Có nên mua nhà ở 'con đường đau khổ' Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi?

Kinh tếThứ Năm, 30/03/2017 11:32:00 +07:00

Chỉ một đoạn đường ngắn, nhưng có tới hàng chục cao ốc vây quanh, "con đường đau khổ" Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi khiến nhiều người lo ngại khi tính tới chuyện mua nhà ở đây.

Hạ tầng giao thông là một trong những nhân tố quyết định đến giá trị của căn hộ cũng như quyết định mua nhà của khách hàng.

Nếu như trước đây, mua nhà ở đường Lê Văn Lương là một trong những lựa chọn của nhiều khách hàng vì con đường này khá thông thoáng và vị trí các dự án ở đây không quá xa trung tâm, thì nay nhiều người đang phải suy nghĩ lại khi quyết định mua nhà tại đây.

FullSizeRender(2)

 Hàng loạt cao ốc bủa vây "con đường đau khổ" Lê Văn Lương. (Ảnh: Châu Anh)

Tính đến thời điểm hiện tại, theo con số thông kê sơ bộ, dọc hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu có đến hơn 50 tòa chung cư với chiều cao từ 20 - 30 tầng. Trong đó, số lượng căn hộ và quy mô dân số của nhiều tòa lên tới cả vạn người.

Tại khu vực đường Lê Văn Lương, có thể kể đến hàng loạt các dự án như: dự án Star City với gần 400 căn hộ, dự án Chung cư The Golden Palm 2 tòa tháp cao 27 tầng cung cấp 405 căn.

Dự án Handi Resco kết hợp dịch vụ thương mại xây dựng trên diện tích 2.410m2, có tổng diện tích sàn xây dựng 46.755m2, với 25 tầng nổi, 336 căn hộ. Dự án này dự kiến bàn giao nhà vào quý 2/2017.

Dự án nhà ở và văn phòng cho thuê Center Point gồm 2 tòa nhà cao 33 tầng, cung cấp cho thị trường 360 căn chung cư cao cấp. Dự án này dự kiến hoàn thành năm 2017.

Dự án tòa nhà văn phòng MB Grand Tower của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội hiện đang xây dựng, trong tương lai đây sẽ là nơi làm việc của hàng nghìn người.

Đường Tố Hữu là đoạn nối dài đường Lê Văn Lương dài chưa đầy 3km được thông xe 6 năm nay. Những tưởng đoạn đường này sẽ giải tỏa một phần áp lực giao thông cho đường Nguyễn Trãi. Thế nhưng, với tốc độ “mọc” lên các khu đô thị, những dự án nhà ở cao tầng như hiện nay lại đang khiến nhiều người dân khiếp sợ vì tắc đường.

Trong đó, đáng chú ý là những “đại đô thị” lớn như khu đô thị Dương Nội của Công ty Nam Cường với quy mô dân số lên tới 2,5 - 3 vạn người, hay khu Park City với quy mô xấp xỉ 2 vạn người.

Phía trên có thể kể tới các dự án chung cư cao tầng ngay mặt đường của Hải Phát với Tổ hợp The Pride gồm 4 tòa tháp cao 35 và 45 tầng (không kể tầng hầm), dự án Bắc Hà, Tây Hà,… với chiều cao từ 20-30 tầng.

Ngoài ra, hàng loạt dự án mới đã và đang hoàn thành như: dự án Handico có tòa chung cư cao 25 tầng với hơn 330 căn hộ và tòa văn phòng cao 16 tầng; dự án The Light cũng trên 300 căn hộ, chưa kể các tầng trung tâm thương mại và văn phòng; dự án chung cư Bắc Hà khoảng 500 căn hộ; dự án chung cư Tây Hà khoảng 300 căn…

Cùng với đó, còn có dự án The Price của Hải Phát có 3 tòa cao 35 tầng và 1 tòa cao 45 tầng, số lượng hàng ngàn căn hộ; dự án Ecolife Capital đang xây dựng có 3 khối nhà cao 34 tầng với gần 760 căn hộ; dự án Roman plaza mới được khởi công và dự kiến hoàn thành vào quý 2/2019 với cả nghìn căn chung cư, biệt thự, liền kề….

Chưa hết, các tuyến đường nhánh cắt ngang Tố Hữu như đường Trung Văn cũng phải gánh thêm lượng cư dân lớn từ các khu đô thị mới xây dựng ở phía trong như khu chung cư VOV Mễ Trì, khu đô thị Trung Văn…

Điều đáng nói là trong khi quỹ đất dành cho giao thông là "bất động" thì cuộc đua từ những cao ốc chọc trời vẫn ngày càng sôi động, chưa có hồi kết. Đơn cử như Hải Phát vừa mua lại tòa CT1-104 dự án Usilk City, dự án Hà Nội Landmark 51, Park City... cũng đang gấp rút triển khai đưa ra thị trường.

Là con đường huyết mạch kết nối từ khu vực phía Tây vào trung tâm, đường Nguyễn Trãi luôn là một điểm nóng về giao thông ở Hà Nội. Từ nhiều năm nay, con đường này đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người tham gia giao thông khi phải thường xuyên đi lại qua con đường này.

Khi đường Lê Văn Lương mở ra, những tưởng sẽ giải tỏa một phần áp lực giao thông cho đường Nguyễn Trãi. Thế nhưng, với tốc độ “mọc” lên các khu đô thị, những dự án nhà ở cao tầng như hiện nay, thì chính đường Lê Văn Lương cũng đã không chịu nổi sức ép về hạ tầng.

Trong khi đó, áp lực về gia tăng dân số hai bên đường Nguyễn Trãi không những giảm mà còn tăng lên khi xuất hiện hàng loạt các dự án bất động sản mới.

Có thể kể đến các dự án như: dự án Golden Land với 5 tòa nhà, mỗi tòa từ 27 - 33 tầng. Dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú với 2 toà nhà cao 45 tầng và 35 tầng, tổng căn hộ dự kiến ban đầu của cả hai toà chỉ là khoảng 486 căn. Dự án Hattoco hiện đang xây dựng với quy mô 39 tầng.

Đặc biệt, hàng loạt các khu đất hai bên đường Nguyễn Trãi trước đây là các nhà mày xí nghiệp, hiện cũng đã được chuyển đổi thành các khu đô thị, tòa chung cư.

Khu vực nhà máy Dệt may Mùa Đông cũ hiện cũng đã biến thành dự án Gold Season với quy mô 4 tòa chung cư cao từ 27 - 35 tầng.

Khu công nghiệp Cao Xà Lá rộng hơn 12 ha cũng sẽ biến thành siêu đô thị với những tòa nhà cao từ 43- 46 tầng. Khi hoàn thiện chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn lên giao thông cho đường Nguyễn Trãi.

Ngoài ra, tại một số nút giao thông quan trọng như Nguyễn Trãi - Trường Chinh - Đường Láng, cũng có hàng loạt các chung cư như Mipec Tower và một khu đô thị lớn với hàng chục nghìn cư dân.

Hai con đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương vốn đã quá tải bởi các cao ốc xung quanh, nhưng áp lực lên hai con đường này vẫn chưa hết phải chịu áp lực từ các cao ốc từ các con đường nhỏ khác đổ ra như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân với hàng loạt các dự án như: Hapulico, 60B Nguyễn Huy Tưởng,...

Trước sự đổ bộ đồng loạt của các dự án bất động sản, quy hoạch thủ đô có lẽ khó có thể thực hiện được hy vọng của người dân về những con đường thông thoáng. Ngay cả khi đường sắt trên cao đi vào hoạt động thì sự gia tăng về dân số từ các cao ốc này chắc chắn hạ tầng sẽ vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Với cuộc đua của các đại gia địa ốc như hiện nay thì tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương khó có thể chịu được áp lực về giao thông khi đã và đang ngày càng tắc nghẽn.

Chỉ 1-2 năm nữa, khi các dự án chung cư cao tầng đã có hoàn thiện, đi vào sử dụng và nhiều dự án khác “mọc” thêm, có lẽ sẽ “biến” con đường này thành con đường đau khổ của Hà Nội.

Video: Cách lau cửa kính không cần trèo ra ngoài

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn