Cô gái sống lạc quan mặc kệ khối u lớn trên mặt

Sức khỏeThứ Hai, 05/08/2019 16:05:00 +07:00

Kennedy Hubbard, 22 tuổi, Mỹ, bị dị tật bạch huyết, được mẹ động viên bỏ qua mặc cảm để sống một cuộc đời lạc quan như bao người.

Kennedy sinh ra với một khối u lớn bao quanh miệng và hàm do dị tật bạch huyết. Những đứa trẻ mắc bệnh giống như cô thường được phụ huynh cho học tại nhà thay vì đến trường, bởi họ không muốn con mình nghe những lời nói tàn nhẫn, xúc phạm từ người ngoài. Tuy nhiên, mẹ của Kennedy thì khác. Bà cho rằng để con gái mình sống một cuộc sống bình thường như mọi người là điều đúng đắn.

Bởi vậy, suốt nhiều năm, Kennedy sống với châm ngôn được chỉ dạy từ người mẹ của mình: "Trong cuộc sống, mọi người có thể hiếu kỳ về ngoại hình của con. Điều đó vẫn ổn, không sao cả. Tuy nhiên đừng cho phép bất cứ ai lăng mạ hay xúc phạm con. Đó là hành động vô cùng tàn nhẫn". 

Học mẫu giáo, Kennedy đi cùng một y tá vào lớp để giải thích rằng dị tật bạch huyết không phải là một căn bệnh truyền nhiễm. Cô chia sẻ: "Cô y tá chỉ nói về sự khác biệt ở khuôn mặt của tôi với mọi người và điều này vô tình khiến tôi trở nên đặc biệt hơn. Tôi vẫn có nhiều bạn bè và rất thích được đi học".

Kennedy luôn vui vẻ và lạc quan với cách nuôi dạy này của mẹ mình.

1

 Kennedy luôn lạc quan với khối u lớn bao quanh mặt. 

Dị tật bạch huyết xảy ra khi các mạch bạch huyết hình thành không chính xác trong giai đoạn thai kỳ. Cứ 4.000 trẻ sơ sinh có một bé mắc phải.

Tiến sĩ McCormick, giám đốc y tế của Trung tâm Vascular Anomalies, cho biết đầu và cổ là hai vị trí phổ biến xuất hiện dị tật. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể. Trường hợp nhẹ, trẻ bị nhiễm trùng hoặc biến chứng do tổn thương dị dạng bạch huyết, làm tăng kích thước khối u. Trường hợp Kennedy nghiêm trọng hơn, bác sĩ phải điều trị bằng cách mở khí quản để đặt một ống thông cho không khí đi vào phổi.

Kennedy phải mang ống thông khí quản đến 19 tuổi, song điều này không thể ngăn cản đam mê chơi bóng chuyền của cô.

Cô gái chia sẻ: "Bằng một cách thần kỳ nào đó, tôi đã chơi được bóng chuyền. Huấn luyện viên vô cùng bất ngờ và luôn khích lệ tôi, đó là cảm giác tuyệt vời nhất. Tôi có thể chứng minh cho mọi người thấy rằng không việc gì là tôi không làm được".

Kennedy giữ vị trí setter (chuyền 2) trong các trận bóng chuyền, một vị trí vô cùng quan trọng của đội. Kennedy vẫn tiếp tục chơi bóng chuyền khi lên Đại học Stockton.

2

 Kennedy ngày bé và mẹ. 

Ngoài ra, cô còn đứng đầu một tổ chức từ thiện của riêng mình mang tên Kennedy Forge Cause. Tổ chức phi lợi nhuận này được thành lập vào năm 2012 nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng quyên góp để hỗ trợ các chuyên gia tìm ra phương pháp điều trị tốt hơn cho bệnh nhân bị dị tật bạch huyết.

Mẹ của Kennedy tâm sự: "Con gái tôi muốn trở thành tấm gương và là người truyền cảm hứng đến những bệnh nhân dị tật bạch huyết khác, giúp họ trở nên lạc quan hơn trong cuộc sống".

"Kennedy tiếp cho tôi rất nhiều động lực và hy vọng trong cuộc sống", Silvestri, giáo viên ở Florida cho biết.

Kennedy vừa tốt nghiệp khoa tâm lý học. Cô đang thực tập tại Bệnh viện nhi đồng Nemours/Alfred I. DuPont, nơi khi còn nhỏ đã trải qua 8 tháng trong phòng chăm sóc đặc biệt.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn