Có một “góc tối" của Raul Gonzalez

Tổng hợpThứ Tư, 28/07/2010 01:15:00 +07:00

(VTC News) - Raul và nhiều Madridista đã khóc trong ngày chia tay. Nhưng biết đâu, đó lại là điềm lành cho Real Madrid.

(VTC News) - Trong ngày chia tay Real Madrid, Raul Gonzalez đã khóc. Còn những người yêu mến anh cũng đã rớm lệ. Nhưng với không ít Madridista, việc “chúa nhẫn” ra đi có khi lại là điềm lành cho đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha ở mùa giải tới.

324 bàn thắng sau 723 xung trận, một con số quá thuyết phục để minh chứng cho tài năng chơi bóng của tiền đạo Raul Gonzalez. Không những vậy, trong quảng thời gian 16 năm thi đấu cho Real, “chúa nhẫn” chưa bao giờ phải lĩnh một thẻ đỏ. Vì thế, việc anh trở thành biểu tượng sống ở sân Bernabeu âu cũng là điều đương nhiên.

Raul, biểu tượng sống của Real, nhưng cũng là một quyền lực ghê gớm ở sân Bernabeu.
Độc giả muốn tra cứu điểm thi ĐH, CĐ 2010 miễn phí, bấm vào đây >> Click here!
Nhưng ở đời luồn tại những mặt đối lập. Dưới chân đèn luôn có một khoảng tối. Dưới ánh sáng của thiên đường luôn là vùng tối của địa ngục hiểm ác. Đằng sau tấm huy chương hào nhoáng luôn là mặt trái của nó. Bởi thế, với một con bằng xương bằng thịt như Raul lại càng không thể không có những góc tối.

Góc tối ấy chính là ranh giới mong manh giữa tính tích cực và tiêu cực của quyền lực được phát sinh từ “biểu tượng sống” Raul. Nếu quyền lực của Raul phát huy được hiệu quả, nó sẽ mang lại rất nhiều điều có lợi cho đội bóng. Ngược lại, sự xung đột quyền lực với Raul có thể khiến đối phương “thân bại danh liệt”, còn đội bóng, nhiều khi không đi đúng quỹ đạo đã định trước.

Nhớ lại hồi năm 2003, lúc đó nhiều người không hiểu vì sao một công thần lâu năm như Fernando Hierro lại phải rời sân Bernabeu không kèn không trống. Điều tương tự cũng xảy ra với HLV Vicente Del Bosque, người mà trước đó đã mang về 2 chức vô địch Champions cho Real. Đau hơn nữa cho hai con người này là họ bị sa thải chỉ một ngày sau khi Real giành chức vô địch La Liga mùa bóng 2002/03.
Raul từng khiến cựu đội trưởng Hierro (trái) phải rời Real không kèn không trống.
Sau này người ta mới chợt nhận ra Del Bosque và Hierro đều là nạn nhân trong cuộc chiến giành quyền lực với Raul. Một nạn nhân khác cũng đã phải trả giá khi không có được sự ủng hộ của Raul là Antonio Camacho. Vị HLV được mệnh danh có “bàn tay sắt" này đã buộc phải khăn gói ra đi, sau khi đội trưởng Raul cầm đầu nhóm cầu thủ công khai chống lại những mệnh lệnh cải tổ đội bóng của ông.

Thế nên dễ hiểu vì sao có thời điểm Raul "xịt ngòi" suốt 11 tháng trời, nhưng anh vẫn có mặt thường xuyên trên hàng công của Real qua các đời HLV, từ Wanderley Luxemburgo, Lopez Caro, Fabio Capello, Juande Ramos cho đến Bernd Schuster.

Ở Real luôn có một khoảng tối quyền lực trong phòng thay đồ.

Còn ở mùa giải vừa qua, HLV Pellegrini đã mạnh dạn dử dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” đối với Raul. Ban đầu chiến lược gia người Chile rất trọng dụng “chúa nhẫn”, dù trong đội hình Real đang có đầy rẫy những ngôi sao vừa mới mua về như Cristiano Ronaldo hay Karim Benzema. Nhưng dần về sau, ông “nhẹ nhàng” đưa người đội trưởng lên băng ghế dự bị một cách rất hợp lý. Raul “ngoan ngoãn” chấp nhận vì anh hiểu rằng thời của mình đã hết. Bởi thế việc anh quyết định rời Real khi Jose Mourinho chưa vung “bàn tay sắt” hết cỡ cũng là điều dễ hiểu.

Khi thời kỳ Raul ở Real đã khép lại, người ta mới “bàng hoàng” nhận ra một sự thật đắng cay là kể từ khi “chúa nhẫn” trở thành đội trưởng hồi năm 2003 sau cuộc “đảo chính” Del Bosque và Hierro, Club Blanco không giành nổi một danh hiệu Champions League, thậm chí ước nguyện lọt vào vòng Tứ kết đã là một điều gì đó quá xa xỉ.
Raul ra đi có khi lại mang đến điềm lành cho Real Madrid.
Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận những đóng góp của Raul vào 3 chức Champions League trước đó của Real. Nhưng hình như Club Blanco không gặp may ở đấu trường châu Âu kể từ khi “chúa nhẫn” làm đội trưởng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha, dù Raul là cây săn bàn số 1 trong lịch sử bóng đá nước này, với 44 bàn thắng sau 102 lần ra sân. Chỉ đến khi HLV Luis Aragones quyết định loại bỏ “quyền lực” của Raul, La Roja mới bắt đầu tìm thấy ánh sáng của thiên đường bằng chức vô địch Euro 2008. Học tập ông bạn già, “ngài râu kẽm” Del Bosque cũng không còn triệu tập “chúa nhẫn” lên tuyển tham dự World Cup 2010, và Tây Ban Nha đã lần đầu tiên vô địch World Cup sau 80 năm đợi chờ.

Xét theo đó, việc Raul Gonzalez rời khỏi Real Madrid vào lúc này quả là đáng mừng đối với Jose Mourinho và một số Madridista!

Đại Toong

* Bạn có đồng ý với quan điểm: Raul ra đi là một tín hiệu tốt cho Real Madrid? Hãy gửi ý kiến bình luận cho VTC News qua hộp thảo luận cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu)! Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn