Có một chị "Thanh Tâm" ở VTC1

Tổng hợpThứ Tư, 14/07/2010 04:55:00 +07:00

Trong danh bạ điện thoại, tôi vẫn mặc định contact của chị là “Chị Hoài Thu-Chuyện Doanh nhân” vì lần đầu tiên tôi gặp chị, khi đó chị đang là đạo diễn và MC...

 

Khi phụ nữ làm báo

Nhưng, hơn một năm nay chị  được Lãnh đạo Tổng công ty và Lãnh đạo Đài tin tưởng  giao trọng trách mới phó Giám đốc kênh VTC1. Gặp chị vào một buổi chiều tại phòng làm việc, bận rộn với việc duyệt bản tin Giai điệu Ngày mới, định hướng đề tài cho BTV làm chương trình đồng hành Hoa hậu Việt Nam 2010 -  Phụ nữ Việt Nam  “Nghìn năm hương sắc” mà Đài mới giao cho kênh VTC1 thực hiện… và rồi chị cũng dành cho tôi một khoảng thời gian để trò chuyện. 

Đến gặp chị, khi thì nho, bánh đậu xanh, bánh quy, hay một bình trà  là những món quà chị đi công tác mua về  làm quà cho các biên tập viên trong kênh, còn một phần giữ lại để mời khách. Chị mang ra hai chị em vừa trò chuyện vừa nhâm nhi đúng kiểu của các chị em phụ nữ khi gặp nhau. Chị bảo, hay phải ở lại Đài làm muộn nên “thủ sẵn” ít đồ ăn trong tủ, lúc nào đói thì mang ra ăn tạm để làm việc. Vậy là với một hai chiếc bánh với chén trà, hai chị em vừa “liên hoan” vừa tâm sự. Cuộc trò chuyện giữa tôi và chị cứ bị ngắt quãng liên tục bởi tiếng chuông đường dây nóng réo liên hồi, hay nhân viên vào xin chữ ký, phóng viên cần chị chỉ đạo công việc nào đó. 

Dẫu vậy, tôi vẫn có được những mảnh ghép về chị. Bố mẹ chị đều là cán bộ ngành địa chất, nay đi thăm dò than tỉnh này, mai di chuyển sang tỉnh khác. Chị được sinh ra ở Quảng Ninh nhưng suốt tuổi thơ theo bố mẹ, ở mỗi tỉnh một vài năm. Chỉ riêng cấp 3, có ba năm chị học ở... 3 trường khác nhau.  Nửa năm học chuyên Toán ở Khoái Châu, Hưng Yên, sau đó học ở Hoài Đức B – An Khánh – Hà Nội  và tốt nghiệp PTTH ở trường Hoài Đức C – Chương Mỹ - Hà Nội. Cứ như thể cái nghiệp đi nó vận vào người xui khiến chị sau này  học báo, làm báo - cái nghề cũng phải đi và thăm dò chẳng khác gì nghề địa chất của bố mẹ chị. Nếu có khác, thì khác là, bố mẹ thăm dò các tầng địa chất, còn chị “thăm dò” các doanh nghiệp đang sống, lao động, sản xuất trên nền địa chất đó.

Tốt nghiệp khoa Báo chí năm 1995, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chị về làm phóng viên Kinh tế trong nước của Tuần báo Kinh tế.

Hai năm sau, chị chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam, theo dõi mảng kinh tế hội nhập. Khởi xướng ra chương trình Doanh nhân Việt Nam  của Đài truyền hình Việt Nam được 2 năm thì chị chuyển sang VTC làm Chuyện Doanh nhân từ đó đến giờ. Phóng viên nào cũng có lúc phải viết mảng này mảng kia, còn là sinh viên thì viết mảng giới trẻ, sau làm mảng Văn hóa, Xã hội, cứng tay hơn về sau làm Kinh tế, Chính trị. Còn chị, ngay từ bài báo đầu tiên khi còn đang thực tập năm thứ 2 đại học dưới sự hướng dẫn của nhà báo Xuân Ba (báo Tiền Phong) có tựa đề “Cá chết trên sông Nhuệ”, đã xộc thẳng vào lĩnh vực kinh tế và cứ thế cho đến tận sau này khai sinh ra Chuyện Doanh nhân.

Tôi trêu chị, nữ nhà báo tiếp xúc toàn với các đại gia thành đạt, giàu có chắc cám dỗ phải ghê gớm lắm. Chị cười bảo: “Doanh nhân trong mắt nhiều người là các đại gia hào hoa, giàu có, thành đạt nhưng khi chị tiếp xúc thì tôi thấy họ khổ nhiều hơn. Doanh nhân là người tạo ra công ăn việc làm chính cho người lao động. Họ có thể tiêu tiền xa xỉ như thế nào tôi ko biết nhưng điều tôi thấy là họ rất vất vả để kiếm ra được đồng tiền và tôi tin họ cũng biết cách tiêu tiền và giữ tiền như thế nào. Những doanh nhân mà tôi đã tiếp xúc thực sự là những người làm vì cộng đồng, vì xã hội”. Tôi bán tín bán nghi, một phóng viên nữ, nhất là một phóng viên nữ có nhan sắc như chị thế nào chẳng khiến vài người “lao đao”. “Ừ thì cũng có người này người kia có tình cảm với mình nhưng phải tách bạch chuyện công việc và tình cảm chứ. Cho đến giờ, đã hơn 10 năm nhưng thỉnh thoảng vẫn có những doanh nghiệp tôi đã từng làm việc gọi điện mời tham gia khi công ty của họ có một hoạt động nào đấy”, chị nói cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

Chồng chị không phải là doanh nhân mà cũng làm báo ở Báo Pháp luật Thành Phố Hồ Chí Minh. Chị bảo: “Tạo hóa và cảm xúc cho mình thế nào thì mình đón nhận như thế. Tôi chưa từng nghĩ, chồng mình phải là doanh nhân hoặc nghề gì tương tự như thế”. Cũng như với hầu hết phụ nữ khác, gia đình rất quan trọng với chị, đó là điểm tựa, là bến đỗ sau mỗi ngày làm việc trở về. Đặc biệt đối với một người phụ nữ làm báo, nếu không có sự động viên, cảm thông của người thân thì khó mà có thể trụ lại với nghề, hoặc nếu trụ lại với nghề thì sẽ đánh mất gia đình. May mắn thay, chồng chị vừa là chồng lại vừa là đồng nghiệp. Bố mẹ chồng chị vẫn nửa đùa nửa thật, trách anh chị là “hai vợ chồng ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vì cứ hễ đi làm về là “giao ban báo chí”, trao đổi công việc và liên tục giải quyết các cuộc gọi của đường dây nóng. Bữa cơm gia đình là lúc cả nhà quây quần nhưng rất ít khi có đông đủ mọi người. Nhiều lúc chị thấy có lỗi vì chẳng có nhiều thời gian dành cho con. Nhiều hôm sáng chị đi làm sớm con chưa ngủ dậy, khi về đến nhà con đã ngủ rồi. 

Chị tâm sự, “làm nghề báo cân bằng giữa công việc và gia đình khó lắm. Đôi khi có một sự kiện nào đấy bất ngờ xảy ra là đảo lộn tất cả lập trình công việc trước đấy của mình”. Chị còn nhớ, thủa mới lấy chồng, mẹ chồng chị bảo: “Làm gì có cái cơ quan nào làm đến 12 giờ đêm?”. Lo chồng không hiểu, chị dặn chồng cứ giờ ấy đến cổng Đài đón, rồi vài chuyến công tác xa, chị mời anh đi cùng. Từ đó, anh hiểu hơn về nỗi vất vả của người phụ nữ làm báo và thông cảm cho vợ hơn.


Hoài Thu và các đồng nghiệp
 

Từ nỗi “lo sợ” trong phòng họp đến chốn an ủi của các phóng viên

Đã trải qua thời gian làm phóng viên báo viết rồi phóng viên truyền hình, chị hiểu rõ hơn ai hết công việc cũng như tâm lý của nhân viên mình bây giờ. Vì vậy, với các phóng viên, biên tập viên ở kênh VTC1, chị không chỉ là sếp mà còn là người có thể chia sẻ, tâm sự.

Nhớ lại cái thuở còn mải mê “chinh chiến”, bị deadline dồn đuổi, bị áp lực từ các trưởng ban, Tổng biên tập, nhớ những lần sấp ngửa đi tìm hiểu thực tế, những lần tiếp cận với các đối tượng để khai thác thông tin, mải miết với mỗi bài báo, chị tâm sự, “không phân biệt nữ hay nam, đã làm nghề báo thì phải có kỹ năng tốt, biết tích lũy kiến thức và phải xông xáo với nghề”. Cái hồi còn là phóng viên thử việc, không ít lần gặp phải thái độ thiếu hợp tác khi tiếp xúc với các doanh nghiệp. Bà Giám đốc rạp hát Ngọc Hà khi đó gọi chị là “nhà báo tí hon”, ông Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình không lấy gì làm mặn mà khi phải tiếp cô phóng viên quá trẻ. Điều chị rút ra là chỉ có một cách khiến họ phải thay đổi thái độ là phải chứng tỏ được mình hiểu rõ vấn đề, và hoàn toàn có tư cách nói chuyện với họ. Vì vậy, cho đến giờ, chị vẫn luôn khuyên phóng viên trẻ cần trang bị kiến thức, chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi cuộc phỏng vấn và đặc biệt phải trang bị cho mình một phong thái tự tin, đĩnh đạc.

Hiểu nghề báo là phải đi, phải xông pha, va chạm, chị luôn yêu cầu các phóng viên phải đi thật nhiều, đi càng xa càng tốt để luôn có được những bản tin đa dạng, phong phú và bám sát với đời sống dân sinh. Chị cứ đau đáu mãi những lần đi tác nghiệp vùng sâu, vùng xa, chứng kiến cảnh bà con nông dân nghèo khổ vô cùng. Chị thầm nghĩ, nếu mình cứ mãi ở thành phố thì chắc chẳng bao giờ thực sự hiểu được những mảng tranh tối, những mảng khuất của cuộc đời. Chị thấm thía một điều, đã xác định là phóng viên thì phải đi, đi thật nhiều vì không ai có thể ngồi một chỗ sung sướng mà viết hay được. Đi sẽ giúp phóng viên nhận biết cuộc sống, thay đổi thái độ sống và cái nhìn với những việc mà trước đây họ mặc nhiên liếc qua.

Ngay cả khi chỉ đạo Bản tin Giai điệu ngày mới, phát sóng hàng ngày vào 6 giờ sáng, chị xây dựng ý tưởng làm Đường dây nóng cũng vì làm báo lâu và hiểu trong xã hội, người dân vẫn thiếu một nơi để thắc mắc, chia sẻ những vụ việc liên quan trực tiếp tới cuộc sống của họ không được giải quyết hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn. Quan điểm của chị là phải hướng đến những vấn đề dân sinh có tính thiết thực, thỏa đáng tạo lòng tin cho dân. Các phóng viên của chị cũng được yêu cầu phải thâm nhập thật sát sao vào thực tế, tự tai nghe mắt thấy để hiểu người dân cần gì. Từ đó mới có những bài báo, chuyên đề sâu sắc, có giá trị thông tin cao và được đông đảo khán giả đón nhận.

Phóng viên kênh VTC1 hầu hết đều là các bạn có tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lại tâm huyết với nghề và xông xáo. Chị tâm sự, “Đã trải qua nhiều thăng trầm của nghề báo nên giờ làm quản lý, tôi luôn muốn tạo cho các phóng viên cảm giác vui vẻ, thoải mái khi tác nghiệp và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để các bạn phát huy tính sáng tạo trong mỗi tác phẩm của mình”. Trong các cuộc họp chị là người khó tính, nghiêm khắc và không ngại nói thẳng nói thật khiến các BTV cảm thấy phật ý nhưng chị cũng luôn lắng nghe và chia sẻ mọi kinh nghiệm mà mình có cho các bạn ấy. Chị hiểu rằng, là một người quản lý, nếu không đam mê, không nhiệt huyết thì làm sao truyền được cảm hứng đó sang cho người khác. Có lẽ vì sự tách bạch ấy, nên trong phòng họp, chị là nỗi lo sợ của không ít phóng viên, nhưng hết giờ họp chị lại trở thành chị Thanh Tâm dễ chịu và sẵn sàng hòa nhập với các buổi tụ tập của các anh chị em.

Giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, điềm tĩnh của chị khi kể về chuyện đời, chuyện nghề, những kỷ niệm vui buồn của nghề báo đã thực sự lôi cuốn tôi và làm cho câu chuyện cứ kéo dài mãi chẳng thể dừng. Tôi chủ động kết thúc câu chuyện để trả lại chị cho công việc bởi nếu không câu chuyện giữa những người phụ nữ chẳng biết bao giờ mới hết. May thay, chén trà đã cạn, bánh đậu cũng hết và tôi có một cuộc nói chuyện cởi mở thân tình đủ để hiểu hơn về chị.

 

   Tốt nghiệp khoa Báo chí năm 1995, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chị về làm phóng viên Kinh tế trong nước của Tuần báo Kinh tế. Hai năm sau, chị chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam, theo dõi mảng kinh tế hội nhập. Khởi xướng ra chương trình Doanh nhân Việt Nam  của Đài truyền hình Việt Nam. Được Hai năm lại chuyển sang VTC làm Chuyện Doanh nhân từ đó đến giờ.

 
Tuấn Minh

 

Bình luận
vtcnews.vn