Cô gái từng bị hành hạ ở quán phở giờ là bếp trưởng

Thời sựThứ Ba, 22/06/2010 02:38:00 +07:00

3 năm kể từ ngày thoát khỏi cảnh đầy đọa của cặp vợ chồng Chu Văn Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương, giờ Bình đã trở thành một thiếu nữ hoạt bát và rắn rỏi.

Trong nắng hè oi ả, Nguyễn Thị Bình cặm cụi bên bếp lò ngồi rán nem tại quán cơm ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). 3 năm sau ngày thoát khỏi cảnh đầy đọa ở quán phở, Bình khá hoạt bát với vai trò bếp trưởng.

3 năm kể từ ngày thoát khỏi cảnh đầy đọa của cặp vợ chồng Chu Văn Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương, giờ Bình đã trở thành một thiếu nữ hoạt bát và rắn rỏi. Trong nắng hè oi ả, cô đang cặm cụi bên bếp lò ngồi rán nem tại một quán cơm ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Thỉnh thoảng Bình lại cầm chiếc khăn mặt lên thấm mồ hôi, đôi bàn tay ngày nào còn xưng vù với những vết sẹo do bị đánh giờ đã lành lặn, có thể cử động bình thường.

"Mặc dù vẫn vất vả, nhưng em thấy vui vì được sống và làm việc với bạn bè ở đây. Một ngày làm việc của em bắt đầu từ 5h sáng với việc đi chợ, chuẩn bị đồ ăn để bán buổi trưa, đến 2h đóng cửa bọn em nghỉ đến 4h chuẩn bị đồ ăn để bán buổi tối, khoảng 8h là xong xuôi hết mọi việc được nghỉ ngơi tự do", Bình nói.

Cô gái kể, nhân viên trong quán đều là các bạn cùng trang lứa, hoàn cảnh khó khăn nên rất hiểu và luôn chia sẻ buồn vui. Lớn tuổi nhất, cộng với kinh nghiệm nấu ăn đã có sẵn và khá khéo léo nên Bình được chủ quán giao cho trọng trách bếp trưởng. Lương tháng được hơn 2 triệu, trừ các chi phí vặt mỗi tháng cô cũng tiết kiệm được 1,5 triệu đồng.

Quán cơm Bình đang làm thêm khá rộng rãi, ban ngày dùng để bán hàng, khi tối đến lau dọn sàn nhà sạch sẽ kê vài tấm dát giường ra là thành chỗ nghỉ ngơi. "Thời tiết tuy có oi bức nhưng bọn em chịu được hết", cô bếp trưởng cười nói.

Bình đang chuẩn bị thức ăn cho buổi trưa tại quán cơm. Ảnh: Quý Thông. 

Từ khi kết thúc phiên tòa xét xử vụ án vợ chồng Đức -Phương đầu năm 2008, cô đã đi làm thêm ở 3-4 địa điểm, đến đầu năm 2009 thì chuyển về quán cơm hiện nay. Lý giải về việc không ở quê (xã Trấn Hưng, Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc), Bình cho biết, cô hy vọng được hỗ trợ 5 triệu đồng để học một khóa đào tạo nghề cơ bản, nhưng đợi mãi không thấy. Sau gần một năm, cô quyết định ra Hà Nội đi làm tiếp, không đợi chờ đi học nghề nữa.

Bình tâm sự: "Có những lúc em thấy ông trời đã mỉm cười với mình khi bố gọi điện bảo em về quê sống cùng gia đình. Tưởng sắp được đoàn tụ cùng mọi người, nhưng khi về quê cuộc sống hoàn toàn khác so với em nghĩ. Họ hàng làng xóm kẻ bàn ra người tán vào. Em luôn cảm thấy như bị rơi vào một nơi xa lạ nào đó chứ không phải quê mình".

Lau những giọt nước mắt, cô gái sinh năm 1983 nói: "Những ngày nghỉ lễ, Tết ai cũng có gia đình để về, có chỗ để đi chơi, riêng mình em không có, lủi thủi một mình trong quán. Tối tối bạn nào cũng có người yêu hẹn hò đi chơi nhưng em thì không. Nói thực em chả bao giờ dám mơ có người yêu chứ đừng hy vọng là có chồng. Có hai lý do ngăn cản, đó là em gần như không có gia đình và không biết chữ. Làm sao có thể dám mơ mộng?".

Bình cho biết, dù được chữa trị rất nhiều nhưng những vết thương cũ vẫn thi thoảng dở chứng. Mỗi khi thay đổi thời tiết, cô vẫn quặn đau từng cơn. "Có những hôm em quằn quại mất ngủ cả đêm, chỉ biết khóc một mình, cắn răng chịu đựng. Nếu đau quá đành phải xin nghỉ để về Vĩnh Phúc khám lấy thuốc. Với 424 vết sẹo và tổn thương 34% sức khỏe thì khó mà hết được", cô nói.

Nhắc đến vụ Hào Anh bị chủ trang trại tôm giống Minh Đức hành hạ gần đây, Bình bảo không ngờ vẫn có người khổ hơn mình, bị tổn thương tới 66,8% sức khỏe. Cô cho rằng những nỗi đau bị bạo hành chẳng bao giờ quên được, cũng chẳng có gì bù đắp nổi.

Khi hỏi về ước mơ tương lai, Bình chỉ nhỏ nhẹ nói: "Em mong ước mình làm ăn chăm chỉ tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ đủ để mở một quán cơm. Mình chỉ quyết định được số phận của bản thân khi có kinh tế trong tay".

Trưa 20/10/2007, Nguyễn Thị Bình được cứu thoát khỏi sự hành hạ của vợ chồng Đức - Phương, sau nhiều năm bị đầy đọa. Ngày 7/11/2007, cặp vợ chồng này bị bắt và khởi tố tội hành hạ người khác.

Sáng 9/11/2007, hai người ở Vĩnh Phúc đến nhận là bác rể và em trai của Bình. Theo đó, Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Thông, sinh năm 1983, quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Chiều 10/11/2007, bà Hà Thị Bình, người đưa em Bình trốn thoát, nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố. Ngày 11/11/2007, tổ trưởng dân phố, tổ trưởng chi hội phụ nữ nơi xảy ra vụ hành hạ em Bình đã bị bãi nhiệm. 

Theo VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn