Có hay không chủ đầu tư dự án ParkCity 'bội tín' với khách hàng?

Kinh tếThứ Hai, 02/11/2015 07:29:00 +07:00

Theo chủ đầu tư dự án ParkCity, hợp đồng ký với khách hàng đã được lãnh đạo cũ của công ty đánh tráo và ký không đúng thẩm quyền.

(VTC News) - Theo chủ đầu tư dự án ParkCity, hợp đồng ký với khách hàng đã được lãnh đạo cũ của công ty đánh tráo và ký không đúng thẩm quyền.

Phản ánh trên báo chí, bà Trần Thị Dung (trú tại N1, C12 Tập thể nhà máy Pin Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) cho biết, ngày 24/11/2011, VIDC ký hợp đồng mua bán căn nhà 06/05/TH4B (M) tại Khu đô thị Park City Hà Nội với bà, giá bán 10,4 tỷ đồng (chưa VAT). Trong hợp đồng có Phụ lục 3 mô tả chi tiết bản vẽ của căn nhà. Lịch thanh toán được chia thành 4 đợt, đợt đầu là 30% đóng ngay sau khi ký hợp đồng. Bà Dung đã chuyển cho VIDC số tiền 3,25 tỷ đồng.
Có hay không chủ đầu tư dự án ParkCity 'bội tín' với khách hàng? Ảnh: Châu Anh
Có hay không chủ đầu tư dự án ParkCity 'bội tín' với khách hàng? Ảnh: Châu Anh 
Trong hợp đồng quy định rõ, hai bên thỏa thuận và thống nhất sẽ thi công và thiết kế căn hộ như bản vẽ được thể hiện trong nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 10/1/2013, VIDC gửi công văn do ông Lawrence Peh, Tổng giám đốc ký, nội dung yêu cầu khách hàng trả thêm 315 triệu đồng về việc thay đổi thiết kế căn nhà.


VIDC cho rằng, bản vẽ đính kèm với Hợp đồng mua bán nhà do tổng giám đốc trước đây của VIDC là ông Habibullah Khong Sow Kee ký, đã được thay đổi so với thiết kế chung và ông Habibullah Khong Sow Kee đã vi phạm Điều lệ công ty, vi phạm quy chế nội bộ của Công ty. Nay bà Dung muốn căn nhà được xây dựng theo thiết kế như trong hợp đồng, phải nộp thêm tiền.

Bà Dung không chấp nhận vì so với Hợp đồng đã ký, bà chưa có bất cứ yêu cầu thay đổi thiết kế nào. Khi ký hợp đồng mua bán nhà với bà, ông Habibullah Khong Sow Kee là Tổng giám đốc của VIDC, là người đại diện theo pháp luật của Công ty, hợp đồng cũng có đầy đủ dấu của VIDC. Trong các công văn trao đổi giữa hai bên, bà Dung thể hiện quan điểm: “Việc ông Khong vi phạm điều lệ hay quy chế của VIDC thì phải chịu trách nhiệm với VIDC, còn bà không phải chịu trách nhiệm về việc đó”.

Trong văn bản trả lời báo điện tử VTC News về vấn đề này, bà Vũ Thuý Diễm - Trưởng Ban đối Ngoại và Phát triển doanh nghiệp - Công ty CP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) cho biết, hợp đồng thiết kế căn hộ của bà Dung không phải là thiết kế căn hộ chuẩn được Hội đồng quản trị duyệt và Bộ Xây dựng thẩm tra.

Cụ thể, theo văn bản gửi báo điện tử VTC News, công ty VIDC cho biết, người đại diện pháp luật ký với bà Dung hợp đồng số 153 là ông Habibullah Khong Sow Kee - Tổng giám đốc VIDC thời điểm đó. Tuy nhiên, bản vẽ thiết kế căn hộ của bà Dung đã được đánh tráo, không giống với bản vẽ thiết kế chuẩn của căn hộ TH4B (M).

Lý do bị đánh tráo là do ông Nguyễn Chân Phương - Phó Tổng Giám đốc VIDC - là chồng của bà Dung đã chỉ đạo cho nhân viên đánh tráo bản vẽ thiết kế này. Chính vì vậy, các cán bộ chịu trách nhiệm ký nháy phê duyệt nội dung liên quan của Hợp đồng là Giám đốc tài chính và Trưởng Bộ phận bán hàng đã không ký nháy vào hợp đồng của bà Dung, mà chỉ có chữ ký nháy của ông Phương và chữ ký chính thức của ông Habibullah Khong Sow Kee cùng bản vẽ đã được điều chỉnh thay đổi và đánh tráo.

Ngày 21/01/2013, Công ty VIDC đã tổ chức thanh tra nội bộ về những sai phạm đối với Hợp đồng số 153 của bà Dung và kết luận: "Căn cứ vào quy chế nội bộ của Công ty, căn cứ Điều lệ của Công ty, nhận thấy rằng ông Phương ký nháy vào văn bản đề xuất thay đổi thiết kế bên trong căn nhà của bà Dung và ông Habibullah Khong Sow Kee ký duyệt là việc làm chưa có tiền lệ. Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh công ty, thậm chí, còn gây thiệt hại về tài chính với công ty.

Những thay đổi trong thiết kế căn nhà của bà Dung đã dẫn đến thiệt hại cho VIDC ước tính lên tới 27.120 USD, tương đương 569.520.000 đồng.

Hơn nữa, những sai lệch này sẽ dẫn tới việc các khách hàng cho rằng, VIDC đã hành xử thiếu công bằng khi ưu tiên bà Dung. Điều này sẽ đưa đến hậu quả là thiệt hại cho danh tiếng của VIDC trên thị trường mà danh tiếng thị trường của VIDC là vô giá.

Việc ông Phương và ông Khong tuỳ tiện quyết định và phê duyệt những thay đổi trong thiết kế căn hộ của bà Dung rõ ràng đã vi phạm các điều khoản trong điều lệ công ty.

Theo bà Diễm, bà Trần Thị Dung là vợ của ông Nguyễn Chân Phương - Nguyên Phó Tổng Giám đốc VIDC, tại thời điểm ký hợp đồng, ông Phương đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc. Vì vậy, hợp đồng ký với bà Dung phải được phê duyệt bởi Đại Hội Cổ đông hay Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, hợp đồng này đã không tuân theo quy định này.

VIDC là công ty liên doanh giữa Perdana Parkcity (S) Pte (Malaysia) và CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành nhằm thực hiện đầu tư kinh doanh. Trong đó, Vinaconex - Hoàng Thành chiếm 40% vốn điều lệ, Pernada Parkcity chiếm 59% vốn điều lệ và thể nhân khác chiếm 1% vốn điều lệ. Vào năm 2012, Vinaconex đã thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex - Hoàng Thành và sau đó Vinaconex - Hoàng Thành bán lại toàn bộ vốn tại VIDC cho đối tác Malaysia.

Tại thời điểm đương chức, ông Nguyễn Chân Phương là đại diện cổ đông nắm 40% cổ phần của VIDC. Chính vì vậy, theo điều lệ của công ty, giao dịch giữa bà Dung - vợ ông Phương (người đại diện nắm 40% cổ phần) phải được phê duyệt Đại Hội Cổ đông hay Hội đồng quản trị.

Ngoài ra, đối với hợp đồng của bà Dung, theo điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rất rõ "Hợp đồng giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:

a) Cổ đông, người đại diện uỷ quyền của cổ đông sở hữu trên 35% tổng số cổ phần của công ty và những người liên quan đến họ.

b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc.

c) Doanh nghiệp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều 118 của Luật này và người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc".

"Việc hợp đồng của bà Dung ký không thông qua Đại hội Cổ đông hay Hội đồng quản trị là vi phạm điều lệ của công ty và quy định của pháp luật", bà Diễm khẳng định.

Ngoài ra, theo văn bản gửi báo điện tử VTC News, VIDC cũng cho biết, bà Dung đã không thực hiện nghĩa vụ theo các điều khoản của Hợp đồng 153, nên hợp đồng số 153 đã được chấm dứt theo các văn bản hợp lệ từ hai bên và theo đúng những quy định tại Hợp đồng số 153.

Sau khi chấm dứt hợp đồng số 153, VIDC đã hoà giải, đàm phán với bà Dung nhưng bà Dung tìm mọi lý do và đưa ra nhiều yêu sách bất lợi cho VIDC.

"VIDC đã chuyển đơn tố cáo cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan đến tranh chấp hợp đồng 153 cùng việc đánh tráo và làm giả Hợp đồng số 153 cho các cơ quan chức năng", văn bản của VIDC nêu rõ.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin các diễn biến tiếp theo của sự việc.

Châu Anh




Bình luận
vtcnews.vn