Cô giáo chửi học viên 'giẻ rách, óc lợn': Cô mất tư cách nhưng trò đâu phải là nạn nhân

Giáo dụcThứ Hai, 07/05/2018 11:19:00 +07:00

Khi nói gọi mày xưng tao, chửi học trò là "đổ giẻ rách, là đồ mặt người óc lợn", cô giáo đã phá vỡ đạo làm thầy, tuy nhiên cậu học trò kia đâu phải là người bị 'oan', là nạn nhân của vụ việc.

Video: Cô giáo tiếng Anh chửi học viên 'mặt người óc lợn': Dư luận phản ứng trái chiều

Dư luận lại được dịp xôn xao khi xem đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo Nguyễn Kim T., giám đốc chuyên môn Trung tâm MST English tại Hà Nội mạt sát, xúc phạm học viên trong giờ học, ví học viên với “lợn”. 

Thật tiếc, khi một lần nữa, đây lại là một câu chuyện buồn của ngành giáo dục, vốn đã có quá nhiều những câu chuyện buồn trong thời gian gần đây. Dù có khá nhiều ý kiến bênh vực, song tôi cho rằng, xét ở góc độ nào thì cách hành xử của cô giáo T. vẫn không thể chấp nhận được.

Nhiều người cố rạch ròi cô giáo chỉ là người “bán chữ” ở trung tâm gia sư, không hẳn là cô giáo “chuẩn”, nhưng dù sao về danh xưng, phải chấp nhận sự thật rằng, cô T vẫn là một người “người thầy”.

Trong giờ lên lớp, cô vẫn phải chịu sự ràng buộc bởi những quy định thành văn hoặc bất thành văn trong quan hệ thầy - trò. Chỉ khác là cô không nằm trong biên chế của ngành giáo dục mà giảng dạy cho một trung tâm ngoại ngữ. Phải chăng, chính sự khác biệt ấy đã tạo cho cô một sự chủ quan rằng, đây là sân chơi riêng của cô, ai đến đây học phải tuân theo luật chơi ấy. Trong sân chơi riêng mà cô tạo lập, cô là luật, là lệ?

chui-0039043-4-1718446

 

Thực ra, cách cô T. suy nghĩ và việc cô T. tạo ra sân chơi riêng cho mình không hẳn là sai. Trước sự phát triển ồ ạt của các trung tâm ngoại ngữ, việc cạnh tranh để tạo uy tín, xây dựng thương hiệu, thu hút được đông đảo học viên là điều không hề đơn giản. Ngoài đội ngũ giáo viên hùng hậu, cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi, hiện đại, việc phải có những giáo viên cá tính, đề ra các quy định lớp học khác lạ, đặc biệt… là điều dễ hiểu, thậm chí là bắt buộc.

Vấn đề ở chỗ, sự khác lạ, đặc biệt ấy nó ở mức nào, có được đông đảo mọi người chấp nhận hay không, có đi quá giới hạn mà đạo đức xã hội hoặc ngành giáo dục cho phép hay không mà thôi.

Xem xét kỹ diễn biến của sự việc mà chúng ta được xem qua đoạn clip, có thể thấy, lỗi ban đầu thuộc về cậu học viên kia.

Theo như cô T. nói thì đây không phải lần đầu nam học viên kia vi phạm nội quy của lớp học. Cô T. cho rằng, chính cái nội quy ấy là điểm khác biệt của cô với các lớp, các trung tâm khác, giúp chất lượng học tập của học viên được nâng lên.

Cô cho rằng, việc đưa ra quy định phạt tiền nếu học sinh mắc lỗi không phải để thu vén cho cá nhân mình, hay cho trung tâm, mà là để học viên phải “sợ” mà không dám vi phạm, chểnh mảng, cứ “đánh” vào kinh tế là học viên sẽ phải chấp hành, không cần phải  động viên, hay… dụ dỗ gì cả. Điều này được cô T. cho học viên biết từ trước, cô trò thống nhất với nhau và tự tay mình ký vào bản cam kết.

Cậu học viên kia cũng không phải là lần đầu tiên vi phạm. Nhưng khi bị giáo viên yêu cầu nộp phạt, cậu đã không chấp hành, ngược lại, còn cho rằng cô “lừa đảo”. Chính câu nói này đã khiến “tức nước vỡ bờ”, khiến cô giáo hết sức bức xúc và liên tục đưa ra các phát ngôn thiếu kìm chế, đầy chợ búa, côn đồ.

Vậy là, nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ chính cậu học viên, người mà được đông đảo dư luận coi là “nạn nhân”.

Quả thực, cậu không phải là người “oan” hoàn toàn. Nếu cậu ta không vi phạm, hoặc vui vẻ chấp nhận nộp phạt khi phạm quy thì chắc chắn sự việc đã không diễn biến xấu đến thế. 

Còn người đẩy sự việc lên quá giới hạn cho phép, khiến sự việc từ bình thường trở thành dị biệt lại chính là cô giáo “chợ búa” kia.

Có thể thấy rằng, khi cô giáo và học viên này đôi co, xúc phạm qua lại lẫn nhau, các học viên khác, những người lớn tuổi, trưởng thành, có bản lĩnh và chính kiến hầu như đều im lặng. Nếu cậu học viên kia hoàn toàn bị oan, hoặc cô giáo hoàn toàn xấu tính, chắc chắn sẽ không có sự im lặng ấy. 

Nữ giáo viên tiếng Anh chửi học viên 'mặt người óc lợn': Đóng Fanpage trung tâm tiếng Anh

Theo nhiều ý kiến trên mạng, cô giáo là người giỏi chuyên môn, tâm huyết với học sinh, chất lượng giảng dạy tốt. Nhiều người cho rằng, chính vì cô “tài”, nên có thể cô cũng có “tật”. Cái đó có thể chấp nhận ở lĩnh vực khác, chứ trong lĩnh vực giáo dục, theo tôi, cái “tật” đó không bao giờ được phép. Khi cô đứng trên bục giảng, giữa cô và học sinh mặc nhiên đã tạo lập nên mối quan hệ thầy-trò đầy thiêng liêng, cao quý.

Từ xưa đến nay, hình ảnh người thầy đã trở thành sự chuẩn mực, cao quý, được xã hội trọng vọng. Tôi cho rằng, cách ứng xử của cô giáo kia không xứng đáng với đạo làm thầy. Kể cả với tư cách là người bán chữ, nó cũng thật khó chấp nhận.

Cô có thể mời học viên kia ra ngoài sau nhiều lần vi phạm nội quy nhưng cô đã không chọn cách ấy mà nói những lời thiếu văn hóa với học viên, gọi mày xưng tao, chửi học trò là "đổ giẻ rách, là đồ mặt người óc lợn". Bản thân cô đã phá vỡ đạo làm thầy, phá vỡ mối quan hệ thầy - trò thiêng liêng cao quý.

Đành rằng cô giáo là người mạnh mẽ, cá tính, và tâm huyết. Đành rằng, muốn tốt cho học viên nên cô giáo này đã chọn cách ứng xử ngay thẳng, khắt khe. Nhưng, việc cá tính, khắt khe, thẳng thắn nó khác hoàn toàn với việc xúc phạm, miệt thị học viên, nhất là khi học viên là người đã ở tuổi trưởng thành.

Đáng buồn hơn là, khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo sau sự việc xảy ra, cô vẫn tỏ ra không hề ân hận, hối lỗi. Cô vẫn đầy tự tin, bản lĩnh khi bảo vệ quan điểm, cách hành xử của mình. 

Có thể cô giáo ấy sẽ vẫn tiếp tục được đứng lớp, vì chế tài để cấm cô lên lớp giảng dạy ở trung tâm là khá mơ hồ. Cũng có thể số học viên đến với cô ấy sau vụ ầm ĩ này còn đông hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là đông đảo dư luận chấp nhận cách hành xử vừa qua của cô.

Và sẽ thật buồn nếu cô vẫn giữ nguyên thái độ ấy, suy nghĩ ấy để lên lớp, còn ở dưới, những lứa học viên vẫn cúi đầu chấp nhận, tôn sùng gọi cô ấy là “cô giáo”, coi đó là người “thầy”!

>>> Đọc thêm: Cô giáo tiếng Anh chửi học viên 'mặt người óc lợn' thách thức dư luận 'ném đá thoải mái'

Chiến Văn
Bình luận
vtcnews.vn