay vì tập trung nghiên cứu, giảng dạy thì lãng phí.

TS Lương Hoài Nam

Làm sao nghiên cứu cách dịch động từ bị động tiếng Anh sang tiếng Việt lại có thể làm đề tài luận án tiến sĩ? Hay sử dụng PowerPoint để dạy môn sử, làm sao vấn đề đó có thể là luận án tiến sĩ?

Một học sinh cấp 2 đã có thể rất thạo PowerPoint, nó chỉ là một phần mềm. Tới đây, có phần mềm khác còn hay hơn PowerPoint, luận án tiến sĩ đó còn ý nghĩa gì?

Tôi có cảm giác nhiều luận án tiến sĩ của nước ta không đáp ứng được yêu cầu về tính mới mẻ khoa học. Tệ hơn, luận án tiến sĩ được sao chép, thuê viết. Khi đó, đạo đức khoa học của người làm luận án tiến sĩ cũng đã không còn nữa rồi, hỏng ngay từ bước đầu tiên.

Có một sự thật với không ít tiến sĩ, trong suốt quãng đời sau khi nhận bằng, họ làm được bao nhiêu công trình nghiên cứu, viết được bao nhiêu bài báo?

Có những tiến sĩ cả đời không viết bài báo nào, trừ mấy bài báo bắt buộc phải có để được bảo vệ luận án.

- Với chất lượng như vậy, việc đào tạo tiến sĩ trong nước cần chú trọng điều gì?

Vấn đề này nan giải. Hai yếu tố quan trọng cần cho việc này là tính nghiêm túc, trung thực đều rất thiếu trong nền giáo dục nước ta.

Đánh trượt học sinh là một điều gì đó hết sức nặng nề đối với người dạy và nhà trường, nên tình trạng chung là “đã vào được thì sẽ ra được”, bằng cách này, cách khác.

Việc nên làm là công khai tất cả luận án tiến sĩ không thuộc loại bí mật quốc gia lên mạng để ai cũng có thể tiếp cận được. Khi đó, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn, phản biện và các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ sẽ chịu áp lực rất lớn về chất lượng luận án tiến sĩ.

Video: Chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sỹ: Nên hay không?

- Có thực sự là Việt Nam thiếu tiến sĩ như Bộ GD&ĐT nhiều lần khẳng định?

Tiến sĩ là nhà khoa học, một đối tượng lao động đặc biệt, không nên và không thể “định biên” theo tỷ lệ dân số.

Những nước đông dân như Trung Quốc không thể có tỷ lệ tiến sĩ cao như ở các nước phương Tây. Điều đó không có nghĩa Trung Quốc có nền giáo dục, nền khoa học - kỹ thuật kém khi họ đã có không ít trường đại học trong top 100 thế giới, có số lượng đăng ký bảo hộ sáng chế PCT đứng thứ ba thế giới.

Vấn đề nằm ở chất lượng hơn là số lượng. Nước ta không nên chạy theo các chỉ tiêu số lượng phù phiếm, mà cần chú trọng chất lượng đào tạo.

 

Nên ưu tiên đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài

- Khi đề án 911 chưa đạt được mục tiêu, Bộ GD&ĐT lại tiếp tục đề án chi 12.000 tỷ để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ liệu có bất hợp lý?

Những gì đã qua rồi thì không thể thay đổi được nữa. Nhu cầu đào tạo tiến sĩ cho ngành giáo dục đào tạo cần được xác định dựa trên thực trạng hiện nay và các mục tiêu phát triển giáo dục trung hạn, dài hạn.

Có thể cần 9.000 tiến sĩ, cũng có thể ít hơn, nhiều hơn. Vấn đề là đào tạo tiến sĩ chuyên ngành gì, với chất lượng đào tạo ra sao, kế hoạch sử dụng thế nào?

Chi tiền tỷ để đào tạo một tiến sĩ ở nước ngoài nhưng rồi họ về làm công việc nhàm chán, lương tháng chỉ mấy triệu đồng, “chân ngoài dài hơn chân trong” để mưu sinh thay vì tập trung nghiên cứu, giảng dạy thì lãng phí.

Tôi thiên về giải pháp cho vay ưu đãi đối với các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành đào tạo, những người đó phải về nước và ký hợp đồng lao động với cơ sở nghiên cứu, đào tạo với chế độ đãi ngộ theo thỏa thuận.

Có vay, có trả, chứ không cho. Khi đó, lương tháng của một tiến sĩ có thể hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống và trả dần tiền vay.

- Theo ông, Việt Nam nên đầu tư đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ngoài hay trong nước?

Với tình trạng chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước có nhiều vấn đề về chất lượng như lâu nay, chúng tôi nên ưu tiên đào tạo ở các nước phát triển và có nền giáo dục tốt.

Không có gì nguy hại hơn những giáo sư, tiến sĩ chưa đạt chuẩn lại làm người hướng dẫn, phản biện luận án tiến sĩ hoặc thành viên hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, để lại cho “ra lò” thêm nhiều tiến sĩ dưới chuẩn.

Năm ngoái, tôi sang trường Quản trị kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, Mỹ, dự lễ tốt nghiệp MBA của con trai, thấy đợt đó chỉ có 8 người nhận bằng tiến sĩ mà trong đó có tới 4 người Trung Quốc. Như thế để thấy Trung Quốc đã và đang chú trọng phát triển lực lượng khoa học của họ thế nào và người Trung Quốc giỏi thế nào.

- Có những ý kiến cho rằng nên sử dụng đề án 12.000 tỷ để tăng lương cho giáo viên, từ đó sẽ nâng cao chất lượng giáo dục?

Lương giáo viên công lập không thể tách khỏi hệ thống lương công chức, viên chức Nhà nước. Tăng lương riêng cho giáo viên sẽ bất cân xứng với các ngành khác. Vì vậy, chuyện lương giáo viên và đề án 12.000 tỷ đào tạo tiến sĩ là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Không thể nói đừng đào tạo 9.000 tiến sĩ, lấy số tiền đó tăng lương cho giáo viên. Để cải thiện thu nhập cho đội ngũ nhà giáo, cách tốt nhất là theo hướng xã hội hóa để có nhiều hơn nữa các trường tư thục và giáo viên có nhiều lựa chọn nơi làm việc.

Giáo viên tư thục không thuộc hệ thống lương của Nhà nước. Khi việc kinh doanh giáo dục có lãi, nhà trường có điều kiện trả lương cao cho giáo viên của họ.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn