Có nhất thiết bộ, ban, ngành nào cũng phải có Ủy viên Trung ương?

Chính trịThứ Tư, 29/04/2020 09:54:00 +07:00
(VTC News) -

Không nhất thiết các bộ ban ngành đều phải có Ủy viên Trung ương; mà có thể sẽ có những bộ, ban ngành có nhiều Ủy viên Trung ương.

Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bối cảnh trong nước và quốc tế đang có những diễn biến mới, đầy thử thách. Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.

Để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khoá XIII. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân. 

Có nhất thiết bộ, ban, ngành nào cũng phải có Ủy viên Trung ương? - 1

Có nhất thiết bộ, ban, ngành nào cũng phải có Ủy viên Trung ương?

Cán bộ đông nhưng chưa thật mạnh

Trong bài viết của mình, một trong những vấn đề được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu ra, đó là thực trạng đội ngũ cán bộ của đất nước đông nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi…

Chia sẻ với những đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Viện Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, thực trạng cán bộ của ta đã tồn tại trong một thời gian dài đó là có bằng cấp đầy đủ, được đào tạo bài bản, được rèn luyện qua nhiều khâu nhưng không mạnh. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ ở ta hiện nay đang khá phổ biến, đó là có những việc cần lại không có người làm. 

Vì sao như vậy? Vấn đề không chỉ là công tác nhân sự mà chính là ở mô hình hệ thống công vụ của chúng ta sử dụng mô hình công vụ chức nghiệp, ảnh hưởng từ mô hình tập trung quan liêu bao cấp. Chúng ta xây dựng bộ máy, phân ban bệ, đưa người vào, thậm chí lấy thêm vài người vào cũng không sao. Trong mô hình đó, mọi người san sẻ công việc, cùng làm với nhau, cùng hưởng lương, rồi bình bầu, cuối cùng là cùng về hưu với nhau. Mô hình đó không giúp đánh giá thực tài của cán bộ, chủ yếu chỉ đánh giá về năng lực hoàn thành nhiệm vụ, về tư cách, độ mẫn cán. Đối với mô hình đó, chúng ta có thể thừa người, có người không làm việc, nhưng khi có việc lại không có người để làm”, GS Phan Xuân Sơn phân tích.

Theo vị Giáo sư Viện Chính trị, để giải quyết vấn đề này chúng ta cần lựa chọn, quản lý cán bộ theo mô hình công vụ gắn với vị trí việc làm, sắp xếp con người theo tư duy hệ thống. Hệ thống cần một thủ trưởng quản lý về lĩnh vực nào đó, sẽ có các điều kiện, tiêu chuẩn đi kèm, người nào đáp ứng tốt nhất cho vị trí đó sẽ được lựa chọn và chỉ cần duy nhất 1 người đó.

Như vậy không ai phải “đánh đấm”, “cạnh tranh”, ai đủ năng lực qua thi cử, kiểm tra thực tiễn… được đưa vào, khi đáp ứng đủ theo tiêu chí rồi thì không thiếu. Tương tự, các vị trí khác cũng vậy, dưới thủ trưởng cần 2-3 trưởng phòng cũng được thể hiện qua phần mô tả công việc, chức năng của bộ máy thiết kế… sẽ không thừa, không thiếu.

Thực tế, chúng ta cũng đã chuyển sang mô hình công vụ này nhưng theo tôi cách làm chưa bài bản, chưa triệt để, vừa tồn tại mô hình theo chức nghiệp vẫn còn rất nặng nề, lại vừa tồn tại hệ thống việc làm nhưng cũng chưa rõ, chưa tới.

Cũng có mô tả công việc nhưng bố trí người có khác đi một chút cũng không sao. Tới lúc nào đó cần phải làm được như mô hình bên doanh nghiệp, công việc đó dứt khoát phải dành cho người có đủ năng lực đảm nhiệm thì mới mang lợi nhuận về cho doanh nghiệp, phải sốt ruột khi phải trả tiền lãi, tiền nhà… khi đó mới thấy hiệu quả.

Nhà nước là cơ quan công quyền không phải doanh nghiệp, tuy nhiên, hệ thống việc làm cũng tương tự như vậy, phải tính đến hiệu quả quản trị xã hội, thiếu thì phải đào tạo cho đủ, cho đúng theo tiêu chí. Không lẽ hàng trăm trường đại học lại không thể đào tạo ra được một nhân viên công quyền cho đủ tiêu chí hay sao”, GS Phan Xuân Sơn nêu quan điểm.

Hệ thống tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước chiếm một lực lượng rất đông đảo, có vai trò quan trọng trong đội ngũ cán bộ của đất nước nói chung. Do vậy, khi chuyển đổi được sang mô hình công vụ, chúng ta có cơ hội để khắc phục được thực tế vừa thừa vừa thiếu cán bộ. Đặc biệt không ai phải bình bầu theo cảm tính, khi đã có những tiêu chí rõ ràng theo việc làm, theo mức độ hoàn thành công việc, ai xuất sắc, ai không đều rõ cả. Có thể chấm dứt tình trạng ghét không bầu, ngồi chơi xơi nước, nói xấu người này người khác lại được bầu.

Có nhất thiết bộ, ban, ngành nào cũng phải có Ủy viên Trung ương? - 2

GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc phải đánh giá theo tiêu chí. Theo ông Sơn, điều đó có nghĩa chúng ta phải xây dựng một hệ thống công vụ theo chức năng việc làm để có tiêu chí đánh giá chứ không thể đánh giá cảm tính, lợi ích nhóm, hùn hạp đẩy nhau lên cao, không làm được việc, thêm gánh nợ cho đất nước, đất nước không phát triển được. Giáo sư Phan Xuân Sơn hy vọng ở Đại hội tới, đặc biệt qua nhiệm kỳ Đại hội này, cần phải đổi mới mô hình công vụ mới chọn được những cán bộ đủ để làm và làm hiệu quả, chứ không thiếu, không thừa. 

Không nhất thiết các bộ, ban. ngành đều phải có Ủy viên Trung ương

Cùng theo Giáo sư Phan Xuân Sơn, một vấn đề nữa cũng ảnh hưởng tới sức mạnh của đội ngũ cán bộ của ta đó là tính bình quân chủ nghĩa, cơ cấu trong các bộ, ngành, địa phương rất nặng. Nếu quy định cứ một bộ ngành, một địa phương phải có một Ủy viên Trung ương, tính bình quân này thể hiện được sự đồng đều, sự “cắm chốt” của cấp Trung ương ở các địa phương, bộ ngành, từ đó phản ánh thực tế ở các nơi lên Trung ương.

Nhưng mặt khác vì bình quân chủ nghĩa như vậy nên những người tài có thể sẽ bị bỏ sót. Anh có thể rất xuất sắc nhưng không nằm trong cơ cấu bình quân đó nên bị bỏ ra. 

Tuy nhiên, theo Giáo sư Sơn, những chỉ đạo lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã góp phần tháo gỡ cho vấn đề này. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, không nhất thiết các bộ, ban. ngành đều phải có Ủy viên Trung ương; mà có thể sẽ có những bộ, ban ngành có nhiều Ủy viên Trung ương. 

Liên hệ tới thực tế trước đây thời Bác Hồ, ở địa phương không phải tỉnh nào cũng có Ủy viên Trung ương mà phải thật xứng đáng, Giáo sư Sơn cho rằng, vấn đề cơ cấu cũng quan trọng, nhưng trước hết phải cơ cấu về phẩm chất năng lực, phải trọng năng lực của cán bộ. Năng lực ở đây là tri thức, kỹ năng và thái độ. 

Theo Giáo sư Sơn, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thể coi như một sự định hướng cho các tổ chức Đảng trong nhiệm kỳ sắp tới. Khi nhân dân tín nhiệm thì Đảng cũng có thể xem xét. Như vậy cả hệ thống chính trị sẽ làm công tác cán bộ để phát hiện ra những người đáp ứng đủ tiêu chí lãnh đạo trong thời kỳ mới.

Và để cho đội ngũ cán bộ của ta mạnh lên, theo Giáo sư Phan Xuân Sơn, phải tìm cho được người tài, người đủ năng lực, đồng thời cần phải xử lý quyết liệt, triệt để, loại bỏ những cán bộ xấu ra khỏi bộ máy.

Qua nhiều thời kỳ, trong bộ máy của chúng ta đang tồn đọng một số lượng cán bộ ẩn chứa nhiều hiểm họa, trông thì đỏ nhưng chưa chín, lấy “cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”, những người chỉ chăm chăm vun vén cá nhân, lợi ích nhóm. Cần phải xử lý triệt để bao nhiêu thì đội ngũ sẽ càng mạnh bấy nhiêu.

Trong rất nhiều khuyết điểm của cán bộ ta được rút ra thời gian qua, khuyết điểm nổi bật nhất đó là chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng. Một số lớn cán bộ đã được phát hiện nhưng vẫn còn một bộ phận chưa bị phát hiện. Do vậy, cùng với việc tìm ra những cán bộ mới trong sạch, có tâm, có tài, chúng ta cần phải cách ly họ với những cán bộ đã “nhiễm bệnh”, có vậy chúng ta sẽ dần loại bỏ được đội ngũ cũ đã bị nhiễm bệnh ra khỏi bộ máy. Đảng chỉ có thể mạnh khi Đảng trong sạch.  

Trên thực tế chúng ta đều thấy, việc phát hiện những “ca bệnh” trong bộ máy vẫn đang được Đảng chỉ đạo rất quyết liệt. Sắp tới, chắc chắn chúng ta sẽ còn làm nữa và sẽ làm mãi. Tất nhiên, trước một giai đoạn mới, một nhiệm kỳ đại hội mới, tính trọng điểm sẽ tăng lên, việc xử lý càng phải gấp lên để chúng ta đón một đội ngũ thay thế trong sạch, vững mạnh, đoàn kết và đủ năng lực lãnh đạo đất nước.

Thanh Hà/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn